Mẹ trẻ Hà Nội cảnh báo hiểm họa từ thói quen “hôn trẻ” của người lớn

(Dân trí) - Mới đây, câu chuyện của chị Phạm Thúy Quỳnh (29 tuổi, Hà Nội) có con gái 13 ngày tuổi bị nhiễm virut RSV với lời cảnh báo: “Đằng sau nụ hôn âu yếm chính là cánh cửa bệnh viện”, nhận được nhiều chia sẻ của cộng đồng.

Đằng sau lời cảnh báo về thói quen yêu thương tưởng như vô hại của nhiều gia đình, những dòng tâm sự ứa nước mắt của chị Phạm Thúy Quỳnh cũng gây xúc động mạnh.

Chị Quỳnh cho hay, đến bây giờ quãng thời gian con gái nằm viện 10 ngày điều trị vẫn là “kỷ niệm kinh hoàng” mà mỗi lần nhắc đến chị lại sợ “đến ướt đẫm người”.

Theo chị Quỳnh, ban đầu con gái chị có biểu hiện lên cơn sốt hâm hấp người suốt đêm, thở khò khè, chảy nước mũi… Chị làm đủ cách mà con không hết sốt. Đến sáng hôm sau, chị Quỳnh gọi điện cho một bác sỹ quen xin tư vấn, đặt lịch khám. Tuy nhiên, khi hỏi triệu chứng, vị bác sỹ này đã yêu cầu gia đình đưa bé nhập viện ngay.

“Bé được đưa vào thẳng Khoa cấp cứu chống độc. Nhìn con, bé như con chuột với đủ thứ dây rợ kim tiêm cắm vào người mà tôi không khóc nổi…”, chị Quỳnh kể.


Chị Quỳnh cho biết, quãng thời gian con gái nằm viện điều trị virut RSV là quãng thời gian ám ảnh cùng cực của hai mẹ con

Chị Quỳnh cho biết, quãng thời gian con gái nằm viện điều trị virut RSV là quãng thời gian "ám ảnh cùng cực" của hai mẹ con

Bác sĩ chẩn đoán con gái chị Quỳnh bị nhiễm vi rút RSV. Đối với trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh, RSV có thể gây tử vong. Nguyên nhân thường là lây từ người lớn, anh chị em trong nhà bị ho, sổ mũi... gần đứa trẻ hoặc hôn hít vào miệng chúng.

Ngay sau đó, bé được đưa vào phòng cách ly để điều trị, người thân không được vào thăm nom. Mỗi ngày, chị Quỳnh phải vắt sữa 8 lần gửi vào cho con. Để tiện cập nhập tình hình, hai vợ chồng chị Quỳnh thuê hai chiếc giường trong nhà khách bệnh viện.

“11h trưa hàng ngày, các bố mẹ lại cùng chạy lên hội trường để nghe ngóng tin tức của con. Mỗi đứa trẻ được nhận xét tình hình tầm 2 phút. Bố mẹ nào cũng cầm một cái điện thoại, người ghi âm, người quay lại lúc bác sĩ nhận xét đến con mình… Nghe tin của con xong người khóc, người cười. Tôi vẫn nhớ như in từng lời bác sỹ nói về con mình: môi hồng, tim đều, tự thở, con ăn 80ml sữa. Vậy là mừng rơi nước mắt…”, chị Quỳnh xúc động nhớ lại.

Người mẹ này cũng cho biết, lúc con gái bị ốm, trong nhà chị có mấy người đang bị ho, sụt sịt nên khi bế, chăm sóc bé đã không chú ý dẫn đến con bị lây nhiễm bệnh..
Người mẹ này cũng cho biết, lúc con gái bị ốm, trong nhà chị có mấy người đang bị ho, sụt sịt nên khi bế, chăm sóc bé đã không chú ý dẫn đến con bị lây nhiễm bệnh..

