Cao điểm nắng nóng: Chiêu "vẽ bệnh" kiếm tiền triệu của thợ sửa điều hòa
(Dân trí) - Cùng một chiếc điều hòa nhưng mỗi người thợ đến lại phán một "bệnh" khác nhau. Cuối cùng gia chủ đã chọn người thợ thứ 3 vì đưa ra mức giá thấp nhất và "lỗi" cần xử lý nhẹ nhất.
Cùng một điều hòa, mỗi thợ phán một "bệnh" khác nhau
Buổi sáng sau khi thức giấc, việc đầu tiên chị Trần Vân Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nghĩ đến là tìm thợ sửa điều hòa. Thời tiết những ngày qua nắng nóng gay gắt, nhiệt độ nhiều lúc lên tới trên 40 độ C khiến chị phải bật điều hòa liên tục.
"Các cháu ở quê lên chơi, con tôi không đi học hè. Nắng nóng các cháu không thể ra ngoài hay xuống sân chơi nên chỉ biết ở trong nhà bật điều hòa gần như cả ngày.
Tuy nhiên tối hôm trước, không hiểu vì lý do gì, máy điều hòa nhà tôi làm mát kém, dàn lạnh bị chảy nước. Chúng tôi đã thử tắt đi cho máy nghỉ rồi bật lại tới 2-3 lần mà không được", chị Vân Anh chia sẻ.
Sau khi kiểm tra, thợ sửa điều hòa thông báo, điều hòa nhà chị Vân Anh bị hỏng dàn lạnh. Chi phí sửa, thay bo mạch hết gần 2 triệu đồng.
Người này còn nói với chị Vân Anh, hỏng dàn lạnh thì coi như bỏ cả dàn máy. Thấy chi phí sửa quá cao, chị Vân Anh ngỏ ý bán lại chiếc điều hòa để thêm tiền mua máy mới thì được thông báo "giá mua lại chỉ bằng giá sắt vụn".
Chồng chị Vân Anh tiếc chiếc điều hòa vừa mua được hơn 2 năm nên không bán, cũng không sửa với giá 2 triệu đồng mà gọi đến một cơ sở khác với hy vọng tìm được thợ giỏi hơn.
Sau khi chờ đợi 2 ngày vì cơ sở quá đông khách, người thợ mới cũng đến và kiểm tra dàn lạnh, dàn nóng cho gia đình chị.
"Sau khi kiểm tra, anh thợ này cho biết, dàn lạnh bị chảy nước không phải do bị hỏng mà do lâu ngày không vệ sinh. Vì dàn nhiều bụi bẩn, tắc ống thoát nước nên hơi lạnh không thoát ra ngoài hết mà đọng nước chảy xuống", chị Vân Anh cho hay. Người thợ sau đó vệ sinh điều hòa giúp chị Vân Anh và lấy công 250.000 đồng.
Một độc giả của Dân trí chia sẻ rằng, khi điều hòa của gia đình gặp trục trặc, anh phải gọi 3 lần thợ mới tìm được người sửa ưng ý.
"Người thợ thứ nhất nói điều hòa hết gas, phải bơm gas, chi phí là 1 triệu đồng. Người thợ thứ hai báo máy hỏng tụ thay hết 700.000 đồng. Người thứ ba báo điều hòa bẩn, cần vệ sinh hết 250.000 đồng. Tôi đã chọn người thứ ba và điều hòa sau đó chạy mát lạnh", vị độc giả chia sẻ.
Vào những ngày hè nắng nóng, điều hòa của nhiều gia đình thường phát sinh các vấn đề hỏng hóc, làm mát kém… Nhu cầu sửa chữa tăng cao khiến nhiều thợ sửa điều hòa phải hoạt động hết công suất, thậm chí làm việc xuyên trưa, xuyên đêm. Thời tiết nắng nóng khiến công việc của họ càng thêm nặng nhọc.
Bên cạnh những thợ sửa có tâm thì có một bộ phận thợ sửa điều hòa thường tìm cách trục lợi, "móc túi" người tiêu dùng.
"Đa số các gia đình đều không hiểu gì về máy tính, điều hòa, điện thoại hay máy giặt... Khi có trục trặc ai cũng phải gọi thợ và họ bảo gì thì biết vậy rồi trả tiền sửa. Vì vậy, đúng sai, đắt rẻ đều tùy thuộc vào cái tâm của người thợ", chị Vũ Anh Thư (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nói.
Một số người cũng cho rằng, điều họ bức xúc là nhiều thợ sửa điều hòa không thành thật, máy hỏng lỗi này lại báo lỗi kia để thu thêm tiền với chi phí cao. "Tiền đi lại, công sửa tôi tính riêng và trả cao không liên quan đến phụ tùng, thiết bị phải thay thế. Tuy nhiên, điều ức chế là điều hòa có khi chỉ hết gas, bụi bẩn thậm chí hết pin điều khiển... nhưng thợ sửa cũng vẽ ra đủ bệnh để trục lợi, kiếm tiền. Đến khi biết sự thật thì tôi cảm thấy mình như bị lừa", một bà nội trợ ở Hà Nội nói.
Chiêu "vẽ bệnh" của thợ sửa điều hòa và điều cần lưu ý
Anh Vũ Minh Cương, thợ sửa điều hòa có 10 năm kinh nghiệm ở Hà Nội chia sẻ, đôi khi máy điều hòa bị chuột cắn dây nhưng thợ sửa sẽ "vẽ thêm" các lỗi khác để lấy thêm tiền.
