Hành vi vứt rác bừa bãi bị xử phạt tại các nước như thế nào?

Bích Ngọc

(Dân trí) - Một chiếc giấy kẹo, một đầu mẩu thuốc lá, hay một chiếc cốc giấy vứt không đúng nơi quy định có thể khiến bạn "đi tong" một khoản tiền lớn ở tại những quốc gia này...

Thái độ nghiêm túc trong việc không xả rác bừa bãi của người dân ở nhiều quốc gia không phải bỗng nhiên mà có. Những hình phạt mà nhiều nước đưa ra đối với việc xả rác thực sự có tính răn đe, khiến nhiều người dân dần hình thành nên ý thức hành xử chuẩn mực, không vứt rác ở nơi không được phép.

Nhiều quốc gia nổi tiếng sạch sẽ, người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh chung rất tốt, nhưng trước khi đạt tới sự văn minh ấy, họ cũng đã từng trải qua những thập kỷ thực hiện nhiều biện pháp để người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung.

Tại Mỹ, mức xử phạt đối với hành vi xả rác phụ thuộc vào luật của từng bang. Hình phạt đối với việc vứt đầu mẩu thuốc lá ra nơi công cộng đặc biệt nghiêm khắc ở tại những bang mà tình trạng cháy rừng, hỏa hoạn thường dễ xảy ra.

Chẳng hạn, tại bang California, vứt một đầu mẩu thuốc lá ra đường sẽ khiến bạn phải nộp phạt 1.000 USD (hơn 23 triệu đồng) và phải thực hiện 24 giờ lao động công ích, dọn dẹp vệ sinh.

Hành vi vứt rác bừa bãi bị xử phạt tại các nước như thế nào? - 1

Một chiếc cốc giấy không được vứt đúng nơi quy định hoàn toàn có thể khiến bạn gặp rắc rối tại Áo (Ảnh: iStock).

Tại Áo, mức phạt đối với hành động xả rác bừa bãi đang ở mức 100 euro (hơn 2 triệu đồng). Một đầu mẩu thuốc lá, một chiếc vỏ kẹo, một lon nước đã uống hết... nhưng không được vứt đúng nơi quy định hoàn toàn có thể khiến bạn gặp rắc rối tại Áo và tốn một khoản tiền phạt.

Tại Anh, mức phạt đối với hành vi xả rác có thể từ 80 bảng trở lên (hơn 2 triệu đồng). Nếu rác thải có kích thước và khối lượng lớn, chẳng hạn như đồ nội thất, đồ gia dụng, mức phạt có thể lên tới 400 bảng (hơn 11 triệu đồng).

Tại Ireland, mức phạt có thể từ 150 euro tới 4.000 euro (tương đương từ 3,5 triệu đồng tới gần 120 triệu đồng) đối với hành vi vứt rác bừa bãi.

Tại Thụy Sĩ, mức phạt có thể từ 300 franc Thụy Sĩ (hơn 7 triệu đồng), mức phạt này còn áp dụng đối với cả những cư dân không thực hiện nghiêm túc theo các hướng dẫn về phân loại rác thải sinh hoạt. Nếu lượng rác thải vứt không đúng nơi quy định lớn về kích thước và khối lượng, mức phạt có thể lên tới 20.000 franc Thụy Sĩ (hơn 480 triệu đồng).

Hành vi vứt rác bừa bãi bị xử phạt tại các nước như thế nào? - 2

Ảnh minh họa về việc vứt rác bừa bãi (Ảnh: iStock).

Tại Đức, hình phạt đối với hành vi xả rác có thể lên tới 300 euro (hơn 7 triệu đồng) tùy thuộc vào kích thước, khối lượng của rác thải. Với một đầu mẩu thuốc lá hay một chiếc cốc giấy vứt không đúng nơi quy định, mức phạt có thể ở mức 10 - 25 euro (240.000 đồng - 600.000 đồng).

Tại Pháp, mức phạt dao động trong khoảng từ 35 - 70 euro (835.000 đồng - 1,7 triệu đồng) phụ thuộc vào quy định tại từng địa phương đối với hành vi xả rác. Đối với rác to và nặng, chẳng hạn như đồ nội thất bị vứt bỏ không đúng nơi quy định, mức phạt có thể lên tới 150 euro (3,6 triệu đồng).

Tại Singapore, các hình phạt được áp dụng đối với hành vi xả rác rất nặng. Trong năm 2020, Cơ quan Môi trường Quốc gia (NEA) của Singapore đã thực hiện 19.000 phiếu phạt đối với hành vi xả rác bừa bãi.

Một cá nhân bị phạt vì hành vi xả rác tại Singapore có thể đối diện mức phạt 2.000 đô la Singapore cho lần đầu vi phạm (gần 34 triệu đồng), 4.000 đô la Singapore cho lần vi phạm thứ 2 (gần 67,5 triệu đồng), 10.000 đô la Singapore cho lần vi phạm thứ 3 và các lần sau đó (gần 169 triệu đồng).

Ngoài ra, nhà chức trách cũng có quyền yêu cầu người vi phạm thực hiện hoạt động công ích, dọn dẹp vệ sinh không gian nơi công cộng với tổng thời lượng 12 tiếng đồng hồ.

Hành vi vứt rác bừa bãi bị xử phạt tại các nước như thế nào? - 3

Xét về quy định của nhà chức trách, vứt rác bừa bãi là hành vi bị cấm tại Nhật Bản (Ảnh: iStock).

Tại Nhật Bản, việc không vứt rác bừa bãi đã trở thành một nét văn hóa trong đời sống đại chúng. Đa phần người dân Nhật Bản sẵn sàng... mang rác về nhà mới vứt, nếu họ đang ở bên ngoài và không tìm được nơi phù hợp để vứt rác.

Xét về quy định của nhà chức trách, vứt rác bừa bãi là hành vi bị cấm tại Nhật Bản. Nếu không tìm được nơi vứt rác, du khách được khuyên nên... mang rác theo mình, cho tới khi tìm được nơi vứt rác đúng quy định, bởi nếu xả rác tại các khu vực công cộng, một cá nhân có thể bị phạt tới 30.000 yên Nhật (hơn 5 triệu đồng).

Theo becomingbettertogether.org