Đà Nẵng:
Lân, địa rộn ràng phố Tết Trung thu
(Dân trí) - Từ tối 24/9 (tức 15 tháng 8 âm lịch), các tuyến phố trung tâm TP. Đà Nẵng trở nên náo nhiệt bởi những tiếng trống, chiêng, của các đoàn Lân, Rồng. Hàng vạn người dân và du khách cùng xuống phố xem múa lân, đón Tết Trung thu
Trên các tuyến đường trung tâm TP. Đà Nẵng, từ đường lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Bạch Đằng, Điện Biên Phủ..., ở đâu có tiếng trống lân, ở đó có rất đông người. Không chỉ có các em nhỏ, mà từ người già, trung niên, hay bạn trẻ đều say sưa, thích thú, trước những màn múa Lân, Rồng, độc đáo.
Anh Vũ, một người đi đường đứng lại xem múa Lân trên đường Điện Biên Phủ cho hay: “Dù có công việc nhưng khi đi qua đoạn đường này vì người xem đông quá nên anh đành đứng lại đợi, tiện thể xem múa Lân luôn, xem một hồi thấy rất hay và thích thú”.
Trong khi đó, chị Uyên Phương, nhà ở quận Hải Châu, Đà Nẵng cho biết, từ cuối tuần vừa rồi, đêm nào, chị và ông xã cũng chở hai con nhỏ xuống phố xem múa lân, để cho các cháu đón không khí Tết Trung thu. Và các cháu rất thích, nên cứ đòi bố mẹ chở đi xem lân suốt.
Múa Lân, Rồng là một nét đẹp văn hóa truyền thống có từ lâu đời vào các dịp Rằm tháng 8 hàng năm. Trước mỗi mùa Tết Trung thu, từ rất sớm, các đoàn Lân tập luyện, chờ đợi đến những ngày này để được trình diễn cho gia chủ cũng như người xem những màn biểu diễn đặc sắc, đẹp mắt, mong những điều may mắn, an lành, đến cho mọi người, mọi nhà.
Từ những đoàn Lân chuyên nghiệp đến nghiệp dư, tất cả đều phải có trang phục, đội trống, chiêng đầy đủ. Ông Địa luôn là người đi đầu vào nhà vái chào gia chủ, quạt mát, chọc phá những em nhỏ. Khi được phép Lân, Rồng mới vào nhà biểu diễn, đuổi tà, cầu may, chúc an lành, sau đó sẽ biểu diễn những đặc trưng của Lân, Rồng, như nhào lộn, xoay người, những đoàn nào chuyên nghiệp sẽ biểu diễn đi, bay nhảy trên trụ sắt, leo cột...
Các màn biểu diễn ngoạn mục cùng tiếng trống lân rộn ràng vì thế luôn có sức hút với mọi người
Chí Lê