Ngoài ra, nhiều thợ sẽ báo thiếu gas để vặt tiền khách hàng trong khi thực tế, nếu máy được lắp đặt chuẩn thì gas không bị hao hụt cho đến hết tuổi thọ của máy (khoảng 15-20 năm). Việc thiếu gas thực sự có quy trình khắc phục phức tạp chứ không chỉ khắc phục đơn thuần bằng việc bơm gas.
Cháy tụ, hỏng cảm biến… cũng là một "chiêu" dễ qua mặt khách hàng được nhiều thợ áp dụng khi sửa điều hòa. Thợ thường báo cháy tụ để thay tụ mới với giá cao. Các thiết bị này mua mới chỉ 20.000-30.000 đồng nhưng có khi thợ thu của khách cả triệu đồng.
Điều hòa làm mát kém có thể do lâu ngày không được vệ sinh hoặc do vị trí lắp đặt cục nóng. Nhiều chung cư chỉ có 1 ban công nhưng lắp chen chúc 2-3 cục nóng. Nếu cục nóng lắp đặt ở hướng Tây thì vào những ngày nắng nóng cũng dễ ảnh hưởng đến khả năng làm mát.
Ngoài ra, theo anh Cương, nhiều khi "vấn đề" của việc "mát kém" nằm ở điều khiển nhưng vì người tiêu dùng không biết nên cũng dễ bị mất tiền oan.
"Điều khiển đặt sai chế độ hoặc bị rơi, lỗi khiến chức năng hoạt động không đúng. Đáng lẽ chỉ cần thay pin hoặc thay điều khiển mới giá khoảng 100.000 - 150.000 đồng, thợ lại báo hỏng mạch hoặc báo các lỗi khác để lấy thêm tiền", anh Cương nói.
Cũng theo anh Cương, điều hòa có thể gặp lỗi ở bo mạch, tụ, main… Ở mỗi chi tiết, thợ điều hòa có thể "vẽ ra" các lỗi mà nếu không có kiến thức về điện lạnh, người tiêu dùng không thể biết được.
Giá cả sửa chữa, thay mới phụ thuộc vào từng loại máy có gắn biến đổi áp inverter (công nghệ biến tần) hay không inverter.
Về tình trạng dàn lạnh chảy nước khiến nhiều gia đình lo lắng tưởng phải "thay máy mới", GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Lạnh và Điều hòa Không khí Việt Nam cho hay, việc chảy nước ở dàn lạnh không liên quan gì đến rò rỉ gas lạnh và bo mạch.
Nguyên nhân chỉ là do ống thoát nước ngưng bị tắc do bẩn hoặc do côn trùng như gián, thạch sùng… chui vào. Một khả năng khác là do dàn lạnh bị lệch, nước ngưng ở máng không chảy được vào ống thoát nên tràn ra ngoài.
Nếu thợ điều hòa không có tâm, sẽ lạm dụng việc sửa chữa, thay bo mạch để lấy tiền cao thay vì chỉ cần vệ sinh máy.
GS Nguyễn Đức Lợi cũng cho biết, để không mất tiền oan, người tiêu dùng nên trang bị những kiến thức cơ bản bằng cách tìm đọc tài liệu hoặc mua cuốn sách có kiến thức cơ bản về điện lạnh, điều hòa để tìm hiểu thêm.
Trong quá trình làm việc với thợ sửa, hãy trao đổi với họ về kiến thức của mình để thợ biết chủ nhà cũng có những hiểu biết nhất định về máy điều hòa mà không dễ dàng qua mặt.
Các gia đình nên bảo dưỡng máy định kỳ. Cách bảo dưỡng an tâm nhất là gọi dịch vụ chuyên nghiệp của các đơn vị uy tín. Trường hợp tự bảo dưỡng ở nhà có thể thực hiện đơn giản bằng cách xịt dung dịch nước rửa bát pha loãng với nước vào dàn nóng, để 5-10 phút sau đó xịt sạch bằng bình xịt có áp lực nước cao để bụi bẩn cuốn trôi đi.
Theo GS Lợi, khí hậu Việt Nam nóng ẩm nên việc đề phòng côn trùng chui vào máy cũng rất quan trọng. Nhiều trường hợp máy hỏng chỉ là do chuột chui vào cắn đứt dây điện, gián hoặc thạch sùng bò vào bo mạch bị điện giật chết làm đoản mạch, chỉ cần gỡ xác côn trùng ra, sấy lại mạch là máy lại hoạt động bình thường.
Theo anh Vũ Minh Cương, các gia đình nên vệ sinh dàn lạnh, lưới lọc không khí của điều hòa của những nhà gần đường, khu vực nhiều bụi. Đối với lỗi "thiếu gas", người tiêu dùng có thể tự kiểm tra bằng cách sờ tay lên mặt dàn ống đồng của dàn nóng, nếu thấy nóng đều là đủ gas. Nếu không tiếp cận được dàn nóng có thể kiểm tra dàn lạnh, nếu thấy dàn lạnh đều là đủ gas.
Ngoài ra, khi bảo dưỡng, sửa chữa điều hòa, chủ nhà nên yêu cầu thợ sửa cam kết bảo hành các thiết bị cho mình. Ngoài ra, cũng nên yêu cầu người thợ ghi lại các chi tiết trong quá trình bảo dưỡng để có thể chủ động theo dõi hiệu suất của máy xem máy có được bảo dưỡng đầy đủ hay không.