Ly hôn nhưng vẫn sống chung vì lệnh phong tỏa

Hải Phong

(Dân trí) - Trong tình cảnh bấp bênh của những ngày tháng phong tỏa, một số cặp vợ chồng phải chọn cách tiếp tục sống chung cho dù đã cắt đứt quan hệ.

Sau 12 năm hôn nhân, Lisa (tên nhân vật đã được thay đổi) bước ra khỏi căn phòng ngủ của hai vợ chồng. Nhưng cô không thể đi đâu, Melbourne đã bị phong tỏa trong đại dịch Covid. Lisa chuyển sang ở cùng phòng con gái.

"Nhà của chúng tôi không quá rộng nhưng cũng đủ diện tích để mỗi người ở một phòng. Chúng tôi vẫn duy trì được khoảng cách cần thiết với nhau", Lisa nói.

Trước đại dịch, Lisa và chồng đã làm việc với các nhà tư vấn để trao đổi chuyện ly hôn. Nhưng khi cả thế giới đóng cửa, họ phải tạm dừng lại vì thấy khó để tiếp tục việc này theo hình thức trực tuyến.

Cuối cùng, trùng với đợt phong tỏa đầu tiên vào tháng Ba năm 2020, vợ chồng Lisa đi đến quyết định ly hôn. Nhưng trong tình trạng bất ổn do dịch Covid gây ra, họ muốn duy trì một môi trường ổn định hơn cho ba đứa con đang ở tuổi mẫu giáo và tiểu học. Họ đã phải chấp nhận giải pháp "sống chung tổ": chia tay nhưng vẫn sống chung dưới một mái nhà.

Ly hôn nhưng vẫn sống chung vì lệnh phong tỏa - 1
Khi lựa chọn "sống chung tổ", hai người cần đưa ra các quy tắc và cam kết thực hiện theo đúng các quy tắc đó.

Cassandra Kalpaxis là luật sư ly hôn ở Sydney. Cô nói rằng kể từ khi phong tỏa, cô đã nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến việc "sống chung tổ". Arabella Feltham, một nhà tư vấn ly hôn trực tuyến, cũng chia sẻ các câu chuyện tương tự.

"Số người quan tâm đến việc "sống chung tổ" tăng lên rõ rệt. Họ đã tự mình tìm hiểu thông tin về việc này trước khi gọi cho tôi. Họ muốn biết đó có phải một lựa chọn khả thi giúp giảm căng thẳng và giữ không khí hòa bình hay không. Mọi điều họ làm là cố gắng bảo vệ bọn trẻ khỏi những xáo trộn và giữ cho chúng một gia đình".

"Sống chung tổ" không phải là giải pháp dành cho tất cả mọi người

Với sự giúp đỡ của một chuyên gia tâm lý, Lisa và chồng cũ cùng nhau lập kế hoạch chia sẻ việc chăm sóc con khi sống cùng một nhà. Lisa thấy cách làm này khá hữu ích. "Bạn sẽ cần phải nói chuyện với bọn trẻ và có các thỏa thuận. Ví dụ nếu tối nay bọn trẻ ở với cha, tôi sẽ đi ra ngoài từ 7 giờ tối để bọn trẻ có thời gian riêng với cha".

Điều này khiến mối quan hệ của Lisa và chồng cũ giống như những người bạn ở chung nhà.

"Chúng tôi có cuộc sống riêng của mình. Chúng tôi chỉ nói chuyện khi có việc liên quan đến bọn trẻ. Còn lại chỉ là sự im lặng, giống như hai con tàu lặng lẽ lướt qua nhau trong bóng tối".

Khi những khách hàng đặt câu hỏi về việc "sống chung tổ", Feltham nói: "Tôi sẽ lắng nghe để xem có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy đây là một giải pháp kém khả thi không... Nếu thấy có thể, tôi sẽ khuyên họ "sống chung tổ". Tuy nhiên, không phải cặp đôi nào cũng thích hợp với cách sống này".

Ly hôn nhưng vẫn sống chung vì lệnh phong tỏa - 2
Giá bất động sản tăng cao cũng là nguyên nhân dẫn tới quyết định "sống chung tổ" của nhiều cặp đôi sau ly hôn.

Việc chuyển ra ngoài trong thời gian phong tỏa, mặc dù không phải là không thực hiện được, nhưng khó khăn hơn rất nhiều ở một số thành phố, chưa kể đến những hạn chế về giá bất động sản trong thời kỳ dịch bệnh.

Jack Whelan, cố vấn cho Separation Guide, nói rằng giá bất động sản tăng lên chóng mặt đã tạo ra nhiều áp lực lên các cặp đôi ly hôn. Một số lựa chọn khác như về sống cùng bố mẹ, vốn dễ hơn trong thời gian trước, nay do lệnh phong tỏa đã trở nên khó thực hiện. Tuy nhiên, theo Whelan, việc "sống chung tổ" chỉ "thích hợp trong thời gian ngắn".

Đó là một khoảng thời gian khó khăn. Nhưng chỉ là một khoảng thời gian ngắn trong cuộc đời

Sau 6 tháng, Lisa và chồng cũ đã tìm được nhà riêng cho từng người, chỉ một thời gian ngắn khi lệnh phong tỏa được nới lỏng. "Nếu không vì đại dịch, việc sống riêng sẽ dễ dàng hơn nhiều vì không còn ràng buộc gì với nhau. Covid cũng lấy đi rất nhiều những sự hỗ trợ từ bạn bè và gia đình", Lisa chia sẻ.

Đối với các cặp đôi khác, thời gian phong tỏa gây ra nhiều cản trở đối với các cuộc thương lượng về ly hôn. Marguerite Picard, một luật sư về gia đình của công ty Melca, nói rằng: "Một số người muốn ly hôn nhưng họ không muốn thảo luận về vấn đề này khi họ bị nhốt trong cùng một căn nhà".

Trong những tháng đầu năm 2021, yêu cầu dịch vụ tư vấn ly hôn mà Separation Guide nhận được tăng lên đến 368%. Angela Harbinson, Giám đốc điều hành của Separation Guide cho biết: "Từ năm ngoái đến nay, rất nhiều người lên kế hoạch và tìm kiếm thông tin trên mạng. Họ đang chờ đến khi hết giãn cách mới thực hiện. Năm ngoái, yêu cầu tư vấn mà chúng tôi nhận được tăng lên đột biến khi các hạn chế được dỡ bỏ".

Kalpaxis khuyên các cặp đôi muốn ly hôn nên tự mình tìm hiểu các kiến thức về những lựa chọn họ có thể thực hiện. Đối với những cặp đôi muốn "sống chung tổ", luật sư gợi ý họ nên trao đổi ý kiến với các chuyên gia, luật sư, nhà tư vấn, bác sĩ tâm lý để giúp đỡ trong tình huống khó xử này. Ở riêng phòng nếu có không gian để tránh các va chạm. Thiết lập các quy tắc và cam kết cùng nhau thực hiện. Quan trọng nhất là không được lôi con trẻ vào câu chuyện của người lớn khiến chúng bị mắc kẹt ở giữa.

Mặc dù giai đoạn "sống cùng tổ" là giai đoạn căng thẳng về mặt cảm xúc đối với Lisa nhưng cô cho rằng đó là quyết định đúng đắn trong thời điểm đó. Các con của cô vẫn cùng sống với nhau và nhận được những điều tốt nhất từ cả bố và mẹ. "Đó là khoảng thời gian khó khăn, nhưng chỉ là một khoảng thời gian ngắn trong cuộc đời", Lisa nói.