Cả làng là... nghệ sỹ

Ở những ngôi làng đó, hầu như thanh niên nào lớn lên cũng biết chơi ít nhất một nhạc cụ.

Một trong những nhóm “văn công” gồm các thanh niên Bana biểu diễn “miễn phí” ở đám cưới tại làng Kon Hnglẽ (xã Hà Tây, Chư Păh, Gia Lai) - Ảnh: Linh Trang
Một trong những nhóm “văn công” gồm các thanh niên Bana biểu diễn “miễn phí” ở đám cưới tại làng Kon Hnglẽ (xã Hà Tây, Chư Păh, Gia Lai) - Ảnh: Linh Trang

Ở những ngôi làng đó, hầu như thanh niên nào lớn lên cũng biết chơi ít nhất một nhạc cụ. Ngày lễ ăn lúa mới, những cô gái tuổi 16-17 kết tay thành vòng tròn trong điệu xoang như bất tận. Những thanh niên Bana vốn thường ngày trên nương rẫy bỗng hóa thành nghệ sỹ khi ôm đàn ca hát...

Đám cưới… âm nhạc

Tây Nguyên đang giữa mùa “ăn năm uống tháng”. Chúng tôi tìm vào làng Kon Mãh (xã Hà Tây, Chư Păh) thì gặp đám cưới của Y Nguyệt và A Mưng. Đám cưới đã bước sang ngày thứ hai nhưng tiệc vẫn chưa có dấu hiệu tàn. Trên “sân khấu”, những nhạc công mặt đỏ bừng hơi men vẫn miệt mài chơi nhạc. Anh Thưuh, thanh niên làng Kon Măl ghé vào tai chúng tôi nói lớn: “nhóm nhạc đó không phải thuê đâu, toàn thanh niên trong làng cả đó, loa đài, trống, đàn cũng tự góp tiền mua cả”.

Thưuh vừa dứt lời thì một “MC” Bana “cây nhà lá vườn” bước ra từ “cánh gà” giới thiệu đầy tự tin bằng tiếng Bana: “Kính thưa quý vị và sau đây chúng tôi xin được giới thiệu đến quý vị và bà con buôn làng một nam ca sỹ đến từ làng Kon Hnglẽ, ca sỹ này sẽ dành tặng cho cô dâu, chú rể một ca khúc mang tựa đề...”. MC rút vào, tiếng nhạc vang lên, bốn nhạc công trên sân khấu chúi đầu vào bộ trống, ghi-ta điện rồi lắc lư theo điệu nhạc. Những thanh niên vốn quen với núi đồi nương rẫy, cày cuốc bỗng di chuyển nhuần nhuyễn trên bộ bass, hết sức chuyên nghiệp. Chứng kiến cảnh nhóm thanh niên Bana chơi nhạc, một cán bộ từ TP Pleiku vào xã Hà Tây đã thốt lên: “Tài hoa quá! Ít ai có thể ngờ…”.

Anh Y Xô, làng Kon Măl cho biết, đám cưới nào của người Bana tại xã Hà Tây cũng đều có các nhóm nhạc hát từ ngày này qua ngày khác. Các nhóm nhạc này tự tập hợp, góp tiền mua sắm nhạc cụ, tranh thủ ngoài giờ lên rẫy, tập dượt với nhau rồi chờ cơ hội… được mời biểu diễn miễn phí. “Họ chỉ cần được hát, được uống rượu và vui chứ không đòi hỏi gì”, Y Xô nói.

Những “đoàn nghệ thuật làng”

Bí thư đoàn xã Hà Tây Thưuh dẫn chúng tôi đến các nhà rông của 9 ngôi làng ở xã Hà Tây để “khoe” phong trào văn nghệ của xã. Trong khi nhà rông bê tông cốt thép đang mọc lên khắp nơi thì ở một xã cách trung tâm TP Pleiku khoảng 30 km vẫn còn những ngôi nhà rông nguyên bản, mái lợp tranh cong vút như những lưỡi rìu khổng lồ chém vào không gian vô tận. Trong những ngôi nhà rông ấy, dụng cụ nhiều nhất được tập kết không phải là ghè rượu hay những dụng cụ như thường thấy mà lại chính là… loa đài, đàn tơrưng, trống da trâu, trang phục truyền thống... Thưuh cho biết, ở xã Hà Tây, ca hát được coi như niềm hãnh diện của từng làng, làng nào có dàn nhạc, loa to hơn thì làng đó được các làng khác nể trọng. “Người dân ở đây sống đơn giản lắm, không quan trọng chuyện nhà cửa, giàu có mà chỉ miễn sao vui vẻ thôi. Mỗi năm, một làng có một ngày lễ chung, ngày đó các làng tập trung lại cùng uống rượu, múa xoang rồi biểu diễn văn nghệ, hát ngày này qua đến ngày khác khi nào tàn rượu cần thì thôi”, Thưuh nói.

Giữ lại linh hồn làng

Vài năm gần đây, trong khi nhà rông ở các nơi bị thương lái dụ dỗ, trả giá để mua các cột gỗ lớn thì người Bana ở xã Hà Tây đã tổ chức thành các đội bảo vệ nhà rông. “Thương lái tìm đến gạ cho mỗi nhà một xe tay ga, xây một cái nhà rông mới cho làng sinh hoạt. Đổi lại làng đồng ý cho họ lấy mấy cột gỗ trắc của nhà rông nhưng dân làng mình không ai chịu, tất cả đều đồng lòng giữ nhà rông lại với làng”, Biên, Chủ tịch xã Hà Tây nói. Ngoài nhà Rông, nhiều già làng cũng đứng ra huy động người dân quyên góp tiền, tổ chức cả làng đi mua cồng chiêng về sử dụng.

