Mặt nạ Ka đong - Nét độc đáo trong văn hóa tín ngưỡng người Sán Chỉ

Hiệp Nguyễn

(Dân trí) - Mặt nạ Ka đong của người Sán Chỉ là một trong những biểu tượng văn hóa và nghệ thuật độc đáo của vùng núi phía Bắc Việt Nam.

Sự nỗ lực để bảo tồn và phát triển nghệ thuật mặt nạ Ka đong thể hiện tình yêu và tự hào đối với văn hóa, và khẳng định vai trò quan trọng của loại hình mặt nạ này trong vùng núi phía Bắc Việt Nam. 

Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cũng là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Với sự kỳ công trong quá trình làm thủ công, những chiếc mặt nạ này không chỉ mang yếu tố mỹ thuật dân gian mà còn đóng vai quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng của người Sán Chỉ.

Mặt nạ Ka đong - Nét độc đáo trong văn hóa tín ngưỡng người Sán Chỉ - 1
Mặt nạ Ka đong của người Sán Chỉ là một trong những biểu tượng văn hóa và nghệ thuật độc đáo của vùng núi phía Bắc Việt Nam.

Nguồn gốc của mặt nạ Ka đong trong văn hóa người Sán Chỉ.

Tiến sĩ người Dao Bàn Tuấn Năng (Viện Nghiên cứu Văn hóa, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), cho hay, người Sán Chỉ tự gọi mình là Sán Chỉ Mùn tức Sơn tử nhân - người ở trên núi.

Mặt nạ Ka đong - Nét độc đáo trong văn hóa tín ngưỡng người Sán Chỉ - 2
Trong lễ cấp sắc của người Sán Chỉ (người Dao phương ngữ Mùn) có sự xuất hiện của nhân vật Ka đong

Một trong những đặc điểm đặc biệt của người Dao thuộc phương ngữ Mùn (Có thể kể đến người Dao quần trắng, Dao áo dài, Dao tuyển, Dao thanh y…) là tại lễ cấp sắc, lễ cầu tự thường có sự hiện diện của một nhân vật được hóa trang, đeo mặt nạ sừng hay còn gọi là Kađong.

Theo truyền thuyết, nhân vật Ka đong được mời từ rừng về để tham gia lễ cấp sắc đến nghi thức ra đàn, ngã đàn và chào đời đứa con mới của gia đình chủ lễ. Ka đong mặc bộ quần áo rách rưới, còn đeo theo một cái bị, một cái nỏ, đặc biệt có đeo một chiếc mặt nạ xấu xí.

Theo quan niệm của người dân ở đây, trong quá trình di cư nhiều thú dữ, ác quỷ, ma quái và dịch bệnh làm hại người trong cộng đồng nên chiếc mặt nạ được làm như mặt của ma quỷ để ma quỷ không dám đến quấy rầy. Sự xuất hiện của nhân vật đặc biệt này được ví như sự hiện diện của thần thánh tham gia góp công sức vào sự thành bại của các nghi lễ.

Những chiếc mặt nạ được làm thủ công tỉ mỉ

Chiếc mặt nạ Ka đong được làm rất kỳ công. Mặt nạ trên bản được người Sán Chỉ làm bằng chất liệu gỗ tốt, không co ngót, cong vênh, không làm người sử dụng bị vướng và mỏi khi đeo lên mặt trong thời gian dài.

Mặt nạ Ka đong - Nét độc đáo trong văn hóa tín ngưỡng người Sán Chỉ - 3

Để chọn được loại gỗ phù hợp cho việc làm mặt nạ, người nghệ nhân vào sâu trong rừng tìm kiếm (Ảnh: N.V).

Người ta khoét rỗng bên trong mỏng khoảng 1cm để úp vào mặt rồi mới đục mắt mũi. Những bộ phận chính trên mặt nạ như: Mắt, mũi, miệng và cả những chi tiết khác như trán, má, cằm... được cách điệu với đường nét tạo hình hết sức hoang sơ.

Mặt nạ Ka đong - Nét độc đáo trong văn hóa tín ngưỡng người Sán Chỉ - 4

Mọi chi tiết trên mặt nạ đều được tạo tác thủ công và tỉ mỉ (Ảnh: H.V).

Mặt nạ Ka đong - Nét độc đáo trong văn hóa tín ngưỡng người Sán Chỉ - 5

Sau quá trình tạo hình, người ta dùng giấy bản dán lên mặt nạ để tạo màu sắc rực rỡ (Ảnh: H.V).

Mặt nạ Ka đong - Nét độc đáo trong văn hóa tín ngưỡng người Sán Chỉ - 6

Theo người Sán Chỉ nơi đây, làm mặt nạ phải chọn giờ và mang ra sử dụng cũng phải xem giờ, vì nó mang yếu tố tâm linh (Ảnh: H.V).

Mặt nạ Ka đong và văn hóa tín ngưỡng của người Sán Chỉ

Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng cho biết thêm, trong lễ cấp sắc của nhóm người Dao, phương ngữ Mùn nói chung và đồng bào Sán Chỉ nói riêng, có hai cấp đó là cấp Tam Nguyên và cấp Tam Thanh.

Trong cấp Tam Thanh phải có nhân vật Ka đong để hỗ trợ. Những người đàn ông giỏi giang, giỏi đối đáp, giỏi võ thuật sẽ được lựa chọn làm Ka đong. Trong đoàn múa Ka đong bao giờ cũng có một cặp vợ chồng gọi là "Màn sấy - Ka đong gì". Thông qua các điệu múa, Ka đong dạy con người những đạo lý của cuộc đời".

Vợ chồng Ka đong chạy nhảy xung quanh ngũ đài hò hét xua đuổi mọi điều xấu đang ở gần đứa trẻ. Từ trên ngũ đài đứa trẻ xoay người, ngã xuống võng hình mạng nhện phía dưới. Ka đong cầm con dao dài đi lại gần chỗ đứa trẻ nằm trong chăn, vén từng lớp chăn rồi cắt cái lưới để đón đứa trẻ.

Mặt nạ Ka đong - Nét độc đáo trong văn hóa tín ngưỡng người Sán Chỉ - 7

Đôi mặt nạ "Màn sấy - Ka đong" được dùng trong lễ cấp sắc (Ảnh: H.V).

Ka đong lúc này có nhiệm vụ cấp sắc cho đứa trẻ tái sinh, Ka đong bón đồ ăn, thức uống và căn dặn đứa trẻ "Từ nay con được cấp sắc, được nhập họ, được nhập tên, được tiếp nối dòng họ, tuyệt đối không được làm điều xấu, phải hiếu thuận với cha mẹ, yêu thương giúp đỡ, cứu người…".

Sau đó, Ka đong và các thầy cúng đưa đứa con mới về gia đình để tiếp tục làm lễ.

Giá trị mỹ thuật và văn hóa tín ngưỡng cần được bảo tồn

Mặt nạ Kadong của người Dao Sán Chỉ không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo mà còn là biểu tượng của văn hóa, tín ngưỡng và tâm linh của họ. Đồng bào Sán Chỉ đang nỗ lực bảo tồn và truyền đạt truyền thống làm mặt nạ Ka đong cho thế hệ sau.

Mặt nạ Ka đong - Nét độc đáo trong văn hóa tín ngưỡng người Sán Chỉ - 8

Giá trị văn hóa và tinh thần của mặt nạ Ka đong luôn được chú trọng truyền đạt lại cho các thế hệ sau trong cộng đồng người Sán Chỉ (Ảnh: H.V).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm