Kỳ bí hình dấu chân người trên phiến đá ở lưng chừng thác nước

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Hình dấu chân người in trên phiến đá gắn với câu chuyện truyền miệng về sự tích nàng tiên đạp chân bay về trời ở huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An vẫn là sự kỳ bí chưa có lời giải.

Qua lời kể của ông Hà Quang Trung (67 tuổi), ở làng Lác, xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) về phiến đá kỳ lạ có in hình dấu chân người, chúng tôi vượt hàng trăm km tìm đến thác Đá Nhảy ở làng Mẻn (xã Nghĩa Lạc) để mục sở thị phiến đá và lắng nghe câu chuyện truyền miệng về sự tích nàng tiên.

Thác Đá Nhảy nằm phía sau một quả đồi, cây cối bao phủ. Để đến được nơi đây, chúng tôi cùng một số trai bản phải để xe máy ở đầu làng rồi đi bộ hơn 1km mới vào được chân thác.

Kỳ bí hình dấu chân người trên phiến đá ở lưng chừng thác nước - 1

Thác Đá Nhảy nằm phía sau một quả đồi, cây cối bao phủ.

Thác nước không cao, nằm thoai thoải, những phiến đá to xếp đan xen nhau như bậc thang. Ở lưng chừng thác có một phiến đá to nằm chắn dòng nước, phía dưới chân phiến đá có lỗ hổng hút nước, tạo dòng xoáy, phun nước ra cuối chân thác.

Không khí nơi đây mát mẻ, hai bên thác cỏ cây mọc um tùm, xung quanh vắng lặng, chỉ nghe tiếng nước chảy, chim hót.

Anh Lô Văn Biên (33 tuổi, trú xã Nghĩa Lạc), cho biết: "Hình dấu chân người trên phiến đá này vì lâu không có ai lên đây chơi nên bị lá cây che lấp". Nói rồi, anh đưa tay phủi sạch lá cây, rêu bám trên phiến đá, hình dấu chân người dần hiện ra.

Kỳ bí hình dấu chân người trên phiến đá ở lưng chừng thác nước - 2

Ông Hà Quang Trung (67 tuổi), một cao niên ở làng Lác, xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Đàn kể về phiến đá kỳ lạ có in hình dấu chân người.

Kỳ bí hình dấu chân người trên phiến đá ở lưng chừng thác nước - 3

Phiến đá nơi in hình dấu chân kỳ lạ.

Phiến đá hiện rõ hình dấu bàn chân phải, dài khoảng 20cm, rộng 10cm, sâu hơn 1cm; 5 đầu ngón chân xòe ra, hướng về phía dòng nước.

"Hồi nhỏ chúng tôi rủ nhau ra đây tắm đã thấy hình dấu chân này rồi. Mỗi lần đến đây chúng tôi thi nhau ướm xem chân ai vừa khít nhất. Không ai biết về hình dấu chân người có từ bao giờ, chỉ nghe những bậc cao niên trong làng kể lại là của một nàng tiên", anh Lương Văn Hòa (30 tuổi, trú xã Nghĩa Lạc) kể.

Ông Hà Văn Khởi (69 tuổi, trú bản Mèn, xã Nghĩa Lạc) sống dưới khu vực chân thác Đá Nhảy cho biết, từ lúc còn rất nhỏ, ông đã được nghe ông nội kể câu chuyện về hình dấu chân in trên đá.

Kỳ bí hình dấu chân người trên phiến đá ở lưng chừng thác nước - 4

Khu vực phiến đá tương truyền là nơi chồng nàng tiên và nhân tình ngồi, phía trước có một giếng nước sâu, nguy hiểm (Ảnh: H.T).

"Chuyện kể về nàng tiên tên là Nàng Úa từ trên trời xuống, kết hôn với một người đàn ông trong làng. Thế nhưng người đàn ông này lại có thói trăng hoa nên hay bỏ nhà đi chơi với nhân tình.

Một ngày nọ, Nàng Úa đi làm về không thấy chồng ở nhà, bèn đi tìm. Khi đến thác Đá Nhảy, nàng thấy chồng và nhân tình đang ngồi với nhau trên tảng đá phía bờ bên kia. Nàng gọi nhiều lần nhưng người chồng vẫn lờ đi, không để ý tới. Quá tức giận, nàng đã giẫm chân phải mạnh xuống phiến đá rồi bay về trời.

Kể từ khi Nàng Úa rời đi, người chồng trở nên buồn bã, không còn thói lăng nhăng, ngày đêm nhớ mong về nàng. Thế nhưng Nàng Úa không trở lại nữa", ông Khởi kể lại câu chuyện truyền miệng.

Kỳ bí hình dấu chân người trên phiến đá ở lưng chừng thác nước - 5

Hình dấu chân in trên phiến đá.

Ông Hà Quang Trung, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Nghĩa Lạc chia sẻ, câu chuyện về hình dấu chân người trên phiến đá chỉ là câu chuyện truyền miệng từ thời cha ông. Sự lạ lẫm và bí ẩn về hình dấu chân người in trên phiến đá vẫn chưa có lời giải.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm