Bình Định:
Có nhà máy nước, dân vẫn phải mua từng can nước về dùng
(Dân trí) - Nhiều năm nay, cứ vào mùa nắng nóng, hàng ngàn hộ dân ở xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) phải chịu cảnh đi mua từng can nước về dùng. Lý do, nhà máy nước sạch ở địa phương này không đủ cung cấp nước, khiến người dân bức bối.
Nhà máy nước thiếu… nước?
Theo phản ánh của người dân xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở địa phương này kéo dài từ 2016 đến nay. Theo đó, cứ vào mùa nắng nóng thì người dân vùng khu Đông, chủ yếu là các thôn Lộc Hạ, Đông An, Nhơn Ân, Thuận Thái, không có nước để dùng; đặc biệt tình trạng thiếu nước nghiêm trọng nhất diễn ra tại thôn Lộc Hạ.
Trong khi đó, đường ống dẫn nước sạch được lắp đặt “hoành tráng” kéo đến tận từng hộ gia đình nhưng nước thì nhỏ giọt. Do vậy, để có nước dùng người dân phải dậy từ rất sớm, xếp hàng mua nước, thậm chí giành nhau mua từng can nước. Thiếu nước sinh hoạt, khiến cuộc sống người dân gặp muôn vàn khó khăn. Người dân phải dùng nước nhỏ giọt, đến nước tắm rửa cho trẻ em cũng phải tiết kiệm.
Ông Nguyễn Văn Liệu (53 tuổi, thôn Lộc Hạ), bức xúc: “Hơn cả tháng nay, mỗi ngày gia đình tôi phải dậy từ 3 - 4 giờ sáng để đi mua nước. Giá bán 1 can nước sạch 20 lít là 1.000 đồng có thể chấp nhận được, nhưng lo nhất là nhiều khi không có nước để mua. Gia đình tôi có 7 người, dùng tiết kiệm lắm cũng hết gần 200 lít nước/ngày, tháng tốn khoảng 300.000 đồng”.
Theo ông Liệu, tình trạng này xảy ra nhiều năm nay nhưng các cấp chính quyền vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để. “Trước đây, do người sử dụng nước máy ít nên nước còn đủ dùng nhưng gần đây người dân đăng ký sử dụng nước máy ngày càng tăng, trong khi đường ống thì nhỏ nên lượng nước bơm không đủ đáp ứng yêu cầu. Chỉ còn cách nâng công suất nhà máy nước và thay đường ống cấp nước lớn thì dân mới có đủ nước sinh hoạt”, ông Liệu kiến nghị.
Anh Nguyễn Văn Phát (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước), cho biết: “Bà con không có nước sinh hoạt, nước ăn cứ chở từng can từng can như thế này. Một buổi chở vài chục can nước cũng mất 20 - 30 ngàn đồng, tiền xăng một nửa, tiền nước một nửa”.
Bao giờ người dân hết lo “khát” nước
Ông Phạm Thế Khoa, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, cho rằng nguyên nhân chính là do nhà máy nước sạch xã Phước Thuận, xây dựng năm 2004, công suất 900 m3/ngày đêm, chỉ đủ cung cấp cho 2.500 hộ dân. Trong khi đó, hiện tại xã Phước Thuận có tới 3.845 hộ dân sử dụng nước sạch. Do vậy, vào mùa cao điểm nắng nóng, mạch nước ngầm xuống thấp, các giếng không đủ cung cấp cho nhà máy nước sạch xã Phước Thuận, dẫn đến đến tình trạng thiếu nước, nhất là khu vực dân cư ở điểm cuối đường ống dẫn nước.
“Khi xảy ra thiếu nước, nhiều hộ ở đầu nguồn lại đặt máy bơm điện, hút nước vào các bồn chứa để bán lại cho các hộ khác làm rối loạn hệ thống cung cấp nước. Ban Quản lý nước sạch và vệ sinh môi trường huyện Tuy Phước phối hợp với UBND xã Phước Thuận lập biên bản, xử phạt hành chính, buộc tháo dỡ máy bơm đối với 4 hộ có hành vi này thì bị người dân tập trung phản đối vì không có chỗ mua nước sạch để dùng”, ông Khoa cho hay.
Theo ông Nguyễn Thanh Hoàng, Trưởng ban Quản lý nước sạch và vệ sinh môi trường huyện Tuy Phước, những năm qua, đơn vị này đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước vào mùa nóng ở vùng cuối đường cấp nước của xã Phước Thuận.
Năm 2017, đơn vị đã lắp thêm đường ống nước bổ sung, lấy nước từ Nhà máy nước Phước Hiệp cung cấp cho người dân thôn Lộc Hạ (xã Phước Thuận). Tuy nhiên, sang năm 2018, vì nguồn nước ngầm tại 2 nhà máy trên thiếu hụt nên không đủ nước cấp đến xóm Lộc Đông (thôn Lộc Hạ).
“Trước mắt, Ban Quản lý nước sạch và vệ sinh môi trường huyện Tuy Phước sẽ điều tiết nước theo từng vùng, thực hiện cấp nước luân phiên cho từng xã, từng thôn để đảm bảo nước về được khắp các địa phương và thông báo giờ cấp nước cụ thể cho người dân.
Về lâu dài, chúng tôi đã đề nghị UBND huyện Tuy Phước lập dự án nâng công suất Nhà máy nước Phước Thuận từ 900 m3/ngày đêm lên 2.000 - 2.500 m3/ngày đêm. Đầu năm 2018, UBND huyện Tuy Phước đã bố trí 200 triệu để khảo sát, tìm nguồn nước để lập dự án nâng công suất nhà máy nước Phước Thuận”, ông Hoàng nói.
Doãn Công