Mặn mòi rau nhót

(Dân trí) - Với nhiều thực khách, rau nhót để lại ấn tượng khó quên bởi hương vị mằn mặn nguyên thủy. Nhưng với nhiều người đó là vị “ngọt” cho chuỗi ngày dài rong ruổi mưu sinh.

Các em học sinh tranh thủ sau giờ lên lớp đi hái rau nhót.
Các em học sinh tranh thủ sau giờ lên lớp đi hái rau nhót.

Đã từ rất lâu rau nhót được người dân ven biển Quỳnh Lưu (Nghệ An) hái về làm rau ăn. Nhưng hiện nay có rất nhiều người tìm mua rau nhót để thưởng thức như một loại đặc sản.

Rau nhót lên ngôi

Rau nhót là loài rau có nhiều nét giống với cây hoa mười giờ, mọc rải rác trên cánh đồng muối mặn, ven các đầm lầy, hồ tôm... Vì sinh trưởng và phát triển hoàn toàn trong môi trường tự nhiên, không phân hóa học, không thuốc trừ sâu nên rau nhót được xem là loài rau sạch dùng để làm nộm, ăn ghém với cơm, bún hoặc các loại bánh, được các nhà hàng, khách sạn, các đám cưới rất chuộng.

Bà Trần Thị Đạo, trú tại xóm 1, xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu, Nghệ An) chia sẻ: “Mấy chục năm tôi làm bánh mướt bán đều phải làm thêm món nộm rau nhót nữa, để người ta mua ăn kèm với bánh mướt, bữa nào không có rau nhót thì bữa đó ế bánh”.

Nhắc đến rau nhót dù là người mới chỉ thưởng thức một lần cũng khó lòng quên được cái cảm giác mằn mặn, rào rạo, sừn sựt, rất hấp dẫn mà loại rau này mang lại. Vì lẽ đó mà nhiều người khi có dịp đặt chân tới mảnh đất địa đầu xứ Nghệ đều cố gắng tìm mua một ít rau nhót về làm quà.


Phụ nữ vùng ven biển Quỳnh tranh thủ những lúc nông nhàn lại cất công đi tìm rau.

Phụ nữ vùng ven biển Quỳnh tranh thủ những lúc nông nhàn lại cất công đi tìm rau.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh, một người dân ở Quỳnh Lưu xa quê lâu năm vẫn nhớ như in món rau dân dã ấy sau lần trở lại quê nhà. “Gặp lại rau nhót như gặp lại ấu thơ. Bây giờ về quê tôi vẫn ăn và mang ra Hà Nội cho bạn bè cùng thưởng thức”, chị nói.

Với nhiều thực khách, rau nhót để lại ấn tượng rất khó quên bởi vị mặn mòi nguyên thủy nhưng với nhiều người đó là vị “ngọt” cho chuỗi ngày dài rong ruổi mưu sinh.

Hái rau nhót kiếm thêm thu nhập

Như thường lệ, cứ đến 4 giờ 30 phút mỗi sáng là lúc những người “thợ” lục tục lên đường đi tìm rau. Họ thường đi thành từng tốp dăm ba người, đồ nghề là chiếc rổ nhựa và một bao bì nhỏ gọn.

Rau nhót ngọn nhỏ lại mọc lẫn trong cỏ, nên muốn hái được rau cần phải chịu khó, kiên nhẫn, cũng vì thế chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em gái mới làm công việc này.

Cụ bà Nguyễn Thị Dung, 83 tuổi ở thôn Bút Lĩnh (An Hòa, Quỳnh Lưu) cũng lọm khọm cắp rổ ra đồng. Đôi mắt cụ nheo nheo dò tìm khóm rau non, rồi đưa tay mò mẫm ngắt từng nhánh nhỏ cho vào rổ.


Rau nhót - món rau dân dã được thực khách ưa chuộng

Rau nhót - món rau dân dã được thực khách ưa chuộng

"Già rồi không làm chi được nữa, phải đi tìm rau nhót thôi", cụ Dung nói. Mỗi ngày cần mẫn hái từ tờ mờ sáng cho tới trưa, cụ cũng hái được vài kg rau. Giá mỗi kg rau nhót hiện tại dao động từ 12 đến 14.000 đồng/kg, nhờ đó mà cụ có thêm đồng rau cháo qua ngày.

