Chuyện chưa kể về những chiếc lồng chim treo ở Phủ Chủ tịch

(Dân trí) - Cách đây gần 40 năm, một gia đình trong làng Vác (xã Dân Hòa, Thanh Oai, Hà Nội) từng được ông Vũ Kỳ - thư ký của Bác Hồ đến thăm và đặt làm 30 chiếc lồng chim, đem về treo trong Phủ Chủ tịch. Những cảm xúc vinh dự và phấn khởi ngày ấy, cho đến nay vẫn được nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ lưu giữ vẹn nguyên.

Lời đề nghị từ cố thư ký của Bác Hồ

Người dân làng Vác ai cũng biết, gia đình ông Nguyễn Văn Nghệ có truyền thống làm nghề đan lồng chim đã ngót nghét 100 năm nay. Cha ông là nghệ nhân Nguyễn Văn Nghi, lúc sinh thời nổi tiếng khắp gần xa với nghệ danh Ba Mi cùng đôi bàn tay vàng và sự khéo léo không có ai sánh kịp.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ nổi tiếng ở làng Vác vì làm lồng chim rất đẹp và tinh xảo.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ nổi tiếng ở làng Vác vì làm lồng chim rất đẹp và tinh xảo.

“Tính đến nay, gia đình tôi đã có 4 đời gắn bó với nghề này. Ngày xưa, lồng làm ra chỉ bán cho người Pháp, cho những ai thật “sành” về chơi chim hoặc các gia đình khá giả ở miền Bắc. Bố tôi vẫn bảo, nghề này không bao giờ mất đi. Quả đúng là như vậy. Càng về sau, cuộc sống càng khấm khá lên thì nhu cầu cũng nhiều và mạnh hơn”, ông Nghệ cho hay.

Dành cả cuộc đời “xây nhà” cho chim, đã tự tay làm ra hàng trăm chiếc lồng tinh xảo và quý giá, nhưng đối với người nghệ nhân làng Vác, sẽ chẳng có ký ức nào mạnh mẽ và sống động hơn câu chuyện về 30 chiếc lồng chim treo ở khu Nhà sàn Phủ Chủ tịch.

Ông Nghệ nhớ lại, vào một ngày khoảng đầu những năm 80, có một người đàn ông đến thăm nhà và trò truyện với cụ Nghi (cha ông Nghệ) rất thân mật. Cha ông chỉ giới thiệu vỏn vẹn, đó là “chú Kỳ” và mời người này ở lại nhà ăn cơm trưa. Mãi về sau, ông Nghệ hỏi ra mới biết, đó là người thư ký trung thành và tận tụy của Bác Hồ.

Cả khoảng sân rộng ngổn ngang vật liệu làm lồng.
Cả khoảng sân rộng ngổn ngang vật liệu làm lồng.

Chỉ tay sang chiếc phản kế bên, ông Nghệ tiếp lời: “Hôm đó, chính trên chiếc phản này, ông Vũ Kỳ đã đề nghị nhà tôi làm 30 chiếc lồng cho Phủ Chủ tịch. Sau khi hỏi thăm rất kỹ về thời gian, nguyên liệu, chú tỏ ra khá hài lòng và hẹn ngày gặp lại hai bố con ở Hà Nội. Những ngày sau đó, cả nhà tôi ai cũng háo hức như mở hội”.

Cả gia đình có 5 anh em, nhưng 4 người đã đi bộ đội và làm công nhân đường sắt nên chỉ có ông Nghệ và cụ Nghi cùng nhau làm tất cả công đoạn chính. Người vót nan làm đáy, làm vanh (vành), người trang trí vanh và ráp lồng… Sau vài tháng, toàn bộ số lồng chim đã được hoàn thiện.

