Khi làng nghề kinh doanh nhờ “net”

Với sự bùng nổ phát triển mạnh mẽ thông tin trong nước và quốc tế hiện nay, Internet thực sự là cầu nối không thể thiếu của rất nhiều người. Đây cũng là nhu cầu của nhiều khách hàng ở các làng nghề hiện nay nhằm phát huy tốt hơn khả năng kinh doanh, phục vụ khách hàng…

Trong hơn 10 năm kinh doanh sản phẩm vải lụa tại làng Lụa Vạn Phúc có tiếng, thì chị Huyền, chủ cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm mang tên Huyền Phương Silk đã có 3 năm “thâm niên” sử dụng dịch vụ Internet. Với chị Huyền, giờ Internet là kênh không thể thiếu để kết nối với các khách hàng trên nhiều địa phương.
 
Khi làng nghề kinh doanh nhờ “net”
Nhu cầu sử dụng dịch vụ Internet để quảng bá các sản phẩm ở làng nghề Vạn Phúc hiện giờ khá phổ biến

Chị Huyền cho hay, công việc kinh doanh cũng thuận lợi hơn rất nhiều từ khi chị sử dụng mạng Internet. Một lượng khách hàng khá lớn vốn là “mối quen” của cửa hàng đến từ các tỉnh thành khác như Hòa Bình, Điện Biên, Yên Bái, Cao Bằng, Hà Tĩnh… Với những khách hàng này, ngoài cách điện thoại truyền thống, hàng ngày, công việc giao dịch, giới thiệu mẫu hàng, trao đổi mua bán được chị Huyền thực hiện qua email hoặc facebook. Mặt khác, các chi nhánh cửa hàng của chị Huyền trên toàn thành phố cũng trao đổi thông tin và được cập nhật số liệu qua Internet.                    

Còn những lúc rảnh rỗi hơn, chị lại có điều kiện tiếp xúc, cập nhật thêm nhiều xu hướng thời trang trong nước và cả quốc tế nhờ “lướt” net. Cũng từ “kênh” thông tin phong phú này, đã có rất nhiều ý tưởng, mẫu thiết kế được ra đời, đáp ứng nhu cầu khách hàng của chính cửa hàng.

Internet đã trở thành một “kênh” giao dịch không thể thiếu của rất nhiều người làm nghề kinh doanh, bán hàng như chị Huyền. Đã vậy, với chi phí phải bỏ ra không quá lớn, hiện giờ các gói dịch vụ internet của các nhà mạng cũng ngày càng phù hợp hơn với túi tiền của người dùng.

Chị Huyền cho biết, với chi phí chỉ vài trăm ngàn một tháng của gói cước FiberVNN dành cho khách hàng cá nhân của VNPT Hà Nội, thêm một modem chuyển đổi wifi, vậy là không chỉ có chủ nhà mà cả các khách hàng trong lúc đến ngắm sản phẩm, mua hàng cũng có thể “tranh thủ” lướt net. Chị cũng đang tính chuyện mở một trang web riêng giới thiệu về cửa hàng của gia đình cũng như sản phẩm lụa nổi tiếng của Vạn Phúc đến với nhiều khách hàng của cả nước hơn, thậm chí là khách hàng quốc tế.

Có thể nói, nhu cầu sử dụng dịch vụ Internet để quảng bá các sản phẩm làng nghề hiện giờ khá phổ biến. Với quan điểm, website sẽ không chỉ để giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng trong nước mà còn ra thế giới, nên hiện giờ, chỉ cần nhờ Google, gõ một số từ khóa về làng nghề như “Gốm Bát Tràng”, “Lụa Vạn Phúc”… là chúng ta đã có thể tiếp cận với rất nhiều website giới thiệu các thông tin về làng nghề.

Chẳng hạn trên Cổng thông tin của Huyện Gia Lâm có hẳn một chuyên mục giới thiệu về làng gốm Bát Tràng, rồi các trang web chuyên giới thiệu sản phẩm của làng Gốm như Website: http://gomsubattrang.org/, http://www.battrangceramic.net...  Hay với làng lụa Vạn Phúc cũng có website riêng để quáng bá cho sản phẩm lụa.

Vượt qua không gian địa lý, các website quảng bá, giới thiệu sản phẩm đang thực sự là một “cánh tay nối dài” giúp các làng nghề của Hà Nội nói chung và của Việt Nam nói riêng có thêm nhiều hơn kênh tiếp cận với khách hàng trong nước và quốc tế. Điều này cũng góp phần cho các làng nghề xây dựng và giữ vững thương hiệu, vị thế của mình.

PV