6 kỹ năng quan trọng cha mẹ cần dạy con để không bị bắt cóc
(Dân trí) - Thạc sỹ Nguyễn Thị Mai Hương (Giảng viên ĐH Sư Phạm Hà Nội) cho rằng dạy trẻ tự bảo vệ mình là điều vô cùng quan trọng, cần thiết. Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ cũng phải sát sao, quan tâm giúp con trang bị những kỹ năng cần thiết tránh gặp phải những sự cố đáng tiếc.
Trong cuộc sống hiện đại nhất là ở những nơi dân cư đông đúc có thể xảy ra những mối đe dọa, ảnh hưởng đến sự an toàn của trẻ. Đặc biệt, tệ nạn buôn bán trẻ em, bắt cóc trẻ… ngày càng diễn ra với các thủ đoạn tinh vi, khó lường.
Đối tượng gây án có thể là bạn bè, người thân trong gia đình, người hiếm muộn, kẻ buôn người… Khi phát hiện trẻ chỉ có một mình, các đối tượng này thường tìm cách dụ dỗ, tiếp cận trẻ đi theo.
Trong đó, nguyên nhân của các vụ bắt cóc trẻ em trước