Ký ức ám ảnh của người đàn ông phải ngủ rừng, nhảy container 3 lần đi lậu vào Anh
(Dân trí) - Nguyễn Huy Hùng (sinh năm 1986, quê gốc ở Hà Tĩnh) hiện làm thợ chính trong một tiệm nail ở Anh đã kể lại ký ức của chính bản thân mình khi phải ngủ rừng, nhảy xe container, sống khổ sở trong những ngày tháng vượt biên trái phép vào Anh.
Ôm giấc mơ đổi đời, nhiều người ở các vùng quê nghèo chấp nhận đánh cược tính mạng, để tham gia các đường dây đưa người vượt biên trái phép vào các nước phát triển như: Anh, Mỹ… Tuy nhiên, cuộc sống “xứ người” không màu hồng như nhiều người vẫn nghĩ.
Không chỉ có thể phải đánh đổi cả mạng sống trong hành trình vượt biên ròng rã nhiều tháng trời, mà họ còn phải đối mặt với nhiều cạm bẫy, rủi ro, bị cưỡng hiếp, bóc lột sức lao động khi không có giấy tờ, được pháp luật nước sở tại bảo vệ.
Sau nhiều nỗ lực kết nối, phóng viên Dân Trí đã liên hệ được với anh Nguyễn Huy Hùng (sinh năm 1986, quê gốc ở Hà Tĩnh) hiện làm thợ chính trong một tiệm nail ở Anh.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, Hùng nhiều lần bật khóc vì xúc động khi nhắc về thông tin 39 người tử nạn trong hành trình vượt biên vào Anh.
“Bản thân tôi lần nào đọc tin cũng rơi nước mắt, tôi thấy hình ảnh của mình trong số đó. Nhưng tôi may mắn hơn họ, vì vẫn giữ được mạng sống cho đến giờ”, Hùng nghẹn ngào.
Hành trình ngủ rừng, nhảy xe container vào Anh
Cách đây 13 năm, Hùng là một trong số hàng chục thanh niên ở làng, tham gia một đường dây nhập cư trái phép vào Anh với chi phí là 700 triệu/ người.
Hùng kể, thời điểm đó ở quê anh, phong trào đi “Tây” đã khá rầm rộ, nhiều người đi trót lọt, gửi tiền về xây nhà, mua ô tô rồi tiếp tục giới thiệu những người sau đi tiếp. “Nếu muốn đi, chỉ việc chồng tiền, tự khắc có người đến liên hệ, lo mọi thủ tục, giấy tờ và công việc sẵn bên Anh. Mình chỉ việc làm theo”, Hùng kể.
Hùng được dẫn qua Đài Loan làm hộ chiếu giả, sau đó bay qua Áo rồi Pháp. Tại Pháp, anh cùng nhiều người Việt phải sống trong các trại tị nạn trong rừng, chờ đợi cơ hội nhảy xe container.
“Ngày trước, người Việt có một con đường là bay thẳng từ Việt Nam sang Nga, sau đó đi bộ bằng đường rừng sang Anh. Tuy nhiên, con đường này rất nguy hiểm, rủi ro, nhiều người thậm chí phải bỏ mạng trên đường đi vì đói, khát, mưa rét… nên cách phổ biến nhất vẫn là nhảy container tại biên giới Pháp vào Anh”, Hùng nói.
Những người di cư sống tạm trong một khu rừng ở Pháp. (Ảnh: The Sun)
Gọi là “trại tị nạn” nhưng theo Hùng chỉ là các lán nhỏ, được dựng tạm bợ. Những người di cư sẽ ở đây cho tới khi nào có thông tin về chuyến container tiếp theo sang Anh. Hàng ngày mọi người được phát thức ăn, nước uống tối thiểu nhưng điều kiện sống vô cùng khổ sở.
“Trong các trại không có nước để tắm, vệ sinh cá nhân, đêm về thì phải ngủ trên nền tuyết với chỉ một miếng bạt mỏng lót phía dưới”, Hùng kể.
Hàng đêm, sẽ có một người trong đường dây đến trại, thông báo về chuyến container phù hợp. Lúc đó, mọi người sẽ chia nhau thành các nhóm nhỏ, lẻn vào các bãi xe trốn cạnh các thùng hàng hoặc lên container toàn người tị nạn, đợi đóng hàng xong thì nằm im bên trong để không bị phát hiện.
“Đến trạm kiểm soát biên giới nếu bị phát hiện thì lại quay về bãi tị nạn đợi chuyến container tiếp theo. Nếu trót lọt qua trạm biên giới, người trong container phải nằm yên để xe chạy khoảng 1 tiếng rưỡi, tới nơi có sóng điện thoại mới rạch bạt thò tay ra ngoài vẫy cho xe dừng lại để người trong thùng nhảy xuống”, Hùng kể.
Hùng phải nhảy xe container tới lần thứ 3 mới trót lọt. Hai lần trước anh đều bị hải quan bắt nhưng được thả ngay sau đó. Ra khỏi đồn, Hùng và những người khác lại tiếp tục quay trở lại trại tị nạn, chờ đợi cơ hội nhảy xe tiếp theo.
“Có những người phải trốn trong cốp xe, người thì chui rúc trong các thùng hàng chật chội. Nhiều lúc, không có không khí để thở, ngột ngạt, bức bối đến mức cảm giác nghĩ chết đi có khi còn dễ chịu hơn nhiều”, Hùng nói.
