Ba năm dạy khiêu vũ miễn phí cho người khiếm thị
(Dân trí) - Đều đặn vào thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần, lớp học khiêu vũ miễn phí của anh Tô Văn Hòa lại kết nối những người khiếm thị đến đây để cùng nắm tay nhau và nhún nhảy theo giai điệu trầm bổng của âm nhạc.
Yêu thích khiêu vũ và thể thao từ nhỏ, anh Tô Văn Hòa đến với bộ môn này từ năm 2003 khi mới 19 tuổi. Càng luyện tập, anh càng tỏ ra yêu thích và thấy nó phù hợp với mình. Cũng chính từ đây, những bước nhảy đã đưa anh đến với lớp học của những người khiếm thị, như một mối lương duyên đã được sắp đặt.
Nhận lời mời của Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn (gọi tắt là Trung tâm REACH), anh Hòa trở thành giảng viên của Câu lạc bộ khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội.
Gắn bó với họ từ những bước nhảy chập chững đầu tiên, anh Hòa chia sẻ: "Học nhảy đối với người bình thường đã khó, đối với người khiếm thị, việc này còn khó gấp trăm ngàn lần. Khi mới vào giảng dạy những người khiếm thị, tôi gặp không ít khó khăn, việc định hình về không gian đối với họ gần như không có, tôi phải dẫn dắt từng người cho quen với môi trường lớp học, những buổi dạy đầu tiên khiến tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi".
Kể từ năm 2018 đến nay, anh Hòa coi lớp khiêu vũ dành cho người mù tại Hội người mù quận Đống Đa như một niềm đam mê cháy bỏng. Anh chia sẻ: "Tôi đã dạy miễn phí gần 3 năm nay, tôi sẽ cố gắng hết sức để đem nhiệt huyết của mình truyền lại cho những người bất hạnh đã mất đi nguồn sáng của cuộc đời, giúp họ có thể tự tin và lạc quan bước tiếp trên quãng đời còn lại của mình".
Đều đặn vào thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần tại căn phòng chỉ vỏn vẹn hơn 60m2 tại tầng 2 của Hội người mù quận Đống Đa, anh Hòa vẫn miệt mài chỉ dạy cho những học viên khiếm thị. Anh thừa nhận rằng, việc giảng dạy có ảnh hưởng một chút tới kinh tế và cuộc sống của bản thân nhưng anh luôn coi đó là sứ mệnh, là động lực giúp anh tận tình và nhiệt huyết trong những giờ dạy của mình.
Những bước nhảy xóa nhòa khoảng cách
Lớp nhảy dành cho những người khiếm thị tại Hội người mù quận Đống Đa là nơi mọi người đến với nhau từ những xuất phát điểm rất khác biệt. Có người đang còn là học sinh, có người đã từng là doanh nhân thành đạt,…
Tuy nhiên, khi tiếng nhạc vang lên, họ đan tay vào nhau, cùng nhau hòa vào những bước nhảy, du dương theo từng nhịp nhạc. Những nụ cười nở trên môi khi được trải nghiệm một bộ môn thể thao độc đáo mà chưa bao giờ họ nghĩ rằng mình sẽ làm được trong đời.
Anh Hòa chia sẻ: "Vừa dạy học tôi vừa kể chuyện để truyền động lực cho những học viên, gần 3 năm qua tôi cùng học viên đi qua nhiều kỷ niệm vui buồn lẫn lộn. Có những hôm trời rét thấu xương, có hôm lại nắng nóng toát mồ hôi do lớp không có điều hòa.
Học viên di chuyển đến lớp bằng những phương tiện khác nhau nên thường giờ học không được bắt đầu đúng theo kế hoạch. Tuy nhiên, trong mỗi giờ dạy, những niềm vui, tiếng cười, những bước nhảy tràn đầy sự quyết tâm như một liều thuốc tinh thần giúp cả lớp ngày càng nỗ lực tập luyện".
Từng là một doanh nhân thành công, nhưng một biến cố lớn trong cuộc đời đã lấy đi của anh Thế Anh đôi mắt, anh chia sẻ: "Cuộc sống không thể nói trước được điều gì, tôi đã có tất cả nhưng cũng đã mất đi tất cả khi trở thành người khiếm thị, tôi sẽ coi đây như gia đình thứ hai của tôi, là một phần giúp tôi tìm lại những gì đã mất trong cuộc đời của mình".
Sau hơn 3 năm miệt mài luyện tập, ngày 4/4 vừa qua, các học viên của lớp khiêu vũ đã có cơ hội thể hiện bản thân mình thông qua cuộc thi "Bước nhảy xóa nhòa khoảng cách" - cuộc thi khiêu vũ dành riêng cho người khiếm thị.
Hướng đến tương lai
Không chỉ đơn thuần là một lớp nhảy dành cho người khiếm thị, anh Tô Văn Hòa cùng các học viên đã và đang nỗ lực luyện tập với mong muốn rằng một ngày nào đó, khiêu vũ sẽ trở thành một môn thể thao chính thức trong Para Games(Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật).
Chị Hà, Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa chia sẻ: "Hiện tại, chúng tôi đang tích cực tập luyện, trong quá trình đó sẽ chọn ra những cá nhân có triển vọng để chọn vào đội tuyển dự thi các cuộc thi khiêu vũ dành cho người khiếm thị.
Tôi, thầy Hòa và các học viên cũng đã đề xuất ý kiến đưa khiêu vũ trở thành môn thể thao chính thức dành cho người khiếm thị trong các giải đấu thể thao trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để nguyện vọng trở thành hiện thực thì ngoài sự đồng thuận, chúng tôi sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thành quả tập luyện được ghi nhận".
Chị Hà cũng chia sẻ thêm, hiện tại, số học viên ngày càng đông, trong khi điều kiện cơ sở vật chất không cho phép, đơn vị mong muốn rằng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ những nhà hảo tâm, những mạnh thường quân và chính quyền để những người khiếm thị tại đây có được điều kiện luyện tập tốt nhất.
"Chúng tôi sẽ phấn đấu biến nơi đây trở thành cái nôi đào tạo những vận động viên khiêu vũ khiếm thị, để trong một tương lai không xa, nếu khiêu vũ trở thành môn thể thao chính thức trong Para Games, họ sẽ mang vinh quang về cho Tổ quốc", chị Hà nói.