Chuyện về ngôi làng nói giọng Nam bộ giữa lòng xứ Quảng

(Dân trí) - Làng Nghi Sơn (xã Quế Hiệp, Quế Sơn, Quảng Nam) lọt thỏm giữa núi rừng miền Trung. Điều đặc biệt của ngôi làng là từ người nhỏ đến người già đa số đều có chung giọng miền Nam.

Làng “Nam bộ” giữa lòng xứ Quảng

Làng Nghi Sơn trước kia được gọi là làng Khe Môn thuộc vùng ven núi hòn tàu huyện Quế Sơn, ở độ cao trên 150m so với mực nước biển, diện tích tự nhiên 1.570 ha.

Cụ bà Đinh Thị Hồng, một trong những lớp người đi trước, người thuộc rất nhiều bài vè về làng mình
Cụ bà Đinh Thị Hồng, một trong những lớp người đi trước, người thuộc rất nhiều bài vè về làng mình

Từ thế kỷ XV, thời nhà Hồ, vùng đất này đã ghi nhận những cư dân đầu tiên từ Thanh - Nghệ di cư vào. Lớp lưu dân đầu tiên là những dân binh đến vùng đất này để khai cơ, lập nghiệp.

Lúc bấy giờ, đây là vùng đồi núi hoang vu, dân tộc người Cro, người Chăm sinh sống với nghề săn bắn. Khi đến khai hoang, gặp không ít khó khăn, nguy hiểm như thiên tai, thú dữ hay cuộc giành giật của các sắc tộc người bản địa.

Thôn văn hóa Nghi Sơn ngày nay
Thôn văn hóa Nghi Sơn ngày nay

Việc khai hoang mở đất ở các thung lũng, đồi núi gắn liền với tâm linh của vùng Khe Môn. Muôn thú dữ phá hoại, những nơi người ta lập động bẫy thú dữ tạo nên những hang động với nhiều tên gọi: Động Tào, Động Khuyển, Động Cối, Động Cau… Cuộc sống khó khăn, vất vả nơi rừng núi hoang dã nên con người cần đến các thế lực siêu nhiên giúp đỡ, những dấu tích về ông Ba Mươi, thần rừng, thần núi… vẫn còn hiển hiện đến ngày nay.

Đặc biệt hơn, làng Nghi Sơn còn được biết đến là nơi có chung một giọng miền Nam “đặc sệt”. Có thể thấy rõ ở giọng nói, thổ ngữ của người dân nơi đây khác xa so với những thôn khác trong xã Quế Hiệp. Mới nghe ai cũng dễ nhầm tưởng đây là bà con ở miền Nam của dân làng ở xa về thăm nhưng hỏi ra mới biết, thực chất đây là giọng của người dân địa phương từ bao đời nay. Nhiều người khách tò mò, chắc hẳn đây là do người dân di cư từ phương Nam đến đây, nhưng câu trả lời hoàn toàn trái ngược, họ là con cháu từ miền Bắc di cư vào.

Trưởng thôn trao đổi với PV

Lý giải về điều thắc mắc của chúng tôi, ông Đinh Hữu Hoàng (trưởng làng Nghi Sơn) cho biết: “Làng Nghi Sơn nằm ở địa thế có mạch nước cao nhất nên nguồn nước trong và thuần khiết hơn. Từ khi uống nước đó có thể ảnh hưởng đến phát âm và giọng nói của dân địa phương nơi đây. Ai đến đây cũng lầm tưởng chúng tôi gốc Sài Gòn, miền Nam nhưng thực chất tổ tiên chúng tôi từ Bắc di cư vào. Nhiều nơi ở Quảng Nam cũng có tổ tiên từ Bắc di cư vào nhưng thế hệ con cháu họ lại có giọng Quảng, trong khi đó từ già đến bé nơi này đều có giọng Nam “đặc sệt”.

Nơi an cư lạc nghiệp cho muôn đời sau

Trải qua gần 5 thế kỷ mở mang, phát triển dân cư đến đầu thế kỷ XX, làng Khe Môn (Nghi Sơn) cơ bản ổn định về đời sống. Cứ theo tục lệ “xưa làm nay bắt chước” các thế hệ con cháu nối tiếp, mở rộng nghề đan lát, mộc, nghề rèn, nuôi tằm dệt vải, nấu rượu… đời sống dần ổn định.

Ngày 16/6/1938, chính thức đổi từ làng Khe Môn sang Nghi Sơn với ý nghĩa dựa vào núi rừng, an cư lạc nghiệp. Sau đó bắt đầu họp bàn bầu chọn ra những người có đức có tài nắm giữ vị trí quan trọng. Dân làng vui mừng rước đoàn hát về mở hội vui chơi suốt 7 ngày, 7 đêm.

Đồng thời lập ra hương ước bảo vệ ruộng đồng, bảo vệ rừng Cấm Miếu. 23 tháng chạp hằng năm dân làng sẽ làm lễ vật tiến cống tới Miếu Ông, Miếu Bà cầu may mắn, an bình cho gia đạo.

Ban đầu chưa có trường lớp, dân làng mở lớp học tại nhà với hình thức người biết chữ dạy người chưa biết. Về sau xây dựng lớp học ở Nhà Mồ, một lớp học tại Gò Lương, một trường tại Xá Ngoài. Sau đó quy tụ về địa điểm trường tại Cây Bàng ngày nay.

Vấn đề y tế rất quan trọng, nơi đây không có cơ sở chữa bệnh nên mỗi khi dân làng đau ốm chủ yếu dựa vào thuốc nam, thầy lang chữa bệnh. Cuộc sống khó khăn, nhiều dịch bệnh xảy ra như dịch sởi, hạch, đậu mùa. Nên sau khi làng bản ổn định, phát triển vấn đề y tế rất được các cấp quan tâm chú trọng.

Kiến trúc nhà ở thời xưa chủ yếu là nhà rươi sau phát triển lên nhà gỗ rồi đến 100% hộ dân có nhà xây và mua sắm các thiết bị nghe nhìn để người dân yên tâm sinh sống.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đường liên thôn đã được bê tông hóa, khép kín các ngõ đất, hoàn thiện, củng cố cơ sở vật chất. Con em trong làng vẫn noi gương, học tập theo thế hệ cha ông đi trước, nhiều em đạt thành tích tốt trong học tập, học đến Đại học.

N.Linh-C.Bính