Mẹo giúp sử dụng tiết kiệm thực phẩm trong thời gian giãn cách

Thảo Nguyên

(Dân trí) - Khi việc tiếp cận các nguồn thực phẩm không còn dễ dàng như trước trong thời gian giãn cách xã hội, ngày càng nhiều người quan tâm đến việc sử dụng thực phẩm như thế nào để không lãng phí.

Trong thời gian giãn cách xã hội, mối quan tâm đầu tiên của đa số chúng ta là liệu đồ ăn có đủ không trong khi việc đi chợ không đơn giản như trước và thực phẩm không thể phong phú như trước giãn cách. Với các mẹo nhỏ dưới đây, bạn có thể hạn chế số lần mua hàng và sử dụng thực phẩm hiệu quả nhất.

1. Bạn cần mua những gì?

Lời khuyên đầu tiên là bạn chỉ nên mua thực phẩm mỗi tuần một lần. Điều này giảm số lần bạn phải đi ra ngoài, tránh lãng phí, đồng thời cho phép tất cả mọi người đều có điều kiện tiếp cận thực phẩm mình cần. Vậy những thực phẩm nào nên ưu tiên mua?

Mẹo giúp sử dụng tiết kiệm thực phẩm trong thời gian giãn cách - 1

Chỉ nên mua thực phẩm mỗi tuần một lần.

- Đồ hộp: Sốt cà chua, tương ớt, nước cốt dừa, cá hộp, thịt hộp... Đồ hộp có thể để được lâu, không tốn diện tích, lại rất tiện dụng để nấu nướng và kết hợp với các món ăn khác.

- Các đồ lưu trữ được trong tủ bếp: Trứng, mì ý, mì ống, mỳ gạo, miến, bột mì, đồ gia vị, tẩm ướp để giúp tăng hương vị cho các món ăn. Bạn cũng nên dự trữ trong nhà một thùng sữa tiệt trùng.

- Ngũ cốc hoặc yến mạch cho các bữa sáng nhanh và tiện dụng.

- Rau củ đông lạnh: Rau củ tươi vốn là thói quen ăn uống của người Việt nhưng không phải nhà ai cũng có tủ lạnh to để có thể cất trữ rau củ. Bạn cũng có thể tự mua rau tươi về đông lạnh. Rau củ đông lạnh tuy không có vị ngon như rau tươi nhưng vẫn giữ được lượng vitamin và khoáng chất cần thiết.

- Đồ ăn cho chó và mèo nếu nhà bạn có nuôi.

- Giấy vệ sinh vừa đủ dùng

- Sản phẩm tẩy rửa, xà phòng nếu nhà bạn sắp hết.

- Thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt, thuốc ho đề phòng trường hợp bạn bị cảm lạnh hay cúm.

- Socola và rượu vang: Nghe có vẻ xa xỉ nhưng bạn không thể biết khi nào mình có thể cần tới một cốc rượu vang và một miếng socola để tâm trạng trở nên tốt hơn.

2. Chỉ mua những thứ mình cần

Nếu bạn không biết thì trung bình một một gia đình thường lãng phí hơn một triệu đồng mỗi tháng cho thực phẩm. Trong mùa dịch, khi công việc của rất nhiều người bấp bênh thì việc tiết kiệm số tiền này cũng vô cùng hữu ích.

Mẹo giúp sử dụng tiết kiệm thực phẩm trong thời gian giãn cách - 2

Lên kế hoạch trước khi mua để tránh lãng phí.

- Không cần thiết mua thực phẩm cho cả một tuần nếu bạn có kế hoạch đặt đồ ăn sẵn vào thứ Bảy.

- Chụp ảnh các đồ đã có trong tủ lạnh trước khi lên kế hoạch để chắc chắn rằng bạn không mua thêm loại thực phẩm bạn vẫn đang còn nhiều.

- Lên sẵn các món ăn trong một tuần. Kiểm tra xem những gì bạn đã có trong tủ lạnh và tủ bếp để có kế hoạch sử dụng chúng cho các bữa tới.

- Sau khi đã có kế hoạch cụ thể, viết những thứ bạn sẽ mua vào giấy hoặc trong điện thoại trước khi đi chợ. Nếu có một món đồ nào đó bạn muốn mua mà không có trong danh sách, đừng mua nó.

- Mua lẻ rau và hoa quả nếu có thể dù bạn nghĩ rằng mua cả ký sẽ rẻ hơn.

- Không mua đồ ăn không cần đến chỉ vì nó giảm giá.

3. Lưu trữ thực phẩm hợp lý

Mẹo giúp sử dụng tiết kiệm thực phẩm trong thời gian giãn cách - 3

Bạn có thể giữ thực phẩm trong vài tuần, thậm chí cả tháng nếu bạn lưu trữ đúng cách.

- Bảo vệ thực phẩm ở hộp kín khí. Sử dụng dây buộc, kẹp, túi ziplock. Các loại hộp lưu trữ như Tupperware hoặc các hộp có dây cao su đàn hồi hoặc chốt ở nắp để đảm bảo kín khí sẽ giúp thực phẩm lưu trữ được lâu hơn.

- Điều chỉnh tủ lạnh ở nhiệt độ thích hợp, tức là trong khoảng từ 0 đến 5 độ C.

- Các thực phẩm sống như thịt, cá để ở ngăn dưới cùng của tủ để tránh không chạm vào thực phẩm đã nấu chín. Trữ trong ngăn đông nếu bạn không có kế hoạch ăn ngay. Ngay cả cà rốt nếu bạn chưa ăn đến cũng có thể làm đông để giữ được lâu hơn.

4. Không vứt đi những thứ có thể ăn được

Mẹo giúp sử dụng tiết kiệm thực phẩm trong thời gian giãn cách - 4

Hãy học cách tiết kiệm thực phẩm bằng việc sử dụng những phần thực phẩm mà chúng ta thường vứt bỏ đi.

- Chú ý đến thời gian sản xuất trên nhãn hộp

Một số đồ ăn có dán nhãn "sử dụng tốt nhất trước". Bạn hoàn toàn có thể ăn chúng khi quá thời gian ghi vỏ hộp nhưng không nên ăn những thực phẩm quá "thời hạn sử dụng". Một mẹo nên lưu ý là trữ đông tất cả những thực phẩm mà bạn không chắc chắn rằng bạn có thể tiêu thụ trước thời hạn ghi trên nhãn hay không.

- Không bỏ đi những thứ ăn được

Bạn có thể sử dụng lá súp lơ để xào hoặc luộc. Thân súp lơ hoặc bắp cải có thể bóc lớp vỏ bên ngoài để ngâm chua ngọt để thêm một món vào bữa ăn. Miếng vỏ bánh mì gối trên cùng thường không đứa trẻ nào muốn ăn bạn có thể phết bơ mật ong rán hoặc biến nó thành một miếng pizza nhỏ bằng cách nướng cùng phomai và vài miếng xúc xích. Sáng tạo hơn với bữa ăn và bạn sẽ thấy có rất nhiều thực phẩm vẫn có thể sử dụng làm thành một món ăn ngon.