Căn nhà giả cổ "ngốn" tiền tỷ của lão nông làng miến Cự Đà
(Dân trí) - Tọa lạc tại ngôi làng cổ, căn nhà năm gian được thiết kế theo phong cách nhà cổ truyền thống, pha lẫn chút hiện đại của lão nông Vũ Văn Tuấn (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) khiến ai nấy đều ngỡ ngàng.
Bị nói là "dở hơi" khi chi tiền tỷ xây nhà năm gian
Vài năm trở lại đây, thay vì chi tiền tỷ xây biệt thự đắt tiền, lão nông làng miến lại có thú chơi nhà giả cổ truyền thống với kiến trúc hoa văn tinh tế, cầu kỳ nhưng không kém phần hiện đại.
Chia sẻ về ý tưởng xây dựng ngôi nhà, ông Tuấn cho hay, ông sinh ra và lớn lên tại ngôi làng cổ của miền Bắc. Nhận thấy những nếp nhà cổ rất ấm áp và đẹp nên khi trưởng thành, ông quyết tâm xây dựng cho riêng mình một ngôi nhà năm gian theo phong cách nhà cổ truyền thống.
Từ khi bắt đầu có ý tưởng cho đến khi hoàn tất ngôi nhà, ông Tuấn phải mất khoảng thời gian 25 năm. Năm 1992, nghỉ chế độ 176 ông Tuấn bắt tay vào làm kinh tế, ông nhận thêm đất ruộng canh tác, mở dịch vụ xay xát, nấu rượu, rồi mở trang trại chăn nuôi, kết hợp trồng cây ăn quả.
Sau một thời gian, có được số vốn cơ bản ông Tuấn bắt đầu đi các nơi tìm hiểu và nghiên cứu những kiến thức văn hóa về nhà cổ. Đi hết 7 tỉnh thành và tham quan 30 nếp nhà cổ khác nhau, mỗi chuyến đi ông Tuấn đều chụp và ghi lại những cái hay, cái mới cho ngôi nhà của mình.
"Tôi luôn tự hào vì được sinh ra trong một ngôi làng cổ, vì vậy, tôi luôn ước mong sẽ xây cho mình một ngôi nhà theo phong cách cổ xưa để lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có của địa phương", ông Tuấn nói.
Thời điểm bắt đầu xây dựng ngôi nhà năm gian, nhiều người cười và nói ông Tuấn "dở hơi" bỏ tiền tỷ xây căn nhà giả cổ trong khi rất nhiều gia đình đang dỡ nhà cổ để xây nhà cao tầng kiên cố.
Không từ bỏ, ông Tuấn vẫn tiến hành thi công ngôi nhà nhưng ông làm theo phong cách tân tiến hơn để tiện lợi cho cuộc sống đô thị hiện nay. Ngôi nhà được xây hoàn toàn bằng gỗ mít lâu năm, các hoa văn được chạm khắc tinh tế bởi những người thợ có tay nghề lâu năm, chỉ tính riêng tiền công đã lên tới hàng tỷ đồng.
Chủ căn nhà chia sẻ: "Ngôi nhà là đam mê, là niềm tự hào mà tôi đã ấp ủ bao lâu nay nên tôi nghĩ không chơi thì thôi, đã chơi là phải chơi đến cùng và phải thật độc đáo để không ai chê cười".
Để có được ngôi nhà cổ như hiện nay, ông Tuấn bỏ công đi tìm thợ có tay nghề lâu năm và cẩn thận tìm hiểu từng loại gỗ. Ông Tuấn nói, gỗ xoan và gỗ mít rất thích hợp để xây nhà cổ truyền thống. Tuy không nằm trong hạng mục gỗ quý nhưng rất khó tìm bởi làm nhà bằng gỗ mít rất tốt, một phần không bị mối mọt mà gỗ mít còn dân dã và thân thiện với con người.
Tuy nhiên, để kiếm được những cây mít to lấy lõi thì không phải dễ, nhất là những cây làm cột chính. Khó khăn trong khâu tìm gỗ, ông Tuấn tận dụng quen biết nhờ những người thợ chuyên về gỗ ở các tỉnh như Phú Thọ, Yên Bái, Đắk Lắk... giúp ông tìm mua.
Toàn bộ hoa văn, tranh gỗ trong ngôi nhà năm gian này, đều mang những ý nghĩa khác nhau. Ví dụ như bức chạm của bộ cửa, được chủ ngôi nhà cho thợ đục hóa để phù hợp với nhu cầu sử dụng hiện tại. Theo ông Tuấn, lý do ông không khắc hình long ly quy phượng bởi ông được biết chỉ những nơi thờ cúng hoặc đền chùa người ta mới chọn bộ tứ linh này.
Chính vì thế, từng chi tiết trong ngôi nhà được ông Tuấn tìm hiểu cẩn thận. Chỉ tay vào bộ tứ linh ông Tuấn cho hay, bộ bức tranh cây cúc hóa long, cây mai hóa ly, từng chi tiết đều mang đậm nét đặc trưng từ thời Lý được chạm khắc cách điệu bay bổng và tỉ mỉ. Thoáng nhìn, người không am hiểu sẽ nghĩ là con rồng nhưng thực chất nó lại là cây cúc. Hay bức tứ quý: Xuân, hạ, thu, đông, tích văn chương cầu hiền, mây cuốn phong thư, bầu rượu túi thơ... cũng được ông bố trí rất hài hòa, đẹp mắt quanh ba gian giữa của ngôi nhà.
"Từ khi làm xong ngôi nhà tôi tự hào và phấn khởi lắm, ai đến cũng khen ngợi. Với tôi, công trình này là cả tâm huyết và sự cố gắng của tuổi trẻ để nối tiếp nét văn hóa cổ xưa và cũng là "tác phẩm" để lại cho con cháu thế hệ sau", chủ nhân ngôi nhà tâm tình.