(Dân trí) - Hiện tranh cá 3D của anh Nguyễn Tấn Đạt được đưa đi triển lãm ở nhiều nơi và được khá nhiều người yêu thích. Anh cũng được đánh giá là một trong những nghệ nhân trẻ thành công nhất trong lĩnh vực hội họa đặc biệt này.
Hiện tranh cá 3D của anh Nguyễn Tấn Đạt được đưa đi triển lãm ở nhiều nơi và được khá nhiều người yêu thích. Anh cũng được đánh giá là một trong những nghệ nhân trẻ thành công nhất trong lĩnh vực hội họa đặc biệt này.
Sinh ra trong một gia đình nghèo tại TPHCM, từ nhỏ chàng trai Nguyễn Tấn Đạt đã sớm tìm thấy niềm đam mê trong hội họa. Tuy vậy, mãi đến năm 2008, Đạt mới thực sự có nhiều thời gian để nghiên cứu về hình thức nghệ thuật này. Lĩnh vực đầu tiên anh theo đuổi là vẽ tranh Thủy Mặc Lĩnh.
Trong một lần xem video của người Nhật Bản vẽ trên nhựa resin, Nguyễn Tấn Đạt như bị thôi miên và từ đó anh quyết tâm theo đuổi loại hình nghệ thuật này. Lúc bấy giờ, chất liệu nhựa resin tại Việt Nam vẫn còn khá hiếm. Một số người biết sử dụng đến nó nhưng rất ít chia sẻ do chất liệu này tạo ra lợi nhuận rất cao cho những người biết sử dụng.
Với quyết tâm theo đuổi đam mê, Nguyễn Tấn Đạt đã tự học hỏi và dành dụm kinh phí để mua nguyên liệu về tự nghiên cứu. Không ít lần anh phải chấp nhận đập bỏ những chiếc chén, tô, đĩa giá trị do việc nghiên cứu nhựa resin chưa mang lại kết quả như mong muốn. Năm 2016, anh đã chính thức thành công với công thức pha chế nhựa resin của riêng mình.
"Khó khăn trong việc vẽ tranh cá 3D đó là làm chủ được chất liệu resin, có hơn 1.000 loại nhựa khác nhau và công thức pha chế cũng không giống nhau. Điều này đòi hỏi phải thử nghiệm rất nhiều loại nhựa, cân đo đong đếm thật chính xác. Nếu pha dư chất xúc tác, có thể dẫn đến tỏa nhiệt, nguy cơ cháy cao hoặc bề mặt nhựa bị rỗ. Ngược lại, nếu pha ít xúc tác thì nhựa không bao giờ đóng rắn và giữ nguyên trạng thái lỏng. Bọt trong các tác phẩm phải khử rất công phu và qua nhiều giai đoạn, nếu dùng keo không tốt, sau 1 tuần lễ, tranh cá sẽ ngả vàng” – anh Đạt chia sẻ.
Xong công đoạn chất liệu tạo hình chuẩn bị nguyên liệu, Nguyễn Tấn Đạt lại dành thời gian dày công nghiên cứu và học cách đưa những chi tiết mộc mạc như tre, nứa, gỗ dừa, đất nung… mang đậm tính dân tộc đường nét của dân tộc kết hợp vào tranh từng con cá, từng viên đá, cây thủy sinh. Không một người thầy trực tiếp giảng dạy, tất cả đều tự mày mò nghiên cứu, sau 5 năm anh đã sở hữu hơn 2.000 bức tranh cá.
Anh Đạt chia sẻ: “Có lẽ vì đam mê nghệ thuật, trước đây tôi có nền tảng hội họa rồi nên học vẽ cá 3D nhanh hơn những người khác. Tuy nhiên khác các môn hội họa khác với vẽ airbrush, kỹ thuật vẽ tranh 3D này đòi hỏi mất nhiều thời gian và tinh thần tập trung cao. Cứ mỗi lớp keo là một lớp cá (layer by layer), người vẽ khéo léo dụng màu sắc phù hợp chồng lớp màu lên, vẽ đến khi nào hình ảnh chú cá hiện lên sống động như đang bơi trong nước thì coi như hoàn thành”.
“Khi vẽ tranh cá, người vẽ học được sự kiên nhẫn vì phải chờ đợi keo khô (có thể từ 8-20 tiếng, tùy theo loại keo).Thế nhưng, để tác phẩm thật sự hoàn hảo thì còn phải chọn được chậu độc lạ kết hợp cùng hoa sen mô hình, lá khô hoặc đá cuội” – anh cho biết.
Theo anh Đạt, phương pháp vẽ dựng hình cũng phải có tỷ lệ chuẩn, đòi hỏi phải nghiên cứu về cấu tạo của các loại cá khác nhau, cấu trúc khớp xương, tập quán, cách bơi nên phải trải qua nhiều giờ ngắm cá và ký họa hoặc chụp ảnh lưu giữ lại...
Màu vẽ phải dùng là màu acrylic pha thêm các phụ gia khác, mới tạo được màu giống cá thật, việc dùng màu cũng phải trải qua nhiều thử nghiệm khác nhau. Có nhiều loại màu khi tương tác với nhựa lỏng sẽ bị loang màu, lôi màu hoặc độ bền màu bị mất đi.
Sau gần 5 năm tự mày mò tự nghiên cứu quy trình vẽ tranh cá 3D, cho đến nay, anh Nguyễn Tấn Đạt (ngụ Quận 3, TP HCM) đã sáng tạo ra gần 5.000 tác phẩm tranh vẽ lớn nhỏ các loại. Hàng trăm tác phẩm đã xuất khẩu thị trường quốc tế như: Mỹ, Pháp, Úc, Singapore.
Hiện tranh cá 3D của anh Nguyễn Tấn Đạt được đưa đi triển lãm ở nhiều nơi và được khá nhiều người yêu thích. Anh cũng được đánh giá là một trong những nghệ nhân trẻ thành công nhất trong lĩnh vực hội họa đặc biệt này.
Xuân Hinh