Công nghệ in 3D làm đẹp cho… xác chết ở Trung Quốc

Trà Xanh

(Dân trí) - Một số nhà tang lễ ở Trung Quốc đang sử dụng phương pháp in 3D để khôi phục khuôn mặt bị hủy hoại của những người chết.

Công nghệ in 3D làm đẹp cho… xác chết ở Trung Quốc - 1
Zhang Lianchao, một nhân viên tại nhà tang lễ Tây An, giơ một chiếc mặt nạ in 3D

Trong năm đầu tiên Zhang Lianchao làm việc tại nhà tang lễ, anh đã nhìn thấy rất nhiều xác chết nhưng không có thi thể nào thê thảm giống như thi thể của một người phụ nữ đã rơi xuống từ một tòa nhà cao tầng - cô ấy hầu như không còn khuôn mặt nữa.

"Đầu của cô ấy có một vết thương hở. Khi gia đình đến, họ đã mang tất cả các mô nhặt được, bao gồm cả não trong một chiếc túi nhựa", Zhang kể.

Zhang cho biết anh và các đồng nghiệp của mình tại nhà tang lễ Tây An thường phải dành hơn 10 giờ để làm việc trên một cơ thể như thế vậy. Họ sẽ cố gắng thay thế các mô bị thiếu, lấp đầy những chỗ hở bằng bông để tạo ra cảm giác giống như một cơ thể nguyên vẹn. Sau đó, họ sẽ cẩn thận khâu da lại với nhau bằng chỉ đặc biệt.

"Đó là một công việc tinh tế vì da mặt khá mềm và nếu bạn kéo mạnh sợi chỉ, da sẽ bị rách", Zhang nói.

Việc mở quan tài trong tang lễ là rất phổ biến ở Trung Quốc, giúp gia đình và bạn bè có thể nhìn thấy người đã khuất lần cuối theo truyền thống. Điều này có nghĩa là các cơ thể phải được phục hồi càng giống lúc trước càng tốt.

Thế nhưng kể từ đầu năm nay, Zhang và các đồng nghiệp của mình đã được giới thiệu một công nghệ mang tính cách mạng với nghề nghiệp của họ - công nghệ in 3D.

Wang Yong, một chuyên gia khác tiết lộ nhà tang lễ Tây An đã bắt đầu nghiên cứu khả năng làm việc với công nghệ in 3D vào năm ngoái. Phương pháp mới này giúp vượt qua những hạn chế của phương pháp truyền thống, chẳng hạn như các trường hợp thiếu da.

Công nghệ in 3D làm đẹp cho… xác chết ở Trung Quốc - 2
Nhà xác truyền thống đang được thay thế bởi một số nhà tang lễ hiện đại

Thông thường, một người trang điểm cho xác chết thường phải làm việc từ 4 đến 6 giờ trên một cơ thể và thường phải đứng trong suốt thời gian đó. Đặc biệt, những cơ thể bị biến dạng do tai nạn, giết người và tự tử có thể là cơn ác mộng đối với người hành nghề.

"Đối với những thi thể chết do hỏa hoạn, tự tử, rơi từ độ cao, tai nạn ô tô, khuôn mặt của họ thường bị biến dạng và có vết thương hở. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã gặp ác mộng khi họ mới bắt đầu với nghề này.", Zhang cho biết.

Trước đó, một số nhà tang lễ ở Thượng Hải, Trung Quốc cũng đã sử dụng công nghệ in 3D này và phương pháp in 3D cũng được sử dụng trong y học, giúp in ra các bộ phận cơ thể phù hợp.

Kể từ đầu năm nay, nhà tang lễ Tây An đã phục hồi thành công khuôn mặt cho 12 khách hàng bằng công nghệ in 3D.

"Bằng cách này, ít nhất họ có thể nhìn thấy những người thân yêu của mình như trước đây và tốt hơn rất nhiều so với tình trạng khi qua đời.", Wang nói.

Zhang cho biết thủ tục tái tạo khuôn mặt rất đơn giản. Khi một thi thể đến nhà tang lễ, nhân viên sẽ cùng gia đình đánh giá tình trạng của thi thể và đưa ra phương án phục chế truyền thống hoặc in 3D.

Nếu gia đình chọn in 3D, nhân viên sẽ yêu cầu họ cung cấp một số bức ảnh của người đã khuất để quét vào máy tính và dựng mô hình 3D. Sau khi hoàn thành mô hình trong khoảng 2 giờ, nhân viên sẽ tham khảo ý kiến của gia đình và điều chỉnh nếu được yêu cầu.

Sau đó, nhân viên tạo mặt nạ 3D bằng cách sử dụng kết hợp nhựa thông, thạch cao, silicone - các bộ phận cơ thể khác cũng có thể được in nếu được yêu cầu.

Trong vòng một ngày, một "khuôn mặt" mới đã sẵn sàng để trao cho người đã khuất. Sau đó, đội ngũ nhân viên sẽ trang điểm, đội tóc giả, thay quần áo và trang trí cơ thể người chết bằng hoa.

"Tôi cảm thấy hài lòng sau khi phục vụ người đã khuất và làm cho họ trở nên xinh đẹp," Zhang nói. "Giờ đây với công nghệ in 3D, các thi thể trông đẹp hơn và điều này cũng giúp ích cho những người hành nghề và gia đình".