Hào hứng với Workshop Game Design từ các diễn giả Thụy Điển
Ngày 22/03/2016 vừa qua, đông đảo các bạn sinh viên và người đam mê game design đã có mặt tại Học viện CNTT Bách Khoa (BKACAD), Đại học Bách Khoa Hà Nội tham dự Buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm làm game từ các nhà thiết kế game nổi tiếng từ Thụy Điển.
Game Design là một lĩnh vực mới nổi và đang thu hút sự chú ý đông đảo của các bạn trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, với cộng đồng phát triển game trong nước còn non trẻ và chưa được đào tạo bài bản, những chia sẻ về kiến thức và kinh nghiệm trong việc lên ý tưởng cho đến thiết kế game từ những trường đào tạo làm game nổi tiếng trên thế giới là cơ hội vô cùng quý giá cho cộng đồng game Việt.
Chính vì vậy, Workshop về Game Design với sự góp mặt của hàng loạt nhà làm game lão làng đến từ quốc gia game hàng đầu thế giới như Thụy Điển với những game lừng danh Candy Crush Saga, Battlefield, Just Cause 3 hay Minecraft đã thu hút sự chú ý lớn của cộng đồng: không chỉ những người đang làm việc trong lĩnh vực game, những nhà thiết kế game mà còn có các bạn sinh viên tại các trường Đại học.
Workshop in Game Design là sự kiện kết hợp tổ chức giữa Đại học Uppsala Thụy Điển và Học viện CNTT Bách Khoa (BKACAD), Đại học Bách Khoa Hà Nội nhằm giới thiệu các khóa học về Game Design cũng như chia sẻ những xu hướng về game trên thế giới. Tại buổi hội thảo, các diễn giả là các nhà làm game nổi tiếng đến từ Khoa Game Design, Đại học Uppsala đã chia sẻ những kiến thức hữu ích về Game và thiết kế Game. Những câu hỏi đơn giản nhưng chứa nhiều thông tin hữu ích cho người tham dự hội thảo như định nghĩa về game, những yếu tố làm nên một game thu hút, những giai đoạn trong thiết kế game đã được đưa ra và thảo luận sôi nổi.
Sau bữa ăn trưa tại Nhà hàng Gecko Tạ Quang Bửu, buổi hội thảo được tiếp tục trong buổi chiều cùng ngày với những nội dung chia sẻ hữu ích từ giảng viên Jakob Rogert về các yếu tố để thiết kế nên một game hay độc và những phương thức để người chơi có thể tham gia vào các cuộc chơi bằng các hoạt động được tạo ra trong trò chơi. Theo Jakob Rogert, tất cả các hoạt động được tạo ra trong việc thiết kế game đều với mục tiêu làm hài lòng người chơi thông qua những hoạt động kết hợp tính mạo hiểm và những phần thưởng cũng như việc đảm bảo các đặc điểm về mỹ học của game.
Cuối buổi hội thảo là phần trao học bổng dành cho các bạn may mắn với những suất Học bổng toàn phần các khóa học Lập trình Android và Lập trình PHP từ Nhà đồng tổ chức Học viện CNTT Bách Khoa– đơn vị hàng đầu Việt Nam trong việc cung cấp các khóa học lập trình.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Học viện CNTT Bách Khoa (BKACAD) phát biểu bế mạc buổi hội thảo: “Workshop in Game Design đã kết thúc một cách thành công tốt đẹp! Với những suất học bổng về lập trình đã trao, Học viện CNTT Bách Khoa (BKACAD) mong muốn được đồng hành cùng các bạn trong con đường đam mê Game chuyên nghiệp. Chúng ta cùng hy vọng vào một cộng đồng game Việt Nam trẻ và nhiệt huyết phát triển xứng đáng với tiềm năng vốn có trong thời gian sắp tới.”
Kết thúc buổi hội thảo, Các Đại diện từ Khoa Game Design của Uppsala Thụy Điển và các Đại diện từ Học viện CNTT Bách Khoa BKACAD đã có buổi làm việc về việc kết hợp để đào tạo chuyên nghiệp về game tại Việt Nam. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho biết, trong thời gian tới, BKACAD có kế hoạch hợp tác với nhiều đối tác lớn trong đó có Uppsala trong việc đào tạo chuyên sâu về mảng lập trình, đặc biệt là lĩnh vực game nhiều tiềm năng này.
Theo sự đánh giá của Đại sứ quán Thụy Điển, Việt Nam với dân số hơn 90 triệu dân và tỉ lệ tiếp cận internet và các thiết bị di động rất cao và không ngừng tăng lên là một thị trường tiềm năng với nhiều cơ hội để trở thành trung tâm về game ở khu vưc trong tương lai. Chính vì vậy, cơ hội cho các bạn trẻ cũng như các doanh nghiệp và start-up đam mê lĩnh vực game là rất hứa hẹn một khi lĩnh vực này nhận được nhiều hơn nữa những sự quan tâm từ các cơ quan chính phủ cũng như các cơ sở đào tạo, để Việt Nam không chỉ có một Nguyễn Hà Đông làm dạy sóng dư luận thế giới mà còn có nhiều Nguyễn Hà Đông hơn nữa với những game thực sự đẹp cả về đồ họa, tính giải trí và giá trị truyền tải trong game.