Ở các làng như Kon Măl, Kon Sơ Lăl, Kon Hghlẽ… hầu như gia đình nào cũng có ít nhất một nhạc cụ. Con trai không biết hát thì chơi đàn giỏi, con gái không biết dệt vải thì giỏi múa xoang. Người dân ở các làng này “nghệ sỹ” đến nỗi thiếu âm nhạc là người làng buồn không chịu được.

Anh Hào, cán bộ xã Hà Tây kể: “Buổi đầu tiên về xã nhận nhiệm vụ, khi nhậu ở làng với Thưuh thấy nó ngồi im cả buổi, mình nghĩ cũng bình thường. Đến khi có người ôm đàn, Thưuh cất tiếng hát. Trời ơi… sởn cả gai ốc. Không tin nổi lại có người tài hoa đến thế. Mà thanh niên ở xã Hà Tây đều vậy cả…”. Anh Hào kể, sống ở Hà Tây nhiều năm, anh còn bất ngờ về những “tài lẻ” khác của thanh niên, người làng nơi đây: “Có lần dàn nhạc phục vụ ở nhà rông hư hỏng, mình thấy mấy đứa thanh niên bê về. Không biết làm cách gì mà mấy hôm sau thấy loa đập rầm rầm, amply nhấp nháy như mới”.

Ở xã Hà Tây, ngoài phong trào chơi nhạc của thanh niên, nhiều người lớn tuổi cũng biết chơi đàn goong, làm đàn tơrưng nước. Ông Pel, từng là nghệ nhân chơi đàn goong nổi tiếng và chế tác đàn tơrưng nước, được đoàn làm phim Đất nước đứng lên về tận làng mời đi chế tác nhạc cụ phục vụ các cảnh quay. Những nhạc cụ của Pel được đưa vào bảo tàng dân tộc, các khu du lịch để trưng bày, phục vụ khách tham quan. Năm 2013, nghệ nhân Pel qua đời, nhưng tiếng đàn goong của ông được hàng chục già làng ở xã Hà Tây kế tục. Già làng Yiu, làng Kon Hnglẽ nói: “Làng mình hồi xưa ở tít trong rừng, con heo về ăn lúa, ăn bắp, nhiều lắm nên người ta nghĩ ra cây đàn nước đặt ở đầu suối. Người làng thấy âm thanh hay nên làm nhạc cụ, còn cái đàn tơrưng bằng ống lồ ô, đàn goong thì ai cũng biết đánh vì cái đó là cha ông để lại rồi”.

“Nghệ sỹ” Biên, Chủ tịch HĐND xã Hà Tây với các bức tranh anh vẽ - Ảnh: Linh Trang
“Nghệ sỹ” Biên, Chủ tịch HĐND xã Hà Tây với các bức tranh anh vẽ - Ảnh: Linh Trang

Gặp “họa sỹ” làng

Chủ nhật cuối tuần, Biên, làng Kon Sơ Lăl rủ chúng tôi vào làng uống rượu. Nếu lần đầu gặp anh Biên, thật khó hình dung đây là Chủ tịch HĐND xã và là một… “nghệ sỹ lớn” ở xã Hà Tây: Đàn hay, uống rượu không biết say, thích vẽ tranh, đẽo tượng đẹp. Anh Biên còn biết… sáng tác nhạc, nhiều bài hát đã được xã phổ biến thành “xã ca”. Anh cán bộ xã người Bana này còn lén vợ bán cả vườn bời lời để ra thành phố sắm máy ảnh có chức năng quay phim, về kéo thanh niên trong làng đóng khố truyền thống dựng clip, giới thiệu làng mình lên mạng internet.

Anh Biên cho hay, biết vẽ từ khi còn làm cán bộ đoàn. Hồi đó vừa học hết lớp 12, khi sinh hoạt đoàn, Biên thường đi đến vẽ họa tiết trang trí trên cột, kèo nhà rông. Thấy Biên vẽ đẹp quá, lại rất “Bana” nên cán bộ huyện mời về làm chân cán bộ xã, phụ trách vẽ trích lục bản đồ, địa giới hành chính xã. Biên có đủ thứ tài lẻ, tính tình lại hiền lành, đàn hay...

Biên khoe với chúng tôi bộ sưu tập tranh anh vẽ treo kín trong nhà. Những bức tranh vẽ bằng sơn trên vải được Biên đóng khung cẩn thận. Tất cả tranh đều chỉ có duy nhất một chủ đề: Linh hồn làng. “Mỗi khi đặt bút xuống, mình chỉ nghĩ đến những ngôi làng Bana, nơi mình sinh ra và lớn lên. Nơi đó bình yên, có mái nhà rông che chở, có cô gái Bana dệt vải bên hiên nhà, chàng trai Bana khỏe mạnh cầm vông lên rừng săn thú…”. Đầu năm 2014, Biên còn làm cả xã Hà Tây bất ngờ khi đứng ra mua rượu “trả công” cho đám thanh niên trong làng để các “diễn viên” này tập dượt đóng phim về ngôi làng mình… Rồi đi tìm gỗ về đục đẽo đủ thứ hình hài trang trí nhà mình. “Người Bana mình là thế, thích ngao du và uống rượu. Máu nghệ sỹ lúc nào cũng sẵn có trong người. Sống đơn giản như cây cỏ giữa núi rừng. Có những người cả đời làm rẫy, không biết nốt nhạc là gì mà vẫn… sáng tác được cả chục bài hát. Bài nào nghe cũng hay”, Biên cười.

Theo Báo Giao thông