Mỹ nghệ Tuyên Tâm và bản lĩnh làm giàu từ nghề truyền thống
(Dân trí) - Nổi bật trong các cơ sở sản xuất ở làng mộc Thuần Mỹ - Hưng Yên, mỹ nghệ Tuyên Tâm sở hữu nguồn sản phẩm đa dạng, tinh xảo. Nhờ định hướng phát triển đúng đắn tại làng nghề, mỹ nghệ Tuyên Tâm đã có được vị thế đáng kể trên thị trường đồ gỗ.
Ông chủ đồ gỗ mỹ nghệ 8x sinh ra từ làng
Nổi bật trên bản đồ làng nghề tại Hưng Yên, làng mộc Thuần Mỹ, xã Hòa Phong là một trong số những vùng đất có nghề chạm khắc gỗ truyền thống lâu đời, khẳng định vị thế bởi nét đặc trưng riêng có. Kế thừa truyền thống của ông cha, anh Đào Đình Tuyên - chủ cơ sở mỹ nghệ Tuyên Tâm hiện là thế hệ tiếp nối, quyết giữ nghề đục - chạm trong bối cảnh thị trường có nhiều thay đổi
Theo đó, Đào Đình Tuyên (sinh năm 1988), hiện đang điều hành cơ sơ sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ, là một trong số ít người trẻ có tay nghề, có tư duy phát triển thế mạnh nghề truyền thống tại quê hương. Trưởng thành cùng tiếng đục đẽo quen thuộc, anh quyết tâm gắn bó với cây gỗ - hình ảnh từ lâu đã trở thành một phần cuộc sống của anh cũng như người dân nơi đây.
Với thành công bước đầu, hiện nay, mỹ nghệ Tuyên Tâm đã tạo dựng được 2 cơ sở kinh doanh tại Thuần Mỹ và Đắk Lắk, giúp cung cấp nguồn hàng ổn định cho thị trường trên toàn quốc. Tại quê hương, cơ sở của anh Tuyên cũng tạo được công việc thường xuyên cho nhiều lao động lành nghề trong vùng, đặc biệt là giúp mang hình ảnh đồ gỗ Hưng Yên chất lượng vươn xa hơn.
Khởi nghiệp từ đôi bàn tay
Từ nhỏ đã thấy bố, thấy ông làm nghề chạm khắc, anh Đào Đình Tuyên lớn lên theo sự sắc bén của từng nét chạm trổ, cùng những sản phẩm đầu tay như con giống, chiếc bình hoa. Dần dần khi vững tay nghề, anh thành lập cơ sở mỹ nghệ theo hướng chuyên nghiệp hóa, sản xuất và kinh doanh các dòng sản phẩm chủ đạo như tượng Phật Di Lặc, tượng con giống, lục bình trang trí…
Chia sẻ về quyết định lập nghiệp trên quê hương, anh Đào Đình Tuyên cho biết: "Mình may mắn được sinh ra trên mảnh đất có nghề quý của cha ông, chỉ với đôi bàn tay mà khối gỗ vô tri cũng có cảm xúc. Đó là động lực cho mình thêm vững vàng, tin rằng đôi tay này cũng có thể biến nghề truyền thống thành nghiệp lớn."
Anh chia sẻ thêm, chính nhờ được cha mẹ truyền dạy kinh nghiệm và cách làm gỗ mỹ nghệ từ khi còn nhỏ, cùng với đó là niềm đam mê với công việc truyền thống nên khi bắt đầu mỹ nghệ Tuyên Tâm, anh không quá bỡ ngỡ. Tuy nhiên, để có thể quản lý công việc kinh doanh và thoát khỏi mô hình sản xuất hộ gia đình như bao năm qua, anh Tuyên cùng toàn bộ lao động tại cơ sở đã phải nỗ lực và thay đổi nhiều thói quen cũ.
Đặc biệt, với đặc điểm sản xuất gỗ mỹ nghệ theo kỹ thuật thủ công truyền thống để lưu giữ giá trị tượng gỗ, mỹ nghệ Tuyên Tâm gặp không ít thách thức trong việc đáp ứng thời gian giao hàng, đồng thời phù hợp với thị hiếu của khách hàng hiện đại. Theo thời gian, những sản phẩm mỹ nghệ Tuyên Tâm giờ đây đã có thể khẳng định chất lượng từ từng nét hoa văn đến uy tín trên thị trường đồ gỗ.
Khát vọng vươn ra biển lớn
Hiện nay, hầu hết các sản phẩm gỗ mỹ nghệ của cơ sở Tuyên Tâm được tiêu thụ tại thị trường trong nước với nguồn khách hàng ổn định. Tuy nhiên, theo anh Tuyên, kể cả cơ sở của anh và các cơ sở sản xuất trong làng nghề đều chưa được khai thác hết tiềm năng. Trong khi đồ gỗ truyền thống của Hưng Yên nói chung, và vùng Mỹ Thuần - Hòa Phong nói riêng đều mang vẻ đẹp độc đáo riêng, với kỹ thuật tinh xảo lâu đời.
Về kế hoạch cho tương lai, anh Tuyên mong muốn có thể mạnh dạn chinh phục thị trường nước ngoài, bởi nhu cầu tiêu thụ những sản phẩm thủ công truyền thống còn rất lớn. Ngay từ bây giờ, mỹ nghệ Tuyên Tâm cũng đang không ngừng nâng cao tay nghề của thợ chế tác, đồng thời tối ưu chu trình sản xuất để thương hiệu không chỉ phổ biến ở thị trường nội địa mà còn vươn xa ra cả thị trường thế giới.