Quảng Nam:

Làng chài giảm nghèo với nghề cá hấp

(Dân trí) - Làng chài Thuận An (xã Duy Nghĩa) và An Lương (xã Duy Hải, Duy Xuyên, Quảng Nam) được biết đến với nghề hấp cá nục, cá cơm... Cao điểm, mỗi ngày nơi đây có thể xuất đi hàng chục tấn cá khắp các vùng trong và ngoài tỉnh.

Đây là hai làng chài nổi tiếng với nghề hấp và làm cá khô. Nhờ nghề này mà đời sống của không ít hộ dân đã khấm khá hẳn lên, cái nghèo khó cũng dần xa.


Đảo cá liên tục để đạt độ khô đồng đều

Đảo cá liên tục để đạt độ khô đồng đều

Vừa đến đầu làng đã nghe cái mùi cá hấp thơm nồng tỏa ra từ các lò cá. Hàng tấn cá tươi xanh vừa cập bến được sơ chế, ngâm nước muối sẵn sàng cho ngay vào lò hấp để giữ lại vị bùi bùi, thơm ngon của hải sản.

Nhanh tay đưa ròng rọc mắc theo các vỉ cá cho vào nồi hấp, anh Lê Bình (thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa), cho biết: “Các vỉ cá được xếp đều lên vỉ rồi chồng lên nhau sao cho khớp, cuối cùng là cho vào nồi hấp đã có sẵn muối. Nhiệm vụ của người hấp cá phải theo dõi thường xuyên nồi hấp, cho lượng muối vừa đạt, đủ chuẩn đảm bảo sao cho cá sau khi phơi xong thơm ngon, để được lâu dài. Nhiều lúc khói phả lên khá nóng, nhưng mình vẫn phải vững tay mới giữ được chắc vỉ hấp”.

Cá phải khô đúng độ mới để lâu dài
Cá phải khô đúng độ mới để lâu dài

Bàn tay thoăn thoắt của các bà, các chị liên tục phơi, đảo cá sao cho kịp cái nắng. Mỗi loại cá được canh giờ khác nhau, cá cơm nhỏ hơn thì chỉ cần phơi nửa ngày, cá nục phải phơi nguyên ngày mới đạt độ khô hợp lý, để lâu dài.

Nụ cười hồn hậu của người phụ nữ làng biển
Nụ cười hồn hậu của người phụ nữ làng biển

Nếu như cách đây 15 năm, làng chài Thuận An, An Lương là những bờ cát trắng trải dài, cái nghèo khó đeo đẳng quanh họ như một vòng tròn mãi không dứt thì giờ đây cuộc sống của người dân làng chài đã thay đổi hẳn, cây cầu Cửa Đại nối ngang đôi bờ kết nối xã Duy Nghĩa, Duy Hải với Hội An, Đà Nẵng đưa sản phẩm quê nhà ngày một vươn xa, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp hơn.

Hàng trăm vỉ cá được phơi hàng giờ dưới thời tiết nắng nóng của miền Trung
Hàng trăm vỉ cá được phơi hàng giờ dưới thời tiết nắng nóng của miền Trung

Gắn bó với nghề gần 15 năm nay, bà Đinh Thị Nhấn (thôn Thuận An, Duy Nghĩa) chia sẻ: “Trước kia cuộc sống của tôi khá bấp bênh, chồng thì suốt ngày gắn bó với biển, mình chỉ quanh quẩn việc nhà, đan lưới, nuôi con nhưng từ khi gắn bó với nghề cá hấp này, cuộc sống gia đình khấm khá hẳn lên, tôi có thể phụ chồng nuôi con ăn học, gia đình đủ ăn, con cái học hành đến nơi đến chốn, vợ chồng tôi phấn khởi lắm”.

Công đoạn lấy cá ra khỏi phuy nước muối
Công đoạn lấy cá ra khỏi phuy nước muối

Người dân cho biết, mùa cá hấp từ giữa tháng 3 đến tháng 8 (Âm lịch), 24 lò cá lớn nhỏ hoạt động thường xuyên để kịp hấp, phơi và cung ứng cho thị trường. Cao điểm hàng chục tấn cá từ ngoài khơi đưa về cũng không đủ cung ứng cho các lò.

Sau đó rửa lại cá bằng nước sạch trước khi hấp
Sau đó rửa lại cá bằng nước sạch trước khi hấp

Bà Tạ Thị Liên (một trong những chủ lò hấp tại An Lương) chia sẻ: “Cuộc sống gia đình trước kia cũng khó khăn, phải nuôi con ăn học nên đã khó càng khó hơn. Chồng đi biển, tôi thì làm thuê nên chẳng thấm vào đâu so với công sức bỏ ra. Thế rồi thấy mọi người làm cá hấp ăn nên làm ra, vợ chồng tôi quyết định thử sức với nghề này”.

Cá sau khi hấp xong cho ra vỉ phơi khô
Cá sau khi hấp xong cho ra vỉ phơi khô

Nhờ vào nguồn cá tại chỗ dồi dào, tươi ngon nên lò hấp của bà cũng ăn nên làm ra. Mỗi mùa, lò giải quyết được công việc cho hơn 30 lao động, mỗi năm lãi cũng được khoảng từ 90-110 triệu đồng.

Tất bật với công việc
Tất bật với công việc

Với tỉ lệ 4/1, cứ 4 tấn cá tươi cho ra 1 tấn cá khô, mỗi ngày cả làng Thuận An và An Lương có thể xuất đi hơn 60 tấn cá khô cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Nghề cá hấp ngày một thịnh, cao điểm giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nữ tại địa phương.

Ròng rọc đưa các vỉ cá xếp chồng lên nhau vào lò hấp
Ròng rọc đưa các vỉ cá xếp chồng lên nhau vào lò hấp

Còn bà Nguyễn Thị Lụa – một người chuyên làm nghề hấp cá ở đây - cho biết: “Mỗi ngày thu nhập cũng được từ 120-140 ngàn đồng. Nhờ vào nghề cá hấp này mà nhiều chị em như tôi có thêm đồng ra đồng vào để nuôi con ăn học, cuộc sống cũng khấm khá hẳn lên, không còn cảnh phải đi sang các địa phương khác làm thuê ngày được ngày không, mà chúng tôi vẫn có thể làm việc trên chính quê hương mình”.

Sống và phát triển tốt với nghề, đó là lý do người dân làng chài An Lương và Thuận An vẫn cố gắng bám trụ, đưa sản phẩm truyền thống quê hương vươn xa, khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

N.Linh-C.Bính