Dùng kháng sinh để trị bệnh cho vật nuôi phải theo đơn của bác sĩ thú y

(Dân trí) - Dự kiến, đến năm 2020 Việt Nam sẽ cấm sử dụng kháng sinh qua thức ăn chăn nuôi (TACN) nhằm mục đích phòng bệnh với gia súc, gia cầm non và việc sử dụng kháng sinh qua TACN nhằm mục đích điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm phải theo kê đơn của Bác sỹ Thú y có chứng chỉ hành nghề.

Liên quan đến hiện trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và công tác quản lý kháng sinh trong TACN, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) - cho biết: Cũng giống như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi động vật trên cạn (gia súc, gia cầm) với 3 mục đích: kích thích sinh trưởng (KTST), phòng bệnh và trị các bệnh truyền nhiễm. Kháng sinh đưa vào cơ thể vật nuôi thông qua 3 cách là nước uống, thức ăn hoặc tiêm trích, trong đó cách trộn trước vào thức ăn đang được dùng phổ biến nhất trong loại hình chăn nuôi trang trại, công nghiệp là khu vực chăn nuôi có đàn gia súc, gia cầm rất lớn, khó có thể tiêm trích hoặc cho từng con gia súc, gia cầm uống thuốc được.

Sử dụng kháng sinh qua TACN nhằm mục đích điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm phải theo kê đơn của Bác sỹ Thú y có chứng chỉ hành nghề (Ảnh minh họa internet).
Sử dụng kháng sinh qua TACN nhằm mục đích điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm phải theo kê đơn của Bác sỹ Thú y có chứng chỉ hành nghề (Ảnh minh họa internet).

Tuy nhiên theo ông Dương, việc trộn trước kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi chứa đựng không ít những tồn tại, bất cập nếu không được quản lý tốt, đó là làm mất đi tính thèm ăn của con vật và nguy cơ lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Đây là nội dung rất quan trọng trong hoạt động quản lý TACN đã được Bộ NN&PTNT quan tâm chỉ đạo trong thời gian qua, cũng như trọng tâm tới đây, trước tiên là việc hoàn thiện thể chế và chỉ đạo quyết liệt thực hiện các thể chế đó, cụ thể:

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 06 thay thế Thông tư số 28, điều chỉnh giảm số lượng kháng sinh được phép sử dụng trong TACN nhằm mục đích KTST từ 43 loại xuống còn 15 loại và đưa ra lộ trình cấm sử dụng kháng sinh nhằm mục đích này tại Việt Nam vào 31/12/2017, là quốc gia đưa ra lộ trình sớm so với nhiều nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, như Trung Quốc, Mỹ…;

“Thông tư 06 qui định chỉ sử dụng kháng sinh qua TACN nhằm mục đích phòng bệnh với gia súc, gia cầm non và dự kiến cấm mục đích này vào năm 2020 và việc sử dụng kháng sinh qua TACN nhằm mục đích điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm phải theo kê đơn của Bác sỹ Thú y có chứng chỉ hành nghề” – ông Dương cho biết.

Cũng theo ông Dương, nếu thực hiện nghiêm túc những quy định này thì Việt Nam sẽ thuộc tốp đi đầu của các nước trên thế giới về quản lý kháng sinh trong TACN và sẽ tạo lập được một môi trường rất tốt cho việc sản xuất các sản phẩm chăn nuôi không tồn dư kháng sinh và giảm thiểu những nguy cơ gây nhờn thuốc trong điều trị các bệnh truyền nhiễm ở người và vật nuôi.

Ông Nguyễn Xuân Dương thông tin thêm, ngoài biện pháp tăng cường công tác kiểm tra, thì giải pháp quan trọng, có hiệu quả và bền vững đó là tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi đến người chăn nuôi, người kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Tiếp tục phát động cuộc vận động sâu rộng trong cộng đồng nói không với chất cấm và không lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, năm 2016 đã có trên 350.000 hộ chăn nuôi, kinh doanh TACN, kinh doanh giết mổ ký cam kết với các cấp chính quyền cơ sở. Ngoài ra, cần khuyến khích mở rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAP, GlobaGAP và chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, đảm bảo truy xuất nguồn gốc về vấn đề an toàn thực phẩm, trong đó có việc lạm dụng kháng sinh.

Nguyễn Dương