Quảng Nam:

Miền núi thiếu nước sinh hoạt do nắng hạn

(Dân trí) - Nắng hạn kéo dài khiến nguồn nước sinh hoạt của người dân ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam bị thiếu hụt nghiêm trọng. Ở nhiều thôn, để có nước sinh hoạt, người dân phải dậy từ sớm, đi vài cây số mới đến chỗ lấy nức và gùi từng can nước về sử dụng.

Cứ vào mùa hè, hàng trăm hộ dân ở thôn Dung và thôn Pà Dấu 1, 2 (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) lại đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, họ chỉ trông chờ vào một đường ống dẫn nước từ rừng về.

Miền núi Quảng Nam thiếu nước sinh hoạt

Hàng ngàn người dân thị trấn Thạnh Mỹ chỉ dùng chung một vòi nước nhỏ lấy từ suối cách hàng trăm mét từ rừng kéo về

Để có thể đưa nước về sử dụng, người dân vào rừng ở khu vực đầu nguồn khe suối, dùng đá ngăn dòng, đưa đường ống nhựa dẫn nước về thôn Pà Dấu. Đường ống dẫn nước nhỏ hơn cổ tay mà hàng trăm người hàng ngày chen chân mới có nước.

Hàng ngày, từ tờ mờ sáng hay chiều tối, người dân phải xếp hàng hứng nước vào can nhựa loại 20-30 lít rồi gùi về nhà dùng.

Miền núi Quảng Nam thiếu nước sinh hoạt

Ngoài là nơi lấy nước sinh hoạt, nơi đây cũng là nơi tắm, giặc giũ của người dân

Anh Nguyễn Tình (người dân thôn Dung) cho hay, năm nào cũng thiếu nước. Để có nước, bà con chúng tôi phải lên rừng ở thôn Pà Dấu 1 hứng nước chở về dùng. “Nếu trời mưa thì hứng nước mưa dùng, đỡ đi lấy; nếu trời không mưa thì phải mang can thay nhau chờ để hứng nước suối về dùng chứ nước ở đâu”, anh Tình nói.

Do nước tự nhiên nên phụ thuộc và thời tiết. Có hôm nắng nóng, nước chảy yếu hoặc không có nên người dân ở đây phải dùng hết sức tiết kiệm. “Năm nay, tình trạng thiếu nước khốc liệt hơn nhiều vì hạn hán. 512 hộ dân ở đây phải chờ đợi từ sáng sớm vất vả mới đủ mỗi nhà vài can nước về dùng”, anh Tình than thở.

Miền núi Quảng Nam thiếu nước sinh hoạt

Người dân gùi nước về nhà sử dụng. Mỗi ngày họ chỉ lấy vài can về nấu ăn uống vì quá xa

Không chỉ lấy nước về sinh hoạt, để đỡ vất vả, nhiều người còn tranh thủ mang áo quần lên đường ống nước dẫn về thôn Pà Dấu giặt và tắm rửa.

Dù nguồn nước khó khăn nhưng cũng không được sạch, nhiều lúc bùn, cát sạn theo đường ống dẫn về nên người dân phải dùng vải bịt đầu ống nhựa lại cho đỡ.

Ông A Lăng Mai – Chủ tịch huyện Nam Giang cho biết, ở một số xã người dân cũng thiếu nước sinh hoạt vì nước sinh hoạt chủ yếu là dùng nước tự cháy kéo về từ các khe suối. Riêng ở thị trấn Thạnh Mỹ do dân cư tập trung (khoảng 8 ngàn người), việc cấp nước từ nhà máy cũng còn nhiều khó khăn.

Người dân miền núi thiếu nước sinh hoạt do nắng hạn

Trên địa bàn huyện Nam giang hiện nay có một Xí nghiệp Cấp thoát nước Nam Giang, thuộc Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam, nhưng xí nghiệp này chỉ cấp nước cho một số khu vực gần nhà máy, những khu vực còn lại chủ yếu phụ thuộc vào dòng nước tự chảy. Còn một số khu dân cư ở thôn, bản nước máy vẫn chưa được cung cấp.

“Thực tế, công ty cấp nước chỉ đầu tư dọc đường Hồ Chí Minh, còn những nhánh rẽ vào các cụm dân cư, các thôn, bản ở thị trấn Thạnh Mỹ này chưa được đầu tư nên nước sinh hoạt ở thị trấn thiếu trầm trọng. Rất nhiều thôn trên địa bàn chưa được đầu tư đường ống nước nên người dân cũng đã kiến nghị”, ông Mai nói.

Chủ tịch huyện Nam Giang cũng cho biết thêm hiện nhu cầu nước không chỉ dùng riêng cho sinh hoạt mà phục vụ cho các cơ quan, đơn vị, sản xuất kinh doanh thì hiện nay cũng không có nước. Đây là vấn đề bức xúc hiện nay của huyện.

Theo tìm hiểu của PV, không chỉ ở huyên miền núi Nam Giang mà hiện nay nhiều huyện miền núi khác của tỉnh Quảng Nam, ngoại trừ khu vực thị trấn thì có nước máy sử dụng, còn các khu vực thôn, bản người dân phải dùng nước tự chảy từ các khe suối. Các công trình nước sạch được đầu tư từ nguồn vốn chương trình 134, 135 trước đây thì nay đã xuống cấp, hư hỏng. Do năm nay tình trạng hạn hán kéo dài nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra rất nghiêm trọng.

Công Bính