Đám cưới "hai tiệc", chính quyền yêu cầu cán bộ chỉ tổ chức một tiệc

Thúy Diễm

(Dân trí) - Mỗi đám cưới, ngoài tiệc chính, gia chủ phải tổ chức tiệc phụ hàng chục mâm cỗ gây tốn kém. Một xã tại Đắk Lắk đã vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân chỉ tổ chức một tiệc.

Từ nhiều năm nay, tại xã Ea Kiết (huyện Cư M'gar, Đắk Lắk) có trào lưu mỗi gia đình tổ chức cưới đều phải làm tiệc chính và phụ (còn gọi là nhóm họ). Dù là "nhóm họ" nhưng bà con tổ chức rình rang, linh đình như tiệc cưới chính thức, gây lãng phí.

Ông Nguyễn Đình Hiệp, Bí thư Đảng ủy xã Ea Kiết cho biết, trên địa bàn xã đa phần là bà con gốc miền Trung di cư vào nên hầu hết các đám cưới đều tổ chức "nhóm họ".

Đám cưới hai tiệc, chính quyền yêu cầu cán bộ chỉ tổ chức một tiệc - 1

Nhiều địa phương tại Đắk Lắk tổ chức tiệc cưới phải làm hai tiệc, gây tốn kém (Ảnh minh họa: Thúy Diễm).

Theo ông Hiệp, nếu như tiệc chính khoảng 100 mâm cỗ thì "nhóm họ", người dân cũng tổ chức khoảng 20-50 mâm cỗ, rất tốn kém.

"Dù là tiệc trước đám cưới nhưng người dân vẫn tổ chức bài bản, rượu bia đầy đủ. Tuy nhiên, mừng đám cưới thì bà con chỉ đi phong bì cưới một lần với giá trung bình khoảng 300.000 đồng nên việc tổ chức "nhóm họ" là gánh nặng kinh tế cho gia chủ", ông Hiệp nói.

Bí thư Đảng ủy xã Ea Kiết cho biết thêm, dẫu biết tốn kém nhưng bà con theo kiểu "nhà kia làm, nhà mình cũng phải làm", nếu không làm "nhóm họ" mời đông đủ sẽ bị dị nghị, lời ra tiếng vào.

Trước tình trạng tổ chức "nhóm họ" trong đám cưới gây lãng phí về tiền bạc lẫn thời gian, sức khỏe của người dân, Đảng ủy xã Ea Kiết đã xây dựng và ban hành kế hoạch vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn xã.

Qua đó, quán triệt việc tổ chức lễ cưới phải đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của địa phương, của dân tộc, tôn giáo; phù hợp với hoàn cảnh của gia đình, không phô trương hình thức, rườm rà, lãng phí.

Thời gian tổ chức lễ cưới, hỏi, tân gia... không làm ảnh hưởng đến thời gian lao động; tổ chức ăn uống tiết kiệm, chỉ thực hiện tổ chức tiệc chính thay cho hai tiệc như trước đây, khuyến khích tổ chức tiệc vào buổi chiều tối.

Đám cưới hai tiệc, chính quyền yêu cầu cán bộ chỉ tổ chức một tiệc - 2

Xã Ea Kiết đã vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng thực hiện việc tiệc cưới chỉ tổ chức một tiệc (Ảnh: Thúy Diễm).

Việc tổ chức một tiệc phù hợp với xu hướng thời đại hiện nay, góp phần chống lãng phí, tiết kiệm, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho người tham dự.

Đồng thời, các đảng viên trong chi bộ phải ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong tiệc cưới chỉ tổ chức tiệc chính trong đám cưới. Trường hợp nhận được thiệp tổ chức hai tiệc các đảng viên và gia đình đã ký cam kết sẽ không tham dự tiệc chiều.

"Sau nghị quyết của Đảng ủy xã, UBND xã cũng ban hành kết hoạch để thực hiện. Đối với các chi bộ thực hiện tốt sẽ được đánh giá, xếp loại cuối năm. Tín hiệu vui là thời gian qua, từ khi xã có kế hoạch, nhiều gia đình đã tổ chức ít mâm cỗ vào "nhóm họ", thậm chí có gia đình bỏ hẳn, chỉ tổ chức một tiệc", ông Hiệp thông tin.

Trao đổi phóng viên Dân trí, ông Trần Đình Nhuận, Bí thư Huyện ủy Cư M'gar cho biết, trong các cuộc họp của huyện có trao đổi với lãnh đạo các địa phương, tăng cường vận động người dân thực hiện tổ chức tiệc cưới chỉ một tiệc để tránh lãng phí, trước tiên là vận động các cán bộ, đảng viên thực hiện.

"Huyện ủy đánh giá cao sự triển khai đồng bộ, văn minh, tiết kiệm trong tổ chức tiệc cưới tại xã Ea Kiết. Đây sẽ là tiền đề để tiếp tục triển khai tại các xã trên toàn huyện", Bí thư Huyện ủy Cư M'gar cho hay.

Được biết, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, ngoài huyện Cư M'gar còn có rất nhiều địa phương khác vẫn còn duy trì việc tổ chức tiệc cưới thành hai tiệc.