Qua 7 ngày thì con gái chị Quỳnh được ghép mẹ. Phòng bệnh đông người, các bé phải nằm ghép, còn các mẹ thì luôn phải tìm cách đề phòng vì sợ con bị lây nhiễm chéo với các bệnh nhi khác. Đây là quãng thời gian mà theo chị Quỳnh mô tả là “mệt mỏi cùng cực” của hai mẹ con.

Mỗi bé chỉ được một người thân vào chăm sóc, bé này khóc bé kia đang ngủ lại giật mình, gắt ngủ. Vì thế, mẹ nào cũng mệt, cũng liêu xiêu đến “kiệt sức” phải tranh thủ từng giây, từng phút một.

“Đêm nào thời gian cũng thế. Nhưng đêm trong viện đúng là dài hơn bình thường quá nhiều. Tiếng ọc ọc của máy thở. Tiếng dỗ con cả đêm. Tiếng khóc rền rĩ của bọn trẻ vì sốt, vì mệt. Có đứa trẻ chạy máy thở cả đêm. Mỗi lần ộc lên là cả sữa, cả thuốc, cả dịch, cả máu loang lổ trong ống xông nhìn mà xót ruột thay cho người mẹ…”, chị Quỳnh kể.

Sau 10 ngày điều trị, con gái chị Quỳnh đã được ra viện và may mắn là sau đó hồi phục rất nhanh.
Sau 10 ngày điều trị, con gái chị Quỳnh đã được ra viện và may mắn là sau đó hồi phục rất nhanh.

May mắn, sau 10 ngày điều trị thì con gái chị Quỳnh được ra viện, thời gian sau đó bé hồi phục rất nhanh và khỏe mạnh.

Người mẹ trẻ cho biết, qua câu chuyện của mình chị muốn nhắc nhở các bố mẹ có con nhỏ cần phải chú ý đến các dấu hiệu của con. Đặc biệt, lâu nay, nhiều gia đình có thói quen bày tỏ sự yêu thương, quan tâm trẻ bằng cách ôm ấp, hôn má, hôn môi nhưng lại không biết điều này có thể dẫn đến những nguy cơ lây nhiễm bệnh.

“Với các gia đình nên thường xuyên vệ sinh các đồ chơi cho bé, tránh tiếp xúc với dịch mồm, mũi của người lớn, đặc biệt người đang ho, sổ mũi... Đặc biệt, trước khi bế trẻ cần rửa tay thật sạch", chị Quỳnh nói.

Người mẹ này cũng cho biết, lúc con gái bị ốm, trong nhà chị có mấy người đang bị ho, sụt sịt nên khi bế, chăm sóc bé đã không chú ý dẫn đến con bị lây nhiễm bệnh..

Trao đổi với PV Dân trí, Bs. Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, nguyên Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, các chuyên gia y tế đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm bệnh cho trẻ qua những hành động yêu thương tưởng như vô hại của người lớn.

“Trẻ sơ sinh có hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện. Việc hôn trẻ dẫn đến việc lây nhiễm chéo, nhiễm các bệnh về đường hô hấp và hàng loạt các bệnh truyền nhiễm khác là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì tất cả các tiếp xúc dưới 2m đều có thể lây truyền các bệnh theo cơ chế giọt bắn. Tức là, các tác nhân gây ra bệnh chứa trong các giọt bắn phát ra khi người mắc bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện bắn vào vùng kết mạc mắt, vùng niêm mạc mũi, miệng của những người tiếp xúc…”, bác sỹ Thường cảnh báo.

Chuyên gia này cũng cho rằng, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, các gia đình nên có biện pháp bảo vệ trẻ như: rửa tay sạch trước khi bế, không cho người đang mắc các bệnh truyền nhiễm ôm hôn, âu yếm trẻ. Trong các trường hợp sau khi được người lớn hôn, trẻ có các triệu chứng sốt, đau họng, mệt mỏi, bú kém, quấy khóc… cần đưa đến các cơ sở y tế để theo dõi, điều trị.

Hà Trang