Cô gái gây tranh cãi vì "than" Việt Nam đắt đỏ, giá bữa ăn bằng cả ngày làm
(Dân trí) - Mới đây, một cô gái đăng tải bài viết, cho biết mình vừa về Việt Nam sau 2 năm sinh sống tại Hàn Quốc và rất bất ngờ vì chi phí ăn uống ở Việt Nam quá đắt đỏ, gọi 2-3 món hết 500.000 đồng.
Cô cho rằng tại Việt Nam, buffet (bữa ăn theo hình thức tự chọn, tự phục vụ) giá 200.000 đồng/người là khá tốn kém, bằng lương một ngày làm việc. Trong khi đó, ở Hàn Quốc giá buffet cùng lắm chỉ bằng 2-3 giờ làm việc.
Cô cũng nói thêm, với mức thu nhập tại Hàn Quốc, khi về Việt Nam tiêu tiền có thể thấy không thành vấn đề, nhưng với thu nhập trung bình tại Việt Nam thì giá cả ăn uống là quá cao. Người này còn cho biết bản thân cảm thấy "xót tiền", bởi ở Việt Nam cầm 1 triệu đồng vừa ra đường là "hết cái vèo".
Những chia sẻ của cô gái này gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Có ý kiến cho rằng cô gái đang so sánh khập khiễng, bởi giá cả ăn uống ở Việt Nam rất đa dạng, tùy thuộc vào địa điểm mỗi người chọn lựa.
"Mình sống và làm việc ở Việt Nam với mức lương 5 triệu đồng/tháng vẫn thoải mái, thỉnh thoảng còn đi ăn ở nhà hàng đấy thôi", một tài khoản để lại bình luận.
Một người khác bày tỏ: "Bạn đi ăn ở đâu mà 2-3 món hết 500.000 đồng, nếu là nhà hàng thì so sánh làm gì? Việt Nam còn rất nhiều hàng quán giá cả phải chăng. Mình đi ăn 2 người chỉ khoảng 200.000 đồng".
Nhiều người cho rằng mỗi người sẽ có cách tiêu xài khác nhau, song cách tiêu tiền của một người ở nước ngoài về Việt Nam chơi và một người sinh sống ở Việt Nam sẽ có sự khác biệt.
Trước sự phản đối của dân mạng, cô gái vẫn bảo vệ quan điểm của mình, đồng thời cho rằng không chỉ cô mà nhiều người khác cũng thường xuyên than vãn giá cả ở Việt Nam đắt đỏ. "Ở Việt Nam một ly trà sữa giá đã bằng 1-2 giờ làm rồi, đó là sự thật", cô gái phản pháo.
Không ít người cho rằng đất nước nào cũng sẽ có dịch vụ cao cấp và dịch vụ bình dân, để mỗi người có thể chọn lựa và sử dụng dịch vụ phù hợp với thu nhập, điều kiện của mình, nên không thể đánh đồng mọi thứ ở Việt Nam đều đắt đỏ.
"TPHCM và Hà Nội đắt là đúng, bởi đây là hai nơi có mật độ dân số cao. Còn ở các vùng quê, người có mức lương 10 triệu đồng/tháng đã có thể sống thoải mái rồi", một người nêu quan điểm.
Bên cạnh nhiều ý kiến phản đối, một số người cũng đồng tình với quan điểm của cô gái trên rằng giá cả hàng hóa, đồ ăn thức uống ở Việt Nam đang không ngừng tăng.
"Tuy nhiên, không phải ai ở Việt Nam cũng có thu nhập thấp, bên cạnh những người có thu nhập 5 triệu đồng hay 10 triệu đồng/tháng thì cũng có những người lương trên 50 triệu đồng/tháng. Nếu không hàng quán bán đắt cho ai dùng?", một người nêu quan điểm.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền cho rằng chuyện giá cả có đắt đỏ hay không còn tùy thuộc vào nhu cầu tiêu dùng của mỗi người. Riêng về chi phí ăn uống, chuyên gia Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh người tiêu dùng có thể kiểm soát được nếu giảm nhu cầu "xài sang".
"Nguồn cung hàng hóa, thực phẩm hết sức phong phú và đa dạng với nhiều mức giá cả, từ đó giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn khi mua hàng. Nếu nhu cầu sống của bạn cao thì bạn chọn những sản phẩm có giá thành cao, nếu nhu cầu thấp thì chọn mặt hàng bình dân", ông Điền nói.
Chuyên gia cũng nêu ví dụ, cùng là cà phê nhưng có nơi sẽ bán 100.000 đồng/ly và có nơi chỉ bán 10.000 đồng/ly. Lúc này, tùy vào nhu cầu và thu nhập mà bạn có thể chọn ly cà phê phù hợp cho mình.
"Thay vì chỉ chọn thực phẩm có giá thành cao, người tiêu dùng hoàn toàn có thể xen kẽ thêm các thực phẩm bình dân hơn để tiết kiệm chi phí", chuyên gia cho biết.