Tuy nhiên cánh đồng gần nhà rau nhót hiếm, nên những ai có sức thì đi tìm rau ở những nơi xa hơn như cánh đồng muối Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) ...

“Rau nhót ra ngọn nhiều vào mùa xuân, nhưng năm nay do thời tiết ấm lại mưa phùn nhiều nên rau cho lộc nhiều hơn những năm trước, vì vậy tôi cũng đi hái thường xuyên hơn”, bà Lê Thị Huyên trú tại thôn Bút Lĩnh, xã An Hòa (Quỳnh Lưu, Nghệ An) chia sẻ.

Mỗi buổi chịu khó tỉ mẩn, gom góp bà Huyên cũng hái được 3 đến 4kg rau. Mỗi tháng bà kiếm được khoảng 1,5 triệu đồng từ việc hái rau nhót.

“Cũng may có tiền đó cho mà chi tiêu, trang trải, không phải bán đến thóc nữa, chứ không cũng chẳng biết nhìn đâu ra”, bà tâm sự.

Nhờ rau nhót mà có thêm đồng phụ chi tiêu trong nhà, rồi dành dụm tiền cho con cái học hành, các chị, các mẹ ở vùng ven biển Quỳnh cứ tranh thủ những lúc nông nhàn là họ lại cất công đi tìm rau.

Rau nhót mọc rải rác trên cánh đồng muối mặn.
Rau nhót mọc rải rác trên cánh đồng muối mặn.

Trên cánh đồng thỉnh thoảng còn xuất hiện bóng dáng những em nhỏ. Cứ hái được một lúc, các em lại sắp rổ rau lại gần nhau. Thấy rổ nào cũng nhiều và non hơn hôm qua, các em hớn hở mừng vui, dường như quên đi cái đói và mệt nhọc đang tới gần !

Em Nguyễn Thị Trúc, lớp 6A, trường THCS An Hòa (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đang khom lưng bên một tảng rau, chia sẻ: “Hái vào lúc trời mưa, rau nhót non thì bán dễ hơn”.

Hai em học cùng trường với Trúc là Nguyễn Thị Phương và Lê Thị Lan đều tranh thủ những ngày nghỉ để hái rau. Cũng có lúc các em tranh thủ một buổi đi học, một buổi đi hái rau nhót bán kiếm thêm thu nhập phụ giúp cho gia đình.

“Ngày trước hái rau nhót về là tụi em phải tất bật chở rau đi khắp các chợ, khi thì chợ Sông Ngọc, chợ Ngò, lúc thì chợ Quỳnh Hưng thậm chí là lên chợ Giát cách gần mười cây số để bán rau. Nhưng bây giờ đã có mối vào tận nhà thu mua nên tụi em đỡ vất vả hơn rồi”, Phương chia sẻ.

Các em hái một buổi chỉ được 1kg, bữa nhiều may ra được vài kg. Em nào nhanh nhẹn và thành thạo lắm thì một buổi đi hái được vài chục ngàn đồng.

“Ngày hôm qua em được 10.000 đồng, còn Lan thì được 14.000 đồng, Phương được 21.000 đồng”, Trúc nói vẻ mặt vui vui. Có em nhỏ còn chịu khó luộc rau trộn với lạc hoặc vừng dã nhỏ, bỏ thêm gia vị tạo thành một món nộm hoàn chỉnh, rồi những buổi sớm mai đem ra chợ bán. Số tiền kiếm được các em để dành nộp học, mua sắm dụng cụ học tập như bút, sách, vở...

Ông Hồ Đình Bạn (65 tuổi, trú tại xóm Hồng Phong, xã An Hòa, Quỳnh Lưu, Nghệ An) có tới 20 năm làm nghề buôn rau nhót, cho biết: “Rau nhót thuộc loại hàng hiếm vì loại rau này không còn mọc nhiều như trước, hơn nữa việc hái rau khá kỳ công nên nguồn cung cấp ít dần. Ngay cả người địa phương muốn ăn món rau này cũng phải điện thoại “đặt hàng” trước”.

Hiện số người hái rau nhót ở An Hòa chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy mặc dù đã cất công săn lùng mua rau nhót, có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu nhưng ngày nhiều nhất ông Bạn cũng chỉ mua được 30 kg rau gửi xe khách vào Vinh cho vợ ông bán.

Nguyễn Hoè - Nguyễn Duy