Đắk Nông:
Độc đáo chợ phiên Tây Bắc giữa lòng Tây Nguyên
(Dân trí) - Những bộ váy xòe, nồi thắng cố bên chén rượu ngô… là nét đặc trưng trong văn hóa miền núi Tây Bắc. Theo chân đồng bào Mông di cư vào Đắk Nông lập nghiệp, đặc trưng ấy được sống lại trong những phiên chợ vùng cao Tây Nguyên.
Hai chợ Tây Bắc lớn nhất là chợ phiên Đắk Som và chợ phiên Đắk R’măng, được mở duy nhất vào sáng chủ nhật hàng tuần tại huyện Đắk G’Long nơi có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống nhất tỉnh Đắk Nông.
Từ tờ mờ sáng, đồng bào Mông trong các bản bắt đầu kéo nhau xuống chợ và họ dành cả ngày ở chợ phiên để mua sắm, vui chơi, ăn uống. Không khí ngày chợ phiên vì thế mà khá nhộn nhịp và sặc sỡ sắc màu.
Ở phiên chợ này, rất nhiều sản phẩm đặc trưng của miền núi phía Bắc như trang phục, dược liệu, nông cụ, đến các món ăn truyền thống... nhưng nhiều nhất vẫn là các mặt hàng váy áo thổ cẩm truyền thống. Những sạp quần áo sặc sỡ sắc màu nối đuôi nhau, phần lớn được kết cườm tỉ mỉ kết hợp với các họa tiết cầu kỳ, thể hiện sự tinh xảo, khéo léo của người phụ nữ Mông.
Bà Vàng Thị Do (ngụ thôn 1, xã Đắk Som), chủ một sạp quần áo ở chợ phiên cho biết: “Tôi từ huyện Cư Jút mang hàng vào chợ phiên này bán cũng được 3 năm rồi. Tôi cũng đã từng bán ở các chợ phiên khác trong tỉnh, nhưng gắn bó với chợ phiên Đắk R’măng này lâu nhất. Để có được những sản phẩm này về chợ, các tiểu thương ở đây đã phải lặn lội ra tận Lào Cai, Cao Bằng để nhập hàng vào”.
Chủ nhật này, chị Giàng Thị Cá (thôn 3, xã Đắk Som) cùng chồng đi chơi chợ phiên từ sáng sớm. Chị Cá mang thêm đàn gà mới nở ra chợ để đổi lấy vài con dao về phát rẫy. Chỉ có chừng ấy việc mà chị đã phải tất tưởi chuẩn bị hết cả buổi chiều hôm trước. Vì chợ phiên chỉ họp duy nhất một lần trong tuần nên chị Cá và tất cả bà con ở thôn Đắk Nang háo hức đón chờ.
Đến chợ không nhất thiết để mua sắm, vì thế đa phần người dân đi chơi chợ, đến để được gặp gỡ, giao lưu và chuyện trò cùng bạn bè, thư giãn sau một tuần làm việc vất vả. Chị Cá cho hay: “Vào đây đã nhiều năm, nhưng bà con vẫn giữ được những đặc trưng truyền thống, trong đó có chợ phiên này. Người Mông thường làm nương xa, có khi ăn ngủ trên nương, nhưng cứ đến ngày chợ đều xuống đây để bán, mua những vật dụng cần thiết. Cũng có những người đi cả ngày đường để xuống chợ chơi”.
Chợ phiên là nơi để những những người đồng hương từ phía Bắc di cư lên đây gặp gỡ, chia sẻ với nhau và cũng là nơi mà các chàng trai, cô gái có thể gặp mặt nhau, hẹn hò sau bao ngày làm việc vất vả trên nương rẫy. Tục bắt vợ không còn nữa, nhưng qua tiếng khèn da diết, nhiều chàng trai, cô gái đã mê đắm, khắc khoải rồi chờ đợi những phiên chợ sau để gặp gỡ, nên vợ nên chồng.
Vàng A Hùng (thôn 6, xã Đắk R’măng) tâm sự: “Thanh niên chưa vợ, chưa chồng thường chọn cho mình những bộ váy áo đẹp nhất để xuống chợ. Ngày họp chợ cũng là dịp để trai gái trong và ngoài xã đến chơi rồi làm quen. Nếu thích thì rủ nhau đi chơi, sau đó tính đến chuyện vợ chồng”.
Đặc biệt, tại ngày chợ phiên, đồng bào Mông thường tìm đến thưởng thức món “thắng cố”. Đây là món ăn được ưa thích nhất của cộng đồng này, được làm từ phủ, tạng của heo, bò, trâu, hoặc dê.
...thì đàn ông Mông thường thưởng mức món thắng cố và nhâm nhi vài li rượu cùng bạn bè
Chửng Tự, chủ hàng thắng cố tại chợ phiên Đắk R’măng cho biết: “Gia đình tôi mới vào nghề được vài năm nay. Thịt được đặt từ các cửa hàng giết mổ trong chợ, mang về rửa sạch và thái lát nhỏ, ướp gia vị, khi nước đun sôi sẽ thả thịt vào nung cho đến khi chín đều là được. Nhìn chung, thắng cố bò vẫn được mọi người chuộng hơn cả”.
Phần lớn những người đàn ông Mông đến chợ thường mong được thưởng mức món thắng cố và nhâm nhi vài li rượu cùng bạn bè. Họ quan niệm rằng, ai có nhiều bạn thì người ấy sẽ được mời nhiều rượu. Chính vì thế, trong phiên chợ không thể thiếu hình ảnh những người đàn ông quây quần bên bát rượu ngô thơm nồng. Sau khi uống say nhiều người đã nằm ngủ ngay tại đây trong khi người vợ sẵn sàng ngồi che nắng chờ chồng tỉnh.
Dương Phong