Cưới chồng cho voi

Nghi lễ văn hóa “cưới chồng cho voi” của người M’Nông ở Buôn Đôn (Đắc Lắc) được khởi nguồn từ một truyền thuyết. Chuyện kể rằng: “Ngày xưa, vào lúc hạn hán có hai cha con người M’Nông đi săn bắt để kiếm cái ăn. Đến một khu rừng nọ, hai cha con liền xuống suối mò cá. Cá ở đây nhiều quá, hai cha con ăn không biết bao nhiêu là cá.

Nhưng thật kỳ lạ, ăn không biết no! Ăn xong vuốt bụng lại thấy bụng ngày càng to ra, mũi càng dài hơn. Dù hoảng sợ nhưng nghĩ tới dân làng ở buôn đang bị đói, hai cha con lại mang cá về cho mọi người cùng ăn. Kỳ lạ thay, cả buôn ăn cá xong cũng giống như hai cha con nhà nọ. Ăn bao nhiêu cũng không biết no là gì. Ăn hết lúa gạo, để thỏa mãn cơn đói, cả buôn vào rừng ăn lá cây. Họ đã biến thành voi...”.

 

Từ câu chuyện đó, người M’Nông cho rằng voi cũng chính là người, cũng cần có những sinh hoạt như con người. Bắt đầu từ đó, vào tháng 10 hằng năm là mùa động dục của voi; nếu là voi nhà, chủ thả voi vào rừng tìm bạn tình! Sau khi tìm được bạn tình, voi cái dẫn voi đực về nhà ra mắt! Chủ voi tiến hành mời thầy cúng tổ chức lễ cưới cho đôi vợ chồng mới này như lời chúc trăm năm hạnh phúc!

 

Trước khi cưới, vợ chồng voi H’Banh và Khăm được tắm rửa sạch sẽ. Voi “vợ” H’Banh được tắm trước, rồi mặc áo cưới đi một vòng quanh làng. Lễ cưới mà thầy cúng AE Nhang dành cho vợ chồng voi gồm một đầu heo, bộ lòng heo, 4 ché rượu cần. Sau những lời cúng giàng, thầy cúng AE Nhang đưa đầu heo cho voi H’Banh và chúc vợ chồng “có những chú voi con khỏe mạnh, sống hạnh phúc, vợ chồng chăm chỉ làm ăn”. Đầu heo được chuyển cho voi Khăm cũng với những lời chúc tương tự.

 

Sau những lời chúc, thầy cúng AE Nhang bôi huyết heo lên trán vợ chồng voi. Thủ tục cuối cùng là cho vợ chồng voi mặc áo cưới chào dân làng. Lễ cưới kết thúc, dân làng uống rượu cần chung vui với vợ chồng voi và chờ 2 năm sau chú voi con ra đời (voi mang thai 2 năm rưỡi mới sinh con).

 

Theo Công An TPHCM

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm