Cuộc sống thế hệ Thiên niên kỷ ở Hàn Quốc không khác gì "Trò chơi con mực"
(Dân trí) - Giới trẻ Hàn Quốc sẵn sàng đánh cược cả tính mạng để tham gia vào trò chơi giúp họ thoát cảnh nợ nần và trở nên giàu có.
Kim Keunha lần đầu đến thủ đô Seoul cách đây 8 năm với mong muốn trở thành một nghệ sĩ xăm mình. Từ khi là một chàng trai 19 tuổi ở vùng quê Andong, anh đã luôn bị thu hút bởi ánh đèn điện lấp lánh của thủ đô Hàn Quốc. Kim thường đi dạo ở cầu Mapo mỗi khi nhớ nhà, lạnh và đói.
Tám năm trôi qua, cây cầu Mapo giờ đây mang một ý nghĩa khác với Kim. Nó đã trở thành điểm nóng của các vụ tự tử. Những người tuyệt vọng bởi nợ nần đến đây gieo mình xuống làn nước của sông Hàn. Cây cầu là lời nhắc nhở Kim về những ước mơ chưa hoàn thành.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của Kim bây giờ là khoản nợ 40.000 USD anh đã mắc kẹt trong thời gian ở Seoul.
"Tôi là người may mắn vì khoản nợ vẫn chưa đến 50.000 USD", Kim nói và cho Insider xem bản sao kê ngân hàng mới nhất của anh. "Tôi biết mình đang gặp rắc rối về tài chính nhưng tôi không thể làm gì để thay đổi".
Bộ phim "Trò chơi con mực" nổi tiếng trên Netflix kể về câu chuyện của một nhóm gồm 456 người đang mang trong mình những khoản nợ lớn. Họ phải tham gia các trò chơi chết người để giành lấy giải thưởng trị giá 38 triệu USD.
"Nếu ai đó nói với tôi rằng, bạn có thể đánh cược cuộc đời để thoát nợ và trở thành tỷ phú, tôi sẽ đồng ý ngay lập tức", Kim nói.
Thế hệ trẻ Hàn Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ chưa từng có
Công việc xăm mình chỉ mang đến cho Kim số tiền ít ỏi. Để trang trải cuộc sống, anh phải làm thêm rất nhiều công việc lặt vặt trong suốt 5 năm qua. Anh làm nhân viên phục vụ tại một hộp đêm, bồi bàn trong cửa hàng thịt nướng, sau đó là một công việc bán thời gian tại một cửa hàng tiện ích sau khi bị sa thải khỏi hai công việc trên.
Hiện nay, hàng tháng anh phải xoay xở để trả số tiền tối thiểu của 4 chiếc thẻ tín dụng, từ 1.120 đôla đến 1.400 đôla. Số tiền chi tiêu của anh tùy thuộc vào số tiền anh kiếm được từ công việc bán thời gian của mình. Tuy nhiên, 8 tháng thất nghiệp kéo dài đã khiến khoản nợ của anh càng tăng thêm.
Ai cũng có thể sở hữu thẻ tín dụng
Ngay cả những người có thu nhập thấp ở Hàn Quốc đều có thể dễ dàng mở thẻ tín dụng. Hàn Quốc đã chứng kiến sự bùng nổ thẻ tín dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997 khi chính phủ kích cầu chi tiêu bằng cách giảm thuế đối với các khoản thanh toán bằng thẻ tín dụng.
"Khi tiền lương không đủ chi trả cho những nhu cầu cơ bản như ăn uống và chi phí đi lại, tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc thanh toán trước mọi thứ bằng thẻ tín dụng", Kim nói với Insider.
Năm 2021, tổng các khoản nợ của Hàn Quốc đã tăng lên hơn 1,5 nghìn tỷ USD - tương đương với GDP của nước này là 1,63 nghìn tỷ USD.
Một khảo sát năm 2018 của Viện nghiên cứu Seoul đã cho thấy mỗi gia đình Hàn Quốc trung bình nợ khoảng 44.000 USD. Con số này là khá nhiều nếu xem xét thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc vào năm 2019 là 33.790 USD, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới.
