Doanh nhân Singapore hết lòng vì nạn nhân da cam Việt Nam
(Dân trí) - Mặc dù là người Singapore nhưng ông Harold Chan Soo York (73 tuổi, doanh nhân) đã tự nguyện bỏ hàng chục tỉ đồng xây khu nội trú và tặng máy MRI để điều trị cho các bệnh nhân da cam.
Ngày 9/3, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng đưa vào hoạt động nhà nội trú dành cho nạn nhân da cam bất động (ở xã Hòa Nhơn, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng). Đây là ngôi nhà do Harold Chan Soo York hỗ trợ xây dựng.
Cách đây không lâu, tình cờ đọc một bài báo ở Singapore về chiến tranh Việt Nam, trong đó có một dòng ngắn gọn nhắc đến chất độc da cam, Harold Chan cảm thấy đây là thông tin… rất mới, dù cuộc chiến ấy đã lùi xa 40 năm. Tò mò về Việt Nam, các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, ông dành nhiều ngày liền lục lọi trên máy tính và vỡ ra nhiều sự tàn khốc mà ông gọi là “tội ác chiến tranh chống lại tình nhân loại”.
Tháng 4/2015, ông đã đến thẳng văn phòng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng trong vai một người khách du lịch tình cờ ghé qua. Từ đó đến nay, ông quay lại nhiều lần với một mục đích duy nhất là bàn giải pháp hỗ trợ về y tế cho nạn nhân da cam.
Việc đầu tiên ông làm là dành hơn 33 tỉ đồng mua máy MRI và thiết bị y tế hơn 4 tỉ đồng trang bị tại Bệnh viện Đà Nẵng để ưu tiên phục vụ chăm sóc y tế cho nạn nhân chất độc da cam, trẻ khuyết tật và người nghèo.
Tiếp xúc với những người mẹ có con bị nhiễm chất độc da cam, ông biết những người mẹ này suốt mấy chục năm không có một đêm tròn giấc vì chăm con của mình. Thế là ông quyết định tiếp tục hỗ trợ xây nhà nội trú dành cho nạn nhân da cam bất động.
“Tôi tin rằng trong ngôi nhà nội trú này, những con người vốn chịu nhiều bất hạnh này sẽ được chăm sóc tốt hơn về sức khỏe, dinh dưỡng, sẽ được tập vật lý trị liệu để ngăn ngừa teo cơ, để máu huyết lưu thông và duy trì sự sống tốt nhất có thể. Và để giảm bớt gánh nặng, áp lực chăm sóc người bất động cho những người bà, người mẹ, đổi lại cho họ những phút nghỉ ngơi hiếm hoi trong đời mà có người đã phải hy sinh cả ba bốn chục năm qua”, ông Harold Chan nói.
Chị Nguyễn Thị Mai (trú xã Hoà Tiến, huyện Hoà Vang), người có hai con bị nhiễm chất độc da cam phải nằm liệt một chỗ từ khi lọt lòng, chị rưng rưng nước mắt “Ông Chan đã cho con tôi và nhiều cháu nhỏ một niềm hy vọng sống thật lớn lao. Khi khu nội trú này hoàn thành, đưa các cháu lên đây, được cùng với các tình nguyện viên ở đây chăm sóc các con, tôi nghẹn lòng. 26 năm chăm con bằng tất cả sự cố gắng, đã không ít lần tôi khóc cạn nước mắt. Nhưng vẫn phải nhìn lên để sống. Vì tôi là điểm tựa của các con và ngược lại”.
Ông Harold Chan bảo rằng, với ông không có ranh giới nào ngoài sự lan toả tình yêu thương. Họ là những người bất hạnh, bệnh tật, lại phải gánh hậu quả của cuộc chiến đi qua gần nửa thế kỷ nên ông thấy mình phải có trách nhiệm với họ. Và đó là trách nhiệm với những con người bất hạnh nên ông không quan tâm nhiều đến vấn đề biên giới, quốc gia.
“Tôi ở đây, bạn ở đây. Mỗi chúng ta được sinh ra từ mẹ. Nhưng với những người mẹ này, họ đã có quá nhiều bất hạnh. Có người nói với tôi, rằng đã hơn 30 năm rồi họ không có đêm nào ngon giấc. Bởi những cơn quặn đau của con cái họ. Họ là những người mẹ thật anh hùng”, ông nói về những bà mẹ có con bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Khánh Hồng