Chàng trai viết liễn Tết nối nghiệp 3 đời của gia đình gốc Hoa
(Dân trí) - Lương Triều Minh, 33 tuổi, viết liễn cho những người gốc Hoa ở Sài Gòn đón xuân đã 18 năm nay. Anh đã tiếp nối nghề truyền thống 3 đời của gia đình.
Từ đầu tháng Chạp, cửa tiệm nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5, của Triều Minh tấp nập người ra vào thuê viết liễn. Giữa khu Chợ Lớn bày bán đủ loại vật dụng trang trí Tết bắt mắt và cả những câu liễn in sẵn nên tiệm của Triều Minh thu hút nhiều khách hàng.
Là một tờ giấy đỏ viết những câu đối, câu chúc, bức liễn thể hiện mong ước của từng gia đình trong năm mới. Đôi liễn đỏ viết chữ Hán với những ý nghĩa như: Mua may bán đắt, Khai trương hồng phát, Hợp gia bình an, Nghinh xuân đón Tết... báo hiệu một cái Tết đang về.
Nghề 3 đời
Gia đình Triều Minh từ Trung Quốc đến sinh sống và làm ăn ở Sài Gòn từ những năm 1925. Khi mới sang, ông nội Minh làm nghề bán vịt quay, heo quay. Vốn có tài viết chữ đẹp, ông bắt đầu nhận viết liễn xuân dịp Tết phục vụ những người gốc Hoa sống chủ yếu ở khu Chợ Lớn (quận 5, quận 6, quận 11).
Công việc này được tiếp nối đến đời cha của Triều Minh. Từ nhỏ, Minh đã quen với việc giúp cha chuẩn bị giấy mực, hong khô những bức liễn sau khi viết để giao cho khách.
"Mỗi lần nhìn ba viết mình thấy thích và chăm chú để ý từng nét chữ nên từ nhỏ đã tập viết chữ Hán. Khi 15 tuổi, mình đã có thể ra hành nghề", Minh nói.
Lớn lên, Minh học ngành Hoa văn rồi trở thành một thầy giáo dạy viết thư pháp online. Mỗi độ xuân về, Minh lại thuê mặt bằng ở khu chợ Lớn, bày giấy mực tiếp nối nghề truyền thống của gia đình.
Triều Minh còn nhớ, khi mới vào nghề, anh thường viết phục vụ cho những khách hàng mới. Với những khách quen, họ thích "xin chữ" từ cha của anh hơn.
"Người Hoa quan niệm, hễ ai viết liễn mà gia chủ làm ăn thuận lợi, công việc như ý thì sẽ đến nhờ người đó viết hoài", Minh chia sẻ.
Thuở đó, những bức liễn được viết bằng mực đen truyền thống trên nền một tờ giấy đỏ. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, giấy đỏ được in các họa tiết, hoa văn, khung bo trông đẹp mắt hơn. Khách hàng cũng ưa chuộng loại mực nhũ vàng hơn vì trông rất bắt mắt, màu sắc hợp với không khí Tết và thể hiện sự may mắn.
Ngoài chữ Hán, những câu đối, câu chúc bằng tiếng Việt được viết theo kiểu thư pháp cũng được khách hàng thuê viết.
Liễn thường có nhiều kích thước khác nhau, có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng một bức.
Liễn hình chữ nhật, kích thước lớn thường được treo ở cửa, phòng khách. Với những câu như: Năm mới đại cát, Nghinh xuân đón phúc, Năm mới bình an… Đó không chỉ là mong ước của gia chủ, mà còn thay một lời chúc đến với những vị khách đến thăm nhà mình dịp Tết.
Ngoài ra còn có liễn hình vuông treo ở thùng gạo, két sắt thường với câu: Trăm ngàn lượng vàng, Tiền vô như nước để mong của cải, tài sản nhà mình tăng thêm trong năm mới.
Càng đến cận Tết, khi nhiều người dọn dẹp xong nhà cửa và bắt đầu trang trí thì công việc của Minh lại càng tất bật. Ngồi từ sáng đến tối, mỗi ngày Minh tiếp hàng chục vị khách, viết được hàng trăm bức liễn.
Tuy khách đông ra vào tấp nập, vui vẻ trao đổi với khách hàng nhưng hễ cầm bút lông, Minh lại rất bình thản, cẩn trọng trong từng nét chữ. "Người viết liễn ngoài chữ đẹp ra thì cũng cần phải có tính kiên nhẫn và kiên trì vì chữ Hán rất khó học, khó viết", Minh chia sẻ.
"Không có liễn là không có Tết"
Chiều 3/1, anh Huỳnh Gia Tuấn đưa người thân của mình đến khu Chợ Lớn sắm Tết và không quên ghé tiệm của Minh để viết liễn. Là một người gốc Hoa sống ở quận 5, anh Tuấn cho biết việc treo liễn đã trở thành truyền thống của gia đình mình từ nhiều đời nay.
Là khách quen của Minh đã hơn chục năm nay, anh Tuấn chia sẻ sở dĩ gia đình gắn bó với tiệm của Minh là vì: "Ở đây có điểm khác biệt là tùy vào từng năm, từng tuổi của khách hàng mà người viết có thể gợi ý những câu chúc phù hợp, nên treo liễn ở hướng nào trong nhà để năm mới được thuận lợi".
Cũng là khách quen của Minh, anh Trần Quốc An ở quận 3 cảm thấy rất vui, háo hức vì được đến đây để viết liễn. Với Quốc An, liễn là truyền thống, là nét văn hóa của người Hoa.
Năm ngoái, An đã viết một lần và rất ưng ý nên năm nay giới thiệu bạn bè đến đây. Nhìn lại một năm vừa qua, An thấy những điều mình mong cầu thông qua câu liễn Minh viết đều đem lại sự tốt đẹp, bền vững nên năm nay quay lại tiệm của Minh. Với anh, cuộc sống thường ngày không có gì quan trọng bằng hai chữ "bình an" nên năm nay đã thuê viết câu: "Hiệp gia bình an" để treo trong nhà dịp Tết.
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, ở khu Chợ Lớn dịp Tết năm nay có khoảng 6 điểm viết liễn. Những người làm nghề này chủ yếu đã lớn tuổi, duy chỉ có Minh - là một người trẻ đang theo đuổi nghề này.
Vì thế, những khách hàng như anh Tuấn, anh An cảm thấy rất vui mừng khi thấy một người trẻ mong muốn giữ nghề truyền thống. Vì nếu không có những người như Minh, thế hệ người trẻ sau này sẽ không nơi nào để đi "xin chữ".
Họ sợ rằng mỗi dịp Tết về chỉ còn có thể đi mua những bức liễn viết sẵn ở chợ mà không còn có được cảm giác háo hức nghĩ ra một câu cầu mong, gửi gắm hết vào người viết để được một bức liễn ưng ý, có hồn.
"Với tôi, được làm công việc mình yêu thích đồng thời tiếp nối nghề của cha ông gần đã có gần 1 thế kỷ là điều rất tự hào và mong muốn được truyền tiếp cho thế hệ con cháu mình mai sau. Vì có liễn treo trước nhà thì Tết của người Hoa mới đủ đầy, sinh động", Minh chia sẻ.