Những chiếc lồng có “một không hai”

Hồi tưởng về ngày “hộ tống” 30 chiếc lồng chim ra Phủ Chủ tịch, giọng ông Nghệ bỗng trở nên hân hoan: “Vừa ra đến nơi, tôi được mời vào nhà khách của Phủ. Chẳng mấy ai lại có vinh dự to lớn đến vậy. Căn phòng rất rộng, kê hai dãy bàn to, hai đầu hồi có tấm gương phủ kín, không khí thì trang nghiêm nhưng cũng ấm cúng. Hồi ấy, chim bồ câu còn được thả thành bầy xung quanh Phủ Chủ tịch”.

Ngày làm lồng chim treo ở Phủ Chủ tịch, cả gia đình ông Nghệ ai cũng háo hức.
Ngày làm lồng chim treo ở Phủ Chủ tịch, cả gia đình ông Nghệ ai cũng háo hức.

Ông Nghệ tiết lộ, nguyên liệu làm lồng được cha ông tuyển chọn rất kỹ lưỡng, hoàn toàn không mối mọt, dùng đến hàng chục năm cùng lắm chỉ xô lệch vài chiếc nan. Trong 30 chiếc lồng được làm theo lối cổ, có 2 chiếc đặc biệt, chỉ có bậc cao nhân nào sành sỏi, am hiểu thì may ra mới biết được giá trị của chúng.

Thêm nữa, toàn bộ số lồng được làm không cần dùng đến keo dính nhưng vô cùng chắc chắn, kéo mạnh cũng không bung. Ông Nghệ khẳng định, điều này là “vô tiền khoáng hậu”.

“Rất nhiều người đã tìm đến tôi và các nghệ nhân khác, bày tỏ ý nguyện sở hữu một chiếc lồng không dùng đến keo, dù giá cao mấy cũng chấp nhận nhưng chẳng ai có thể làm được. Cha tôi ngày xưa đã bỏ công ngồi khía từng khấc nhỏ xíu, đem gá vào nhau và thực hiện vài công đoạn tỉ mỉ nữa thì mới hoàn thành một chiếc lồng như vậy”.

Mỗi chi tiết đều được chạm trổ tỉ mỉ.
Mỗi chi tiết đều được chạm trổ tỉ mỉ.

Dường như, ông Nghệ thừa hưởng sự khéo léo và tài hoa của bố nên là người duy nhất của làng được phong nghệ nhân và cũng mang về rất nhiều giải thưởng. Trong đó có bộ 4 chiếc lồng giành giải ba tại triển lãm “Thiết kế mẫu và sản phẩm mây, tre 2011” do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) tổ chức.

Người nghệ nhân tài hoa cũng nhớ về ngày đất nước mới thống nhất, có một chàng trai từ Hà Nội về đặt ông làm chiếc lồng chim khá cầu kỳ. Thông thường, hàng đặt sẽ phải làm kỹ hơn, mất thời gian hơn và giá thành cũng đội thêm gấp nhiều lần. Cầm trên tay chiếc lồng đẹp, chàng trai tỏ ra vô cùng phấn khích, cám ơn rối rít và lên đường quay về nhà.

Thế nhưng chỉ vài hôm sau, người này đã quay trở lại và đặt tiếp chiếc lồng thứ hai, thứ ba,… rồi dần trở thành khách quen của làng Vác. Mãi về sau, chàng trai mới kể, mỗi chiếc lồng do ông Nghệ làm ra, anh ta lại mang vào Sài Gòn đổi lấy xe Cup cũ, chẳng mấy chốc mà đã sở hữu cả một cửa hàng.

Ông Nghệ nâng niu từng tác phẩm của mình.
Ông Nghệ nâng niu từng tác phẩm của mình.

“Khách hàng thường ưa chuộng lồng chim ở đây bởi sự tinh xảo từ nan lồng, cửa lồng đến phần trang trí, chạm trổ với độ tỉ mỉ, chính xác cao. Vậy nên, lồng chim làng Vác luôn có đặc trưng riêng mà ít cơ sở sản xuất nào có thể sánh được”, ông Nghệ tự hào nói.

Hoàng Ngọc