Thanh Hóa:
Làng hương 500 năm tuổi tất bật vào vụ Tết
(Dân trí) - Thắp một nén hương trên bàn thờ tổ tiên từ lâu đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong suy nghĩ của người Việt. Đó cũng là lý do khiến cho nghề làm hương cổ truyển Vạn Thắng (Nông Cống, Thanh Hóa) trải qua 500 năm vẫn tồn tại đến ngày hôm nay.
Nghề giúp dân thoát nghèo
Đến làng Quyết Thắng, xã Vạn Thắng (Nông Cống) vào những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận không khí sản xuất hương bài tưng bừng, nhộn nhịp. Trong làng lách cách âm thanh quen thuộc của những chiếc máy se hương. Ngoài sân tràn ngập sắc màu đỏ, đen, vàng nhạt từ những cây hương thành phẩm, chân hương.
Làng hương Vạn Thắng chỉ nhộn nhịp vào những dịp cuối năm bởi sản phẩm bà con làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu thờ cúng tổ tiên, nhất là dịp Tết, lễ.
Ông Nguyễn Văn Dân, thợ làm hương thâm niên ở làng Quyết Thắng, cho biết: Nghề làm hương đã giúp gia đình ông có cuộc sống khá ổn định, lo được cho 2 con học đại học. Trước đây, cơ sở sản xuất của gia đình ông chỉ sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ nên khó tìm thị trường tiêu thụ.
Những năm gần đây, do hoạt động lễ hội ngày càng phát triển, nhu cầu về hương ngày càng lớn. Gia đình ông là một trong những hộ tiên phong đầu tư mua máy về làm hương vừa giảm công lao động, lại tăng thu nhập. Những ngày cuối năm, đơn đặt hàng càng ngày càng tăng, gia đình ông đang tập trung nhiều nhân lực làm hương để kịp giao cho khách. Chỉ tính hai tháng cuối năm, cơ sở sản xuất của gia đình ông Dân đã xuất bán vài chục vạn nén hương. Với giá bán từ 20-40.000 đồng/trăm tùy từng loại hương, trừ chi phí, hàng năm gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng.
Quy trình sản xuất hương ở làng Quyết Thắng được thực hiện rất bài bản theo từng công đoạn, đầu tiên là công đoạn chuẩn bị nguyên liệu thô, người sản xuất phải trộn nhựa trám với bột than tồn tính, tạo nên hỗn hợp khô, dẻo quánh, bã mía và rễ cây hương bài cũng được phơi khô, nghiền nhỏ và trộn đều...
Dưới bàn tay tài hoa của người thợ, những nén hương làm ra đều tăm tắp. Hương làm xong được đem phơi trên giàn, nắng gió sẽ làm hương khô, màu sắc đẹp mà giữ nguyên mùi thơm.
Giữ gìn nghề truyền thống 500 năm tuổi
Theo các cụ cao niên trong làng thì nghề làm hương bài Bái Hạ (thôn Quyết Thắng) được hình thành từ năm 1515, trên đất làng Giãn Hiền, xã Vạn Thắng. Qua thời gian, làng nghề ngày càng bị mai một, đến năm 1815 được cụ Vũ Đình Phạm truyền cho các con là ông Vũ Đình Nguyên và Vũ Đình Ca. 500 năm hình thành và phát triển, nghề làm hương bài được làng Quyết Thắng gìn giữ, phát triển như “báu vật”.
Nét độc đáo của làng nghề này là việc làm hương đều bằng phương pháp thủ công, quy trình cho ra một que hương cực kỳ tỉ mỉ, các nguyên liệu chủ yếu là tre, nứa, nhựa cây trám, rễ, thân cây bài, than hoa… được lấy từ tỉnh Bắc Giang và huyện Như Xuân (Thanh Hóa).
Để có được những cây hương mang mùi thơm đặc biệt, những người làm hương phải cầu kỳ trong từng công đoạn, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu làm bột hương, chân hương đến công đoạn quấn hương để tạo thành sản phẩm hoàn thiện. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, có những lúc tưởng như làng nghề này đã thất truyền thế nhưng bằng sự yêu nghề, những người con Quyết Thắng vẫn lưu giữ được cho đến bây giờ.
Làng hương Vạn Thắng được sản xuất quanh năm tuy nhiên vào những tháng cuối năm, việc làm hương trở nên tất bật, rộn ràng hơn. Không chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh, hương Vạn Thắng còn được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố, như: Thừa Thiên - Huế, Hà Nội. Nghề làm hương ở Vạn Thắng đang thu hút gần hàng chục hộ dân tham gia, thu nhập bình quân từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng.
Nguyễn Thùy