Tầng lớp trung lưu cũng là nạn nhân của cuộc khủng hoảng nợ
Cuộc khủng hoảng nợ không chỉ ảnh hưởng đến những người có thu nhập thấp như Kim. Ngay cả những người có công việc khá ổn định cũng đang phải vật lộn để trả số nợ lớn.
Noh Eun-woo, 25 tuổi, nhân viên kinh doanh tại một cửa hàng làm đẹp ở khu mua sắm Edae, trung tâm Seoul, nói với Insider rằng cô "chỉ" nợ hơn 12.000 USD trên hóa đơn thẻ tín dụng. Nhưng nhiều người bạn của Noh đang nợ số tiền từ 80.000 đến 100.000 USD.
Noh thừa nhận rằng cứ ba tháng một lần, cô lại mua một chiếc túi xách đắt tiền. Cô lạc quan cho rằng mình sẽ chỉ mất hai đến ba năm để trả hết nợ khi doanh số bán hàng đang tăng lên. "Nhưng đúng là tôi không có bất kỳ khoản tiền mặt nào trong tay cả", cô nói.
Sam Kyungmoon Son, trợ giảng tại Đại học Kyungwoon và là nhà tư vấn độc lập của Công ty tư vấn quản lý Visionwise LLC, nói với Insider rằng, với nhiều người trẻ Hàn Quốc, thẻ tín dụng và các khoản vay nhanh từ các tổ chức cho vay nặng lãi, được coi là "cách dễ nhất để tồn tại".
"Họ nghĩ rằng với cách này họ có thể chia nhỏ chi phí để trả trong vòng từ hai đến ba năm. Và nếu họ tìm được việc, thì họ có thể trả hết nợ ngay lập tức".
Các chính sách cho vay dễ dàng của thẻ tín dụng đã tạo điều kiện cho giới trẻ vung tiền vào những món đồ xa xỉ khi xu hướng "chi tiêu trả thù" của giới trẻ tăng lên sau thời kỳ đại dịch.
Ông Son nói: "Đây là nguyên nhân của việc nợ nần chồng chất đối với giới trẻ Hàn Quốc, bên cạnh chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở các thành phố, nợ sinh viên, và sự thiếu trách nhiệm về tài chính".
Giới trẻ Hàn Quốc đang sống trong những căn hộ 14m2
Rất nhiều thanh niên Hàn Quốc thuộc thế hệ Y đang sống trong các goshiwon. Đây là các căn phòng kiểu ký túc xá, siêu nhỏ, chỉ kê đủ một chiếc giường và một cái bàn.
Hwang Tae-ho, 28 tuổi, là một nhạc công. Anh hiện đang sống tại một căn phòng chỉ rộng 3 mét vuông. Hwang không đủ khả năng mua nhà vì anh không có tiền để trả wolse (một thuật ngữ Hàn Quốc chỉ khoản tiền trả trước để đảm bảo hợp đồng mua nhà).
Hwang cũng đang có một khoản nợ thẻ tín dụng là 8.000 USD.
Công việc ship hàng và làm phục vụ 2 ngày mỗi tuần tại một quán cà phê chỉ đủ cho Hwang chi trả tiền thuê nhà và ăn uống.
"Người nước ngoài nghĩ rằng không gian sống chật chội và bẩn thỉu trong phim "Trò chơi con mực" và "Ký sinh trùng" là một điều gì đó chỉ có trên phim ảnh. Nhưng rất nhiều người như tôi đang sống ở nơi như thế", Hwang nói với Insider.
Khoảng 1/5 những người độc thân ở Seoul hiện đang sống trong những căn hộ có diện tích dưới 14 mét vuông. Viện nghiên cứu Seoul ước tính rằng, một phần ba số người độc thân của thành phố đang sống trong các banjiha (là các căn hộ có một phần diện tích dưới tầng hầm như trong phim "Ký sinh trùng") hoặc goshiwon như đã nói ở trên.
