Chuyện chưa biết về luyện tập diễu binh

Để chuẩn bị cho Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, từ mấy tháng nay, hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trong toàn quân đã trải qua điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng tới 40 độ, tích cực tham gia luyện tập với tinh thần khẩn trương và nghiêm túc. Tất cả đều nỗ lực, nỗ lực hết mình mừng hướng đến ngày Tết Độc lập của dân tộc.

Tập đi nghiêm 200m, diễu hành 5km và đứng nghiêm 3,5 giờ

Mới hơn 6 giờ sáng, tại Trung tâm Huấn luyện Miếu Môn, các khối tham gia hợp luyện đội hình đã chỉnh tề.

Sau khẩu lệnh của chỉ huy, trong nền nhạc hùng tráng, hơn 50 khối diễu binh của các đơn vị lần lượt diễu qua. Các khối diễu binh, diễu hành, hàng ngang, hàng dọc thẳng tắp như những dòng kẻ, đội hình khối diễu binh như được cố định vào nhau để chuyển động. Những bàn chân đồng loạt vung cao rồi dập mạnh trên nền đường băng, tạo nên âm thanh mạnh mẽ, quân dung của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) tươi tắn hướng lên lễ đài.

Theo yêu cầu, riêng lực lượng quân đội tham gia vào các khối diễu binh, diễu hành lần này là khoảng hơn 1,4 vạn người (toàn bộ lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành khoảng hơn 3 vạn người). Trong 75 khối diễu binh, diễu hành, có 51 khối đi, còn lại là các khối đứng.


Khối sĩ quan Phòng không - Không quân tập diễu binh

Khối sĩ quan Phòng không - Không quân tập diễu binh

Các CBCS tham gia khối đi phải tập luyện để bảo đảm đi nghiêm được từ 200m trở lên, diễu hành được khoảng 5km. Các khối đứng, luyện tập bảo đảm đứng nghiêm được từ 3,5 giờ trở lên.

Quá trình luyện tập, lực lượng diễu binh phải bảo đảm theo đúng Điều lệnh đội ngũ quân đội. Độ dài mỗi bước chân trong quá trình đi hành tiến trong diễu binh, diễu hành sẽ là 75cm (tính từ gót chân nọ đến gót chân kia).

Khi đi nghiêm qua lễ đài, đầu gối các chiến sĩ thẳng, bàn chân vung lên thẳng hướng tiến, song song với mặt đất và cách mặt đất khoảng 30cm, cánh tay đánh ra trước, khuỷu tay gập lại và nâng lên, cánh tay trên tạo với thân người một góc 80o, cánh tay dưới tạo thành đường thăng bằng, song song với mặt đất, cách thân người 20cm, nắm tay úp xuống, mép dưới nắm tay cao ngang mép trên túi áo ngực (của sĩ quan) cao ngang cúc áo thứ hai từ trên xuống (đối với hạ sĩ quan và binh sĩ nữ).

Tay sau đánh thẳng hết cỡ ra phía sau, lòng bàn tay hướng vào trong (cả tay và chân đánh có độ dừng). Cứ thế chân nọ, tay kia nhịp nhàng hành tiến theo nhịp nhạc hành khúc, mặt của các chiến sĩ hướng lên lễ đài một góc 45o để chào. Tốc độ hành tiến vào khoảng 105 bước/phút, tức là khoảng 4,8km/h.

Gặp chúng tôi sau vòng hợp luyện thứ nhất, lau nhanh mồ hồi chảy dòng dòng trên khuôn mặt, Đại úy Nguyễn Văn Chung, khối trưởng khối chiến sĩ Đặc công phấn khởi nói: “Anh em trong khối chiến sĩ Đặc công rất vui khi lần hợp luyện vừa rồi được đánh giá thuộc tốp đầu có thành tích tốt, được Ban tổ chức biểu dương. Chúng tôi sẽ cố gắng luyện tập thật tốt để giữ vững thành tích đó, đồng thời quan trọng hơn để đến ngày Tết Độc lập, chúng tôi thể hiện hình ảnh những chiến sĩ “đặc biệt tinh nhuệ” trước nhân dân”.

Vượt hơn một nghìn cây số từ Tây Nguyên ra Hà Nội, Binh nhất Y Tham ByA, chiến sĩ Lữ đoàn 198 (Binh chủng Đặc công) không giấu nổi niềm tự hào khi được tham gia diễu binh, diễu hành phục vụ Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

“Đây là một là một vinh dự lớn trong đời quân ngũ của tôi. Ngay sau khi được đơn vị tuyển chọn vào đội hình khối chiến sĩ Đặc công, tôi và đồng đội luôn cố gắng tập luyện để đạt được kết quả cao nhất. Thú thực với các anh, thời gian đầu, do chưa quen với điều kiện tập luyện, cùng với thời tiết quá nắng nóng, nên cũng có một số đồng chí mệt mỏi, có dấu hiệu say nắng, say nóng.

