Câu chuyện đằng sau bức thư đắt nhất lịch sử
(Dân trí) - Bạn có biết bức thư đắt nhất lịch sử thế giới có giá bán đến 6 triệu USD và nó có liên quan đến giải Nobel Sinh học và Y khoa năm 1962.
63 năm về trước, hai nhà khoa học trẻ là Francis Crick và James Watson đã làm nên một cuộc cách mạng trong lịch sử ngành sinh học nói riêng và khoa học thế giới nói chung bằng việc khám phá ra cấu trúc của phân tử ADN.
Một câu chuyện khá thú vị nữa xoay quanh phát kiến vĩ đại này là trước khi công bố nghiên cứu của mình, Francis Crick đã viết một bức thư gửi cho cậu con trai khi ấy mới 12 tuổi tên là Michael để giải thích về cấu trúc ADN mà ông cùng cộng sự vừa tìm ra.
Crick có lẽ cũng không thể ngờ được rằng chính bức thư này sau đó đã đi vào lịch sử với ngôi vị bức thư đắt nhất thế giới khi được một đại gia giấu tên mua với số tiền khổng lồ lên đến 6 triệu USD trong một phiên đấu giá ở thành phố New York.
Một nửa số tiền đấu giá của bức thư này đã thuộc về anh Michael - con của nhà khoa học Francis Crick đồng thời cũng là chủ nhân bức thư. 3 triệu USD còn lại được dùng để phục vụ cho các công trình nghiên cứu về lĩnh vực sinh học tại viện nghiên cứu Salk- nơi mà Francis Crick đã làm việc cho tới khi qua đời năm 2004 ở tuổi 88.
Bức thư 6 triệu USD bắt đầu bằng câu: “Michael yêu quý của bố, Jim Watson và bố cuối cùng cũng đã hoàn thành nghiên cứu quan trọng nhất” và trong suốt bức thư, nhà khoa học này đã tốn đến 7 trang giấy để giải thích cho cậu con trai mới 12 tuổi của mình về cấu trúc ADN xoắn kép mà sau này đã giúp ông cùng cộng sự Jim Watson đạt giải Nobel năm 1962.
Được biết những kỷ vật của nhà khoa học Francis Crick gắn liền với công trình nghiên cứu về ADN của ông như tượng vàng Nobel, giấy chứng nhận giải Nobel hay chiếc áo blouse trắng mà ông đã mặc cũng sẽ được đem bán đấu giá và 20% số tiền sẽ được dùng để phục vụ cho hoạt động của Viện nghiên cứu mang tên ông tại London.
Gia đình của nhà khoa học Francis Crick chia sẻ: “Chúng tôi hi vọng những món kỷ vật này sẽ được người mua chúng trưng bày công khai để công chúng có thể phần nào biết thêm về cuộc đời nghiên cứu của Francis Crick”.
Minh Nhật
Theo most-expensive