Sở hữu nhà là một giấc mơ viển vông
Ngay cả với những người có công việc tương đối ổn định, việc sở hữu nhà vẫn là ước mơ xa vời khi giá bất động sản ngày càng leo thang ở Seoul.
Kwak Hye-in, 31 tuổi, nói rằng cô đã dành phần lớn tuổi 20 của mình để trả các khoản nợ thẻ tín dụng. Nhưng hiện nay, các tài khoản của cô trống rỗng. Việc chung tiền mua nhà với vị hôn phu, đồng nghĩa với việc gánh thêm một khoản nợ hàng trăm ngàn USD. Hiện nay, cặp đôi đang sống chung trong một căn gác xép chật chội với chi phí thuê là 800 USD/tháng.
Việc thiếu nguồn cung khiến giá nhà ở Seoul tăng gần 93%
Kang Jun-Koo, giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Nanyang thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore (NTU), nói với Insider rằng những người trẻ tuổi Hàn Quốc phải phụ thuộc rất nhiều vào việc vay nợ để mua nhà.
Lãi suất cho vay mua nhà ở Hàn Quốc vào khoảng 2,5%. Tuy nhiên, "khi lãi suất tăng lên trong tương lai, họ sẽ phải đối mặt với gánh nặng trả nợ rất lớn", Kang lưu ý.
Tình trạng khan hiếm căn hộ ở các khu vực thành phố đã khiến giá căn hộ ở Seoul tăng gần 93% kể từ năm 2017.
Tỷ lệ thất nghiệp ở những người lứa tuổi 20 là gần 50%
Sarah Son, giảng viên về nghiên cứu Hàn Quốc tại Trường Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Sheffield, nói với Insider rằng cuộc khủng hoảng nợ và sự bất lực trong các bộ phim như "Trò chơi con mực" và "Ký sinh trùng" chỉ là một phần của bức tranh về xã hội Hàn Quốc.
Một báo cáo năm 2017 từ KDI Focus cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng cao chưa từng thấy trong lực lượng lao động trẻ của Hàn Quốc trong khi tổng tỷ lệ thất nghiệp gần như ít thay đổi.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tốt nghiệp trung học phổ thông được duy trì ở mức ổn định nhờ số lượng công việc dịch vụ ngày càng tăng. Tuy nhiên, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp tăng nhanh.
Vào tháng 7, báo Korea Herald đưa tin, chỉ 58,6% người ở độ tuổi 20 và 75,3% người ở độ tuổi 30 tìm được việc làm. Ngày càng nhiều người sử dụng lao động ký các hợp đồng tạm thời thay vì dài hạn vì chúng tiết kiệm hơn cho doanh nghiệp.
Vẫn còn đó những hy vọng
Những người trẻ tuổi Hàn Quốc tuyên bố rằng họ cảm thấy quá nhiều áp lực từ mọi phía và việc theo đuổi giấc mơ về một trường đại học danh tiếng và một công việc ổn định trở nên xa vời.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thanh niên Hàn Quốc nhìn thấy vẻ đẹp và hy vọng trong sự khốn cùng của cuộc sống nợ nần.
Hwang, người nhạc sĩ đã đề cập ở trên, vẫn không ngừng theo đuổi ước mơ của mình. Trong căn phòng rộng 3 mét vuông, anh ấy vẫn viết nhạc trên chiếc đàn Organ điện tử mà anh cất dưới gầm bàn để tiết kiệm diện tích.
Kế hoạch của Hwang sau khi trả hết nợ thẻ tín dụng là mua một chiếc đàn mới và một chiếc micro. Anh mong ước một ngày nào đó, những bài hát của mình sẽ đến với công chúng.
"Seoul là một thành phố có nhiều cơ hội, ngay cả khi bạn không sinh ra trong một gia đình giàu có hay sở hữu một tấm bằng đại học danh tiếng", anh nói.
"Cuộc sống có thể giống như "Trò chơi con mực" với rất ít người chiến thắng và rất nhiều người thua cuộc, nhưng ai dám nói tôi sẽ không phải là một trong những người may mắn?", Hwang chia sẻ.