Quảng Bình:
Lúa nước lên ngàn và kỳ vọng no ấm của đồng bào người Mày nơi biên giới
(Dân trí) - Sau 1 năm thử nghiệm và mang lại hiệu quả ngoài mong đợi, đồng bào người Mày bên dãy Giăng Màn đang triển khai trồng lúa nước trên nhiều diện tích, hứa hẹn một vụ mùa bội thu, no ấm.
Lúa nước lên ngàn
Lúa nước lên ngàn là đề án được chính quyền xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) ấp ủ nhiều năm qua, với mong muốn xóa đói cho đồng bào người Mày nơi biên cương của Tổ quốc.
Anh Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch xã Trọng Hóa là người tâm huyết với công cuộc đưa lúa nước về với dân bản, nơi hàng trăm hộ đồng bào vẫn đang sống phụ thuộc vào rừng và nguồn trợ cấp của Chính phủ.
Vào năm 2020, anh Bắc cùng đội ngũ cán bộ của xã Trọng Hóa, Đồn Biên phòng Ra Mai đã về với bản Tà Vờng, xã Trọng Hóa, vận động bà con người Mày bên dãy Giăng Màn, thử nghiệm việc trồng lúa nước. Trong đó gia đình ông Hồ Khiêm là hộ đầu tiên cùng cán bộ xã Trọng Hóa khai hoang, thử nghiệm trồng lúa nước trên diện tích gần 800m2.
"Nhờ cán bộ về giúp, hướng dẫn, cho giống nên vợ chồng mình đã làm đất, dẫn nước về trồng cây lúa. Năm ngoái ruộng nhà mình thu được 3 tạ lúa, mình và dân bản mừng lắm. Mình còn chia cho bà con ăn gạo mới, ai cũng muốn trồng cây lúa. Có ruộng lúa như thế thì không còn lo đói nữa rồi", ông Hồ Khiêm, bản Tà Vờng chia sẻ.
Gần 800m2 lúa nước có hiệu quả ngay lần đầu thử nghiệm không chỉ khiến gia đình ông Hồ Khiêm mà đội ngũ cán bộ tâm huyết của xã Trọng Hóa cũng vỡ òa sung sướng. Trên mảnh đất cằn cỗi, cách trở trùng điệp, cây lúa nước vẫn có thể sinh trưởng tốt khi biết cách canh tác.
Lúa nước lên ngàn thành công đã tạo động lực lớn cho vị Phó Chủ tịch Phạm Văn Bắc và đội ngũ cán bộ xã Trọng Hóa. Họ cùng với Đồn Biên phòng Ra Mai bắt đầu lên phương án, vận động bà con cùng cải tạo đất rẫy, mở rộng diện tích trồng lúa nước. Ngay những ngày đầu năm 2021, bản Tà Vờng đã có 10 hộ dân khai hoang trồng lúa với diện tích hiện tại đã đạt được hơn 1ha.
Kỳ vọng no ấm từ cây lúa nước
Được cán bộ xã hướng dẫn, cấp giống, phân bón, bà con dân bản tại Tà Vờng những ngày qua đang tích cực khai hoang, làm đất, sẵn sàng xuống giống trước Tết Nguyên đán Tân Sửu. Để hỗ trợ bà con dân bản, xã Trọng Hóa cũng đã đầu tư gần 1.000 m ống dẫn nước về ruộng lúa để thuận tiện trong việc canh tác.
"Ở huyện Minh Hóa, lúa nước cũng đã được BĐBP triển khai ở một số bản của người Rục, ở bản Ka Ai của xã Dân Hóa. Còn ở xã Trọng Hóa, các bản vùng cao do địa hình nên việc trồng lúa rất khó khăn. Vừa qua xã quyết tâm thử nghiệm và thực sự thành công nên muốn triển khai trên diện rộng cho bà con. Việc đưa lúa nước về với đồng bào, chúng tôi hướng đến công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững", ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa nói.
Cũng theo ông Bắc, hiện nay ngoài bản Tà Vờng mở rộng diện tích trồng lúa, xã Trọng Hóa cũng đang nỗ lực để thử nghiệm cây lúa nước trên nhiều bản làng khác của địa phương. Bên cạnh đó, xã miền núi này cũng đang khảo sát, thử nghiệm để đưa cây dỗi về với dân bản. Với việc trồng dỗi lấy quả đang là một hướng đi mới, phù hợp với người dân vùng biên ải.
"Lúa nước có thể giúp người Mày tự chủ lương thực, "ăn no mặc ấm" để vươn lên "ăn ngon, mặc đẹp. Bên cạnh đó cũng sẽ giảm tải áp lực trong công tác bảo vệ rừng, khi người dân không còn phụ thuộc vào tài nguyên rừng nữa. Từ 10 hộ triển khai lúa nước, trong thời gian tới chúng tôi sẽ "cầm tay chỉ việc", vận động các hộ trong bản cùng làm lúa. Kỳ vọng trong tương lai gần, 77 hộ dân trong bản Tà Vờng đều sẽ có ruộng lúa của riêng mình", ông Bắc cho biết thêm.
Những ngày này, không khí vào vụ lúa đầu tiên của đồng bào người Mày nơi biên giới đang rộn ràng hơn bao giờ hết. Cán bộ xã Trọng Hóa cũng đã về bản "cùng ăn, cùng làm" với bà con.
Còn với dân bản, ai ai cũng rất hào hứng, dậy từ sáng sớm để lao động, sẵn sàng xuống giống. Người Mày bên dãy Giăng Màn đang rất vui mừng khi lần đầu tiên họ có thể tự làm ra lúa gạo và tin tưởng, chờ đợi vào một vụ mùa bội thu, một tương lai no ấm sẽ đến với bản làng.