Cô gái xinh đẹp bị chồng tạt xăng đốt và hành trình viết lại cuộc đời đầy nghị lực
(Dân trí) - Nhập viện trong tình trạng bỏng toàn thân, bác sỹ tiên lượng cô chỉ còn 1% cơ hội sống sót thế nhưng Nguyễn Thị Dung đã kiên cường chống lại bệnh tật, tự tay viết lại cuộc đời mình.
Trong căn nhà nhỏ ở xã Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội), Nguyễn Thị Dung (SN 1994) bận rộn nghe điện thoại khách đặt hàng online. Đôi tay cô liên tục chà gãi vào các vết sẹo bỏng chằng chịt khắp cơ thể. Với thương tật vĩnh viễn trên 80% sức khỏe, giờ đây bán hàng online là công việc kiếm sống duy nhất của Dung để nuôi hai cô con gái nhỏ.
Cách đây 3 năm, Dung bị chính chồng mình tạt xăng châm lửa đốt vào ngày mùng 2 Tết, do không chấp nhận đề nghị ly hôn của cô. Dung nhập viện trong tình trạng bỏng toàn thân, bác sỹ tiên lượng cô chỉ còn 1% cơ hội sống sót.
“Em hôn mê trên giường bệnh 17 ngày liên tiếp. Để có được hình hài như hiện tại, em phải trải qua hơn 16 cuộc phẫu thuật với nhiều đợt điều trị kéo dài, còn trước kia “thì nhìn kinh lắm”, Dung thổn thức kể.
Thời gian đầu, từ viện trở về nhà Dung không dám gặp ai, thường xuyên giam mình trong phòng và chỉ nghĩ đến cái chết để giải thoát.
Dù đã trải qua nhiều đợt phẫu thuật nhưng cho đến nay, bàn tay của Dung vẫn bị co quắp chưa thể cử động như bình thường.
“Em không dám soi mình trong gương, không dám mở mắt tỉnh dậy mỗi buổi sáng vì lại sợ đối diện với nỗi đau bệnh tật, với hình hài biến dạng và gánh nặng đè lên vai người mẹ già”, Dung nói.
Đau đớn nhất, là thời gian đầu, do bị biến dạng nặng sau vụ bỏng, hai cô con gái của Dung không chịu nhận mẹ. Mỗi lần nhìn thấy mẹ, hai bé lại khóc thét. “Em đau điếng như đứt từng khúc ruột mỗi lần nghe thấy con bảo: Không phải mẹ Dung, đây không phải mẹ Dung. Mỗi lần như thế, mẹ khóc, con cũng khóc. Phải mất gần một năm sau đó, hai bé mới dần chấp nhận hình hài mới của em.”, Dung bật khóc.
Hình ảnh xinh đẹp trước khi bị tẩm xăng đốt được Duyên đóng khung giữ lại làm kỷ niệm
Bức thư người chồng cũ gửi từ trại giam xin lỗi Dung và hai cô con gái
Hiện tại, sức khỏe của Dung đã dần hồi phục tuy nhiên đôi bàn tay của cô vẫn co quắp, chưa thể cầm nắm như người bình thường. Mũi của Dung hiện chỉ thở được 1 bên, còn 1 bên các bác sĩ thông nhưng chưa được, vì thế cô thường xuyên phải thở bằng mồm.
Dù chưa thể phục hồi hoàn toàn nhưng Dung đã có thể tự mình làm được các công việc nhẹ, chăm sóc cho hai cô gái nhỏ mà không phải nhờ đến sự trợ giúp của người mẹ già.
Hiện tại, Dung cho biết bản thân cô đã không còn hận thù nhưng vẫn chưa thể tha thứ cho người chồng cũ
Chưa thể quên được nỗi đau năm nào nhưng Dung cho biết bản thân cô đã bình tâm và không còn hận thù với người chồng cũ. Thỉnh thoảng ngày cuối tuần, Dung vẫn đưa hai cô con gái nhỏ về thăm ông bà nội.
Để nuôi hai con ăn học, Dung vào mạng bán hàng online. Một tuần 3 lần, Dung đi xe máy ra Hà Đông lấy hàng, giao cho khách. Dù đôi tay co rúm, chằng chịt vết sẹo, không thể gõ chữ, trả lời điện thoại được nhanh nhưng Dung bảo, cô may mắn vì gặp toàn khách hàng dễ tính, hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của mình nên chẳng bao giờ trách cứ. Công việc tuy thu nhập không nhiều nhưng theo Dung cũng đủ để ba bà cháu "rau cháo nuôi nhau”.
9x này trầm ngâm kể, cho đến giờ cô vẫn chưa dám một lần soi gương, nhìn vào diện mạo mới của mình. Giọng xúc động, Dung cho biết có lẽ việc lấy chồng sớm khi chưa tìm hiểu kĩ là sai lầm lớn nhất của cuộc đời.
Hàng ngày, công việc chính của Dung là bán hàng online
Đôi tay Dung co quắp không thể cử động được nhanh nên mỗi lần trả lời khách đặt hàng gặp nhiều khó khăn
Trải qua thảm kịch kinh hoàng nhưng Dung vẫn rất mạnh mẽ, cô bảo cô sẽ tự tay viết lại cuộc đời mình. Mong ước lớn nhất của cô là có sức khỏe, có một công việc ổn định để trang trải cuộc sống và lo cho tương lai của các con.
Cô con gái nhỏ của Dung đến giờ đã quen với vẻ bề ngoài của mẹ
Mẹ của Dung bà Phí Thị Duyên bị bệnh thoái hóa, không thể làm việc nặng, kinh tế gia đình càng trở nên eo hẹp. Thu nhập chính của gia đình chủ yếu trông vào trợ cấp tàn tật của Dung và tiền bán hàng online. Cô gái trẻ chia sẻ, đã làm đơn xin xét duyệt vào hộ cận nghèo, để hai cô con gái của Dung được giảm học phí khi đến trường. “Em mong chính quyền tạo điều kiện, giúp hai con gái của em có thể theo đuổi con chữ, mà không phải đứt gánh việc học giữa chừng”, Dung đưa đôi mắt buồn nhìn xa xăm nói.
Hà Trang