Được sự quan tâm động viên kịp của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, chúng tôi đã nỗ lực vượt lên chính mình. Càng ngày, sức khỏe của anh em trong khối càng tốt hơn, đáp ứng cơ bản các yêu cầu về tập luyện. Đã gần đến ngày chính thức diễn ra lễ kỷ niệm, chúng tôi lại càng háo hức và cố gắng động viên nhau tập luyện thật nghiêm túc, tập trung cao độ để có động tác chuẩn mực, góp phần vào sự thành công của buổi lễ…”. Binh nhất Y Tham ByA nói với chúng tôi.

Những người ở phía sau hàng quân

Các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành phải luyện tập trong điều kiện thời tiết nắng nóng, với cường độ cao nên công tác chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và các lực lượng tham gia được Ban tổ chức đặc biệt quan tâm.

Để bảo đảm sức khỏe cho các lực lượng, Tổng cục Hậu cần đã phối hợp với Cục Tài chính và các cơ quan chức năng, tham mưu với Tiểu ban Tổ chức diễu binh, diễu hành bảo đảm mức tiền ăn cho các lực lực lượng từ 150.000-200.000 nghìn đồng/người/ngày.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hải, Cục trưởng Cục Quân nhu (Tổng cục Hậu cần), thì trên cơ sở tiêu chuẩn, mức tiền ăn quy định, Tổng cục Hậu cần đã chỉ đạo cơ quan hậu cần các đơn vị tổ chức bếp ăn riêng, căn cứ giá cả từng khu vực, địa bàn đóng quân, khẩu vị của từng vùng miền để xây dựng thực đơn ăn theo tuần, cơ cấu bữa ăn hợp lý, định lượng cân đối.

Ngoài các bữa ăn chính, tổ chức thêm các bữa ăn phụ giữa buổi tập. Định kỳ lấy ý kiến của người ăn để điều chỉnh thực đơn cho phù hợp, để bộ đội ăn ngon, ăn hết tiêu chuẩn. Đặc biệt, phải bảo đảm đầy đủ nhu cầu nước uống hằng ngày ở vị trí luyện tập, nhà ở cũng như nhà ăn, phục vụ tốt nhu cầu bộ đội.

Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hải, tại các địa điểm ăn ở tập trung của bộ đội trong quá trình luyện tập, Tổng cục Hậu cần chỉ đạo các đơn vị tổ chức tạo nguồn, tiếp phẩm tập trung, lựa chọn lương thực thực phẩm chất lượng tốt, giá trị dinh dưỡng cao phù hợp với mức tiền ăn. Nâng cao kỹ thuật chế biến các món ăn tại bếp, bảo đảm đa dạng các món trong ngày.

Trong thời gian các khối tập trung tại khu vực luyện tập và hợp luyện theo cụm, Tổng cục Hậu cần chỉ đạo các đơn vị điều hòa các sản phẩm tăng gia sản xuất của các đơn vị lân cận để bảo đảm chất lượng, sức khỏe cho bộ đội.

Chuyện chưa biết về luyện tập diễu binh - 2

Lực lượng nuôi quân cũng được lựa chọn chu đáo, bao gồm các đồng chí có năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm cao, kinh nghiệm và sức khỏe tốt để biên chế vào lực lượng phục vụ. Nhà ăn, nhà bếp được củng cố, sửa chữa, các loại trang thiết bị, dụng cụ cấp dưỡng được bảo đảm đầy đủ, đồng bộ.

Được biết, với hơn 200 chủng loại quân trang, trang phục cho lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành, Tổng cục Hậu cần đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, lựa chọn vật liệu, thiết kế, tổ chức đo may, sản xuất kịp thời cho các lực lượng.

Các loại quân trang, trang phục đều có kiểu dáng, màu sắc, mỹ thuật hợp lý, thể hiện nét chính quy, hiện đại, kế thừa nét truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ. Đặc biệt, chất liệu các loại vải phù hợp với điều kiện thời tiết và cường độ luyện tập của bộ đội.

Cục Quân nhu phối hợp với các doanh nghiệp quân đội tổ chức lấy cỡ số từng người để sản xuất, cấp phát kịp thời cho bộ đội theo đúng tiến trình, kế hoạch đã xác định.

Việc chuẩn bị vũ khí trang bị cho các khối cũng đã được Bộ Quốc phòng tiến hành chặt chẽ. Các khối như đặc nhiệm, cảnh sát biển, đặc công v.v... được trang bị loại súng tiểu liên AM-15 do Việt Nam sản xuất.

Trong lễ kỷ niệm sẽ có 25 khẩu pháo tham gia bắn 21 loạt, mỗi loạt 5 quả đạn trên nền nhạc Quốc ca. Việc bắn pháo lễ sẽ do Lữ đoàn Pháo binh Tất Thắng đảm nhiệm. Hiện nay khối bắn pháo lễ đã tổ chức luyện tập chu đáo. Động tác, kỹ thuật bắn pháo bộ đội đã thành thục.

Binh chủng cũng đã khảo sát đường cơ động, bảo đảm cho các bộ phận cơ động tham gia dự lễ kỷ niệm đúng thời gian quy định.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan chức năng, bảo đảm buổi lễ mừng 70 năm Quốc khánh sẽ diễn ra trang trọng, ấn tượng, thể hiện tinh thần bất khuất của dân tộc và thể hiện sức mạnh hùng tráng của LLVT Việt Nam.

Theo Thái Hà - Tiến Đạt

Năng lượng Mới