Chim hót bằng cánh

Một loài chim sống ở khu rừng nhiệt đới Ecuador cất tiếng ca thu hút bạn tình bằng cách bắt cách đập cánh vào nhau ở đằng sau lưng.

Thông thường, chim và các loài động vật có xương sống khác thường tán tỉnh bằng cách thổi không khí để tạo ra âm thanh. Nhưng loài chim manakin (Machaeropterus deliciosus) là loài đầu tiên được biết đến sử dụng công cụ cơ học để tạo ra bản tình ca.

"Đây là điều chưa từng có trong thế giới động vật xương sống", Kimberly Bostwick tại Đại học Cornell, New York, Mỹ, nhận định. Biện pháp này thường phổ biến ở các loài côn trùng như dế.

Chỉ có con manakin đực là được phát hiện tạo ra âm thanh kiểu này. Các bài hát của chúng bao gồm những tiếng lách cách sắc nét kéo theo nốt nhạc giống violin kéo dài. Năm 1871, Charles Darwin đã từng viết về những âm thanh kỳ lạ của manakin. Ông cũng nói rằng những con chim đực có những cọng lông với một đầu rất dày.

Chim hót bằng cánh - 1

Các cọng lông chim trên cánh.

130 năm sau, Bostwick và cộng sự Richard Prum tại Đại học Connecticut đã tìm ra rằng những con manakin đực sử dụng các cọng lông dày để hót. Với camera kỹ thuật số tốc độ cao, họ tìm thấy con chim đập đầu cánh vào nhau đằng sau lưng với tần số 106 hz (106 lần/giây).

Đó là sự chuyển động nhanh nhất được biết tới ở động vật xương sống. Nó nhanh hơn cử động đuôi với tần số 90 hz của rắn chuông, hay cử động cánh 80 hz của chim ruồi.

Nhưng tốc độ đó vẫn chưa đủ nhanh để lý giải cho tần số âm thanh 1.500 hz của chim manakin, gấp 15 lần sự dao động cánh. Các nhà khoa học đã lý giải sự chênh lệch đó là do một trong những cọng lông cánh của chim có 7 mấu và những cọng lông khác đều cong để có thể cọ lên nó. Vì vậy cứ mỗi nhịp vỗ cánh (106 hz), lông chim lại cọ lên 7 rãnh lúc vào và 7 rãnh lúc ra, tạo nên tần số âm thanh là 1.500 hz.

Theo M.T. 
Vnexpress/Nature