Cần lưu ý những gì khi chuẩn bị mâm cúng giao thừa?

(Dân trí) - Cúng Giao thừa là nghi lễ không thể thiếu của người Việt mỗi dịp Tết đến Xuân về. Tùy điều kiện của mỗi gia đình và các yếu tố vùng miền, vào đúng khoảnh khắc giao thừa, các gia đình đều bày lên những mâm cỗ đã chuẩn bị sẵn.


Lễ cúng đêm Giao thừa hay còn gọi là lễ “trừ tịch” được thực hiện với ý nghĩa tiễn đưa những điều xui xẻo của năm cũ để đón điều tốt đẹp trong năm mới. Lễ thường được tiến hành vào giờ chính Tý, tức đúng 12 giờ đêm hôm 30 tháng Chạp.

Người Việt tin rằng, mỗi một năm có các vị thần Hành binh, Hành khiển, Phán quan cai quản hạ giới khác nhau. Cứ hết một năm, vị Hành khiển cũ đã cai quản hạ giới trong năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị Hành khiển mới đi xuống cai quản hạ giới trong năm mới. Lễ Giao thừa trong dân gian có thể hiểu như là buổi tiệc để “tống cựu nghinh tân”, tiễn đưa những vị thần năm cũ và nghinh đón những vị thần mới. Đây chính là một tập tục đẹp thể hiện sự tri ân báo đức, cũng như bày tỏ lòng mong ước được bình an, hạnh phúc và ấm no.

Lễ cúng đêm Giao thừa có ý nghĩa tiễn đưa những điều xui xẻo của năm cũ để đón điều tốt đẹp.
Lễ cúng đêm Giao thừa có ý nghĩa tiễn đưa những điều xui xẻo của năm cũ để đón điều tốt đẹp.

Tùy mỗi miền, mâm cỗ cúng đêm Giao thừa cũng có sự khác nhau. Với người miền Bắc, mâm cỗ cúng Giao thừa khá đầy đủ và phong phú các món ăn. Đặc biệt, gà luộc là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ mặn.

Ở miền Nam, mâm cỗ Giao thừa đơn giản hơn với đĩa ngũ quả, hoa vạn thọ, hai cây nến, lư hương, giấy tiền vàng bạc và một trái dừa tươi đã chặt sẵn. Nếu đầy đủ và đúng thì mâm lễ mặn phải có thủ lợn luộc, gà trống luộc, xôi, bánh chưng, chè. Đặc biệt kèm thêm bắp cải thảo… tất cả được bày lên bàn trang trọng đặt ở trước cửa nhà.

Mâm cúng trong nhà bao gồm các món ăn mặn được chế biến tinh khiết, trang nghiêm. Cỗ mặn bao gồmánh chưng, giò chả, xôi gấc, thịt gà, các món ăn mặn khác tùy theo nhu cầu của gia đình. Cỗ ngọt và chay gồm: hương, hoa, đèn nến, bánh kẹo, mứt Tết,…

Mâm cúng trong nhà không thể thiếu các món ăn truyền thống.
Mâm cúng trong nhà không thể thiếu các món ăn truyền thống.

Mâm cúng ngoài trời đơn giản hơn. Trên chiếc hương án có bình hương, hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật gồm: chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã.

Trên mâm cúng vào đêm giao thừa hoặc mâm cúng ngày mùng Một, dân gian sẽ chuẩn bị 1 con gà sống hoa, tức con gà đang đến độ trưởng thành. Phải lưu ý, đặc biệt không được dùng gà sống thiến.

Lý giải điều này, T.S Đinh Đức Tiến, khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: “Khi thờ cúng tổ tiên, người ta luôn cầu mong chữ “phúc”, tức sự duy trì nòi giống của gia tộc, dòng họ. Từ quan niệm đó, người ta chọn gà sống hoa- loài vật có khả năng sinh sản để bày lên mâm cúng giao thừa”.

“Bên cạnh đó, gà là loài chuyên gáy báo thức vào buổi sáng, nó như một biểu tượng để gọi mặt trời thức dậy, làm bừng sáng lên ánh dương, dương khí. Chính vì lẽ đó, cúng gà sống hoa như một cách để cầu tính dương, tức yếu tố sinh khí đi vào trong nhà”.

Khi bày gà lên mâm cúng, người ta thường không chặt ra mà cố giữ nguyên các bộ phận của gà: ruột, mề, tiết,… và đặc biệt là hai hòn ngọc. “Gà nên được đặt theo hình dáng đang vươn cánh lên và ngậm trong miệng một bông hoa hồng”, T.S Đinh Đức Tiến cho biết thêm.

Ngoài ra, mâm cơm cúng phải có đủ các món xào, món canh,… Tất cả những món ăn có trong đời sống đều có thể được dùng để đưa lên mâm cơm giao thừa cúng tổ tiên. Những món ăn này không cần quá cầu kỳ, nhưng nhất thiết phải sạch và chỉ cần một chút để bày cho đẹp.

Đặc biệt, đã là đồ cúng mặn, không được phép để lên trên bàn thờ mà chỉ để ở mâm phía dưới, thấp hơn so với bàn thờ chính.

T.S Đinh Đức Tiến nhắc nhở: “Đây là điều tối quan trọng, nhưng vẫn có nhiều người không để ý. Trên bàn thờ chính chỉ để hương, hoa, quả, oản,…những gì tinh khiết, thanh tịnh nhất. Từ xa xưa, người ta vẫn coi bàn thờ là nơi liên quan đến thần linh, tức thuộc về thế giới thiêng liêng. Chính vì lẽ đó, không được để đồ ăn của người trần tục, có dính mắm muối, thịt,… làm ảnh hưởng đến sự linh thiêng đó”.

Hoàng Ngọc