Bình Định:
Hàng ngàn hộ dân khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt
(Dân trí) - Dù chưa tới mùa hè nhưng gần cả ngàn hộ dân ở xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ, Bình Định) đã sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Tình trạng trên kéo dài nhiều năm qua, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.
Sống cạnh nhà máy nước vẫn “khát nước”
Tình trạng trên xảy ra ở 16 thôn ở xã Mỹ Chánh với hơn 3.300 hộ dân, trong đó nghiêm trọng nhất phải kể đến các thôn An Xuyên 1, An Xuyên 2 và An Xuyên 3 với gần 700 hộ dân đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng dù mùa khô chưa đến.
Theo người dân ở đây phản ánh, khoảng 3 năm trở lại đây khi Nhà máy nước sạch Mỹ Chánh bị hư hỏng, xuống cấp nước không đủ cấp cho người dân. Trong khi đó, đây là vùng gần biển nguồn nước nhiễm mặn, nhiễm phèn nặng không thể sử dụng. Để có nước người dân phải đi qua xã Cát Minh (huyện Phù Cát) hay qua các xã khác cùng địa phương mua nước giếng về sử dụng.
Vừa đi quảng đường 3km kéo nước về cho gia đình sử dụng, ông Dương Công Mót (57 tuổi, thôn An Xuyên 1) thở dài: “Nhà nông nhu cầu dùng nước nhiều, nhưng đến tắm giặt còn phải đi mua nói gì nước ăn uống. Nước dùng để ăn, gia đình phải qua xã Cát Minh mua 1.000/can 20 lít, còn nước tắm, giặt 500 đồng/căn nhưng cũng dùng nhỏ giọt. Mỗi ngày tôi chở 11 can dùng cho cả ngày. Về mùa hè nhu cầu dùng nước nhiều hơn thì ngày phải đi chở 2-3 chuyến mới đủ dùng”.
Hay gia đình bà Nguyễn Thị Mai (cùng thôn An Xuyên 1), dù có hệ thống ống nước sạch bắt từ nhà máy nước sạch Mỹ Chánh nhưng đã 3 năm nay không có nước để dùng. Hàng ngày, bà Mai cũng phải đạp xe đi chở mỗi chuyến 3 can về dùng. “Chẳng có cái cực nào bằng thiếu nước. Tắm rửa, giặt giũ quần áo đều dùng nước mặn, nước phèn xong rồi mới dùng nước sạch tráng qua. Thậm chí đến nước lau chùi nhà cửa, vệ sinh phải dùng nước ruộng…”, bà Mai ngao ngán.
Trưởng thôn An Xuyên 1, Trần Cảnh Triệu cho biết: “Ba thôn An Xuyên 1, 2, 3 là thiếu nước nghiêm trọng, trong đó riêng thôn An Xuyên 1 với gần 300 hộ nhưng không có một cái giếng nước ngọt bởi nước ở đây đều bị nhiễm mặn, phèn nặng. Tình trạng này kéo dài từ tháng 3 đến tháng 10 nhưng đỉnh điểm là từ tháng 6 đến tháng 9 khi nguồn nước sông đã cạn kiệt. Chưa nói đến nguồn nước sông bị ô nhiễm do chăn nuôi gia cầm ven sông mật đồ dày đặc. Mùa khô năm ngoái, ba thôn An Xuyên 1,2,3 khốn khổ vì thiếu nước, huyện Phù Mỹ phải điều xe chở nước sạch từ nhà máy nước sạch của huyện về ‘cấp cứu’ gấp cho bà con”.
Theo ông Lưu Trọng Đạo, Chủ nhiệm Hợp tác xã Điện - Nước xã Mỹ Chánh, cho biết: Nhà máy nước sạch xã Mỹ Chánh được đầu tư trên 2,4 tỷ động được đưa vào sử dụng năm 2004, công suất thiết kế 900m3/ngày đêm. Nhà máy cung cấp nước cho khoảng 3.300 hộ dân thuộc 16 thôn trong xã và hàng trăm hộ dân thôn An Mỹ (xã Mỹ Cát). Tuy nhiên, thực tế nhà máy chỉ cung cấp cho khoảng 1.500 hộ do thiết kế không đúng kỹ thuật, xuống cấp. Nhất là khi mùa khô hạn đến nguồn nước ngầm trên sông La Tinh cạn kiệt, nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng.
Đắp đập, ngăn sông lấy nước “sạch”
Toàn xã Mỹ Chánh với hơn 3.300 khẩu với khoảng 18.000 nhân khẩu, nhu cầu nước sinh hoạt rất lớn. Trong khi đó, tổng số giếng tạm dùng để ăn uống chỉ chiếm con số khiêm tốn. Để có nước “sạch” sử dụng, chính quyền địa phương đã huy động nguồn vốn xã hội hóa đắp đập Bờ Mun trên sông Cạn, một nhánh của sông La Tinh. Mục đích, chặn dòng giữ mực nước ngầm cho 4 giếng được đào ngay dưới lòng sông để duy trì hoạt động của nhà máy nước sạch Mỹ Chánh.
Ông Lưu Trọng Đạo, cho biết thêm: Từ năm 2010, khi nguồn nước sông La Tinh cạn kiệt, 3 giếng bơm đặt trước đó khô khốc không còn giọt nước. Để nhà máy hoạt động, Trung tâm Nước sinh hoạt – vệ sinh nông thôn mới xây bổ sung giếng thứ 4 để thử nghiệm chất lượng nguồn nước. Tuy nhiên, do thiếu nước gay gắt phải đưa vào sử dụng nhưng chỉ đạt công suất chưa tới 150m3/ngày đêm. Mỗi ngày, chúng tôi chỉ xả nước cầm chừng khoảng 2 tiếng phục vụ cho khoảng 600 hộ dân các thôn trong xã, còn hàng ngàn hộ dân vẫn phải mua nước sử dụng.
Điều đáng nói, Nhà máy nước Mỹ Chánh được gọi là nước “sạch” nhưng nguồn nước được lấy từ các giếng được xây dựng dưới lòng sông Cạn. Sau đó, nước được bơm lên bể lọc qua lớp cát để tách phèn rồi cấp cho nhân dân. Trong khi đó, dọc sông Cạn nhiều hộ dân chăn nuôi vịt với mật độ dày đặc khiến nguồn nước đã ô nhiễm. “Dây truyền xử lý không đạt tiêu chuẩn, trạm xử lý thiếu bể lắng, chỉ lọc qua lớp cát để tách phèn, chất lượng nước chưa đảm bảo”, ông Đạo thừa nhận.
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề trên, ông Trần Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh, cho biết: Hiện tại địa phương đã có kế hoạt đầu tư 50 triệu đồng đắp đập Bờ Mun trên dòng Sông Cạn để tích nước đảm bảo mạch nước ngầm cho nhà máy hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa khô năm nay. Về lâu dài, địa phương cần hỗ trợ kinh phí để đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhà máy hoạt động trở lại. Hai năm trước, tổ chức Đông – Tây hội ngộ đã về địa phương khảo sát để đầu tư xây dựng công trình Nhà máy nước sạch, với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng, đủ cung cấp nước cho cả xã nhưng đến nay chưa thấy động tĩnh.
Một số hình ảnh người dân xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt:
Doãn Công