Ảnh chụp hai người nhập cư đục thủng màn che trên xe container để lấy dưỡng khí. Ảnh: Daily Mail
Ám ảnh những ký ức kinh hoàng
Cho đến bây giờ những ngày tháng nhảy xe vượt biên vẫn khiến Hùng ám ảnh mỗi lần nhớ lại. Anh bảo, khổ nhất là phải sống trong các trại tị nạn, giữa rừng.
Thỉnh thoảng, giữa các bãi lại xảy ra đấu súng, tranh chấp giữa những người cầm đầu. Khi đó, họ đuổi đánh, bắn súng vào người tị nạn, nếu không chạy nhanh có thể phải bỏ mạng. Chuyện đàn bà, con gái ở trại bị cưỡng hiếp, lạm dụng không phải là hiếm.
“Người Việt hoặc người nước ngoài có thể đưa ra các điều kiện rằng nếu không ngủ với họ thì họ sẽ tìm cách không để cô gái đó đặt chân lên chiếc container sang Anh. Nên có những người phải ở bãi hàng tháng làm nô lệ tình dục cho cai bãi rồi mới được cho qua. Nhiều người biết chuyện nhưng không dám can ngăn, lên tiếng vì sợ bị ảnh hưởng”, Hùng nói.
Tuy nhiên theo Hùng những khó khăn, nguy hiểm này mới chỉ là bắt đầu. Lựa chọn con đường vượt biên trái phép là chấp nhận việc “sống không ai biết, chết không ai hay” cho tới khi sống đủ lâu, đủ hiểu biết để có thể xin được nhập quốc tịch.
Với những người sang Anh trót lọt, giai đoạn khó khăn nhất là 2 năm đầu tiên bởi họ không biết tiếng, không có người quen, bạn bè và chưa bắt nhịp với cuộc sống ở đây.
Một vườn cần sa lậu trong nhà ở London bị cảnh sát triệt phá. (Ảnh chụp màn hình Eveninv Standard)
Chính vì thế, những người nhập cư trái phép thường bị lạm dụng, bóc lột sức lao động trong các cơ sở làm việc chui, mà phổ biến nhất là trồng cần sa.
“Làm việc trong một căn nhà nhìn bên ngoài như nhà ở bình thường nhưng bên trong trồng cần cỏ. Người lao động gần như bị nhốt trong nhà không được đi đâu ra ngoài chỉ ở trong nhà trồng, chăm sóc cây… Vì thế nhiều người đã bị trầm cảm và tử tự ngay trong nhà”, Hùng nói.
Bản thân Hùng cũng từng phải làm thuê trong những căn nhà trồng cỏ. Đây là những ngày tháng tồi tệ mà Hùng bảo anh không muốn nhắc lại, không muốn nhớ đến. “Tôi không được tiếp xúc với ai, chỉ làm việc như một cái máy, cuộc sống bó buộc trong những bức tường. Trong lúc bế tắc nhất, tôi đã quyết tâm phải thay đổi, phải thoát ra khỏi đây”, Hùng nói.
Những người Việt tìm đường sang Anh chủ yếu làm việc trong các tiệm móng. Ảnh: Shutterstock
May mắn, sau đó Hùng liên hệ được với những người đồng hương ở Anh, và được giới thiệu vào làm việc tại một tiệm nail.
Hiện tại, anh đã lấy vợ và có con nhỏ. Vợ Hùng cũng là người Việt Nam, đã được nhập quốc tịch theo chính sách người tị nạn, riêng bản thân Hùng vẫn đang chờ đợi cơ hội. Hai người chỉ về sống với nhau chứ chưa được đăng ký kết hôn hay tổ chức lễ cưới.
Suốt 13 năm qua, Hùng cũng chưa một lần được về thăm quê mà chỉ liên lạc với gia đình qua mạng internet và điện thoại.
“Nếu quay về Việt Nam, tôi không thể sang Anh được nữa, mọi cố gắng, đánh cược mạng sống trước đây như đổ sông, biển. Nhiều lúc nhớ nhà đến cồn cào ruột gan nhất là những ngày lễ Tết thế nhưng mình đã đi con đường này thì phải chấp nhận đánh đổi, mất mát thậm chí là không thể quay đầu hay bỏ cuộc.”, Hùng nói.
Hiện tại, mức thu nhập của hai vợ chồng Hùng là khoảng 7 triệu/ ngày. Anh bảo, với người Việt là cao nhưng ở Anh, thu nhập này chỉ gọi là “đủ sống cơ bản”.
Nói về tương lai phía trước, người đàn ông này trầm ngâm cho biết, anh không muốn nghĩ đến bởi “mọi thứ đều rất mơ hồ, không có gì đảm bảo”.
“Tôi chỉ mong có một ngày sống không phải thấp thỏm, lo âu, không phải sợ những đợt truy quét bất ngờ của cảnh sát, tôi thèm và ao ước được đón một cái Tết cùng bố mẹ ở quê nhà. Tuy nhiên, những điều đó, với tôi hiện tại vẫn còn quá xa vời”, Hùng nghẹn ngào nói.
Hà Trang - Thanh Thúy
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi theo yêu cầu