Giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh để sản xuất thuốc thú y

(Dân trí) - Trước thực trạng người dân lạm dụng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản dẫn đến hiện tượng lượng tồn dư kháng sinh trong vật nuôi cao, gây hại cho sức khỏe con người, vậy qui trình nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh được giám sát như nào?

Cục Thú y cho biết, đơn vị này được giao chủ trì tổ chức thực hiện công tác quản lý về sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc thú y. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) có thành lập Tổ công tác để rà soát, kiểm tra đối với việc đăng ký lưu hành sản phẩm thuốc thú y theo qui định tại Thông tư số 20/2014/TT-BNNPTNT ngày 26/6/2014.

Về vấn đề quản lý nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu, Cục Thú y cho biết, trong năm 2014 có 27 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh làm thuốc thú y, bao gồm: 14 doanh nghiệp nhập khẩu để kinh doanh; 2 doanh nghiệp nhập khẩu dùng cho sản xuất và kinh doanh; 11 doanh nghiệp nhập khẩu để sản xuất. Cục Thú y cấp phép nhập khẩu 38 loại nguyên liệu kháng sinh làm thuốc thú y; chủ yếu từ Trung Quốc chiếm 87,3%; từ Ấn Độ và Bulgari chiếm 12,7%.

Cần giám sát chặt chẽ việc nhập kháng sinh để sản xuất thuốc thú y (Ảnh minh họa internet).
Cần giám sát chặt chẽ việc nhập kháng sinh để sản xuất thuốc thú y (Ảnh minh họa internet).

Trong năm 2015, có 35 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh làm thuốc thú ý, bao gồm: 17 doanh nghiệp nhập khẩu để kinh doanh; 2 doanh nghiệp nhập khẩu dùng cho sản xuất và kinh doanh; 16 doanh nghiệp nhập khẩu để sản xuất. Cục Thú y cấp giấy phép nhập khẩu 50 loại nguyên liệu kháng sinh làm thuốc thú y; chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc (chiếm hơn 90%), Ấn Độ, Ý, Đức.

Từ đầu năm 2016 đến nay, có 39 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh làm thuốc thú y. Cục thú y cấp giấy phép nhập khẩu 57 loại nguyên liệu kháng sinh; chủ yếu nhập từ Trung Quốc (chiếm hơn 90%), Ấn Độ, Bulgari. Cục thú ý đã tạm dừng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Enrofloxacin 3 tháng nhằm tránh lạm dụng kháng sinh này trong nuôi trồng thủy sản.

Trong giấy phép nhập khẩu, Cục Thú y ghi rõ nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu chỉ được dùng cho sản xuất thuốc thú y; yêu cầu đơn vị đăng ký nhập khẩu báo cáo việc sử dụng, kinh doanh, địa chỉ cơ sở mua nguyên liệu kháng sinh của lô hàng nhập khẩu lần trước khi nộp hồ sơ đăng ký nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh lô hàng tiếp theo thì mới xem xét giải quyết; đồng thời ghi rõ đơn vị nhập khẩu chỉ được phép kinh doanh, sử dụng nguyên liệu kháng sinh trên để sản xuất sản phẩm thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam; không bán nguyên liệu thuốc thú y cho các cơ sở chưa được cấp phép kinh doanh nguyên liệu làm thuốc thú y, đại lý, cửa hàng buôn bán thuốc thú y để bán cho người dân sử dụng trực tiếp phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản hoặc bán trực tiếp cho các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để sử dụng.

Bộ NN&PTNT ban hành và triển khai Kế hoạch quản lý, giám sát nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu để sản xuất thuốc thú y giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 2803/QĐ-BNN-TY ngày 7/7/2016); triển khai Kế hoạch quản lý, giám sát nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thuốc thú y trong 5 tháng cuối năm 2016 (Quyết định 3274/QĐ-BNN-TY ngày 9/8/2016).

Cục Thú y cho biết thêm, trước ngày 1/7/2016, trên cơ sở của Pháp lệnh Thú y năm 2004 và Nghị định số 33/2005/NĐ-CP, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo xây dựng và ban hành các văn bản hầu hết các văn bản liên quan đến quản lý thuốc thú y.

Từ ngày 1/7/2016, khi Luật thú y năm 2015 có hiệu lực, Bộ NN&PTNT đã chủ trì xây dựng, trình ban hành hoặc trực tiếp ban hành các văn bản quản lý thuốc thú y, bao gồm: Nghị định số 35/2016/NĐ-CP; Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg; Thông tư số 10/2016/TT-BNNPTNT; Thông tư số 13/2016/TT-BNNPTNT.

Mặt khác, hàng năm, Bộ NN&PTNT thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo những vấn đề cụ thể về quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc thú y (bao gồm cả kháng sinh và vắc xin).

So sánh sự khác nhau giữa nguyên liệu kháng sinh thô với thuốc thú y có hàm lượng kháng sinh, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành – Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Kháng sinh nguyên liệu là chưa có tá dược phối chế để cho ra thuốc, hàm lượng kháng sinh đạt 98-99%. Khi vật nuôi ăn vào khỏi bệnh rất nhanh, nhưng bao giờ cũng quá ngưỡng điều trị, gây tồn dư kháng sinh trong sản phẩm vật nuôi cao; điều này gây hại cho nền nông nghiệp và nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Còn dùng nguyên liệu kháng sinh thô nói trên pha chế thành thuốc thú y, khi vật nuôi ăn vào sau 1 thời gian sẽ tự đào thải hết kháng sinh, không còn tồn dư trong thịt, cá nữa.

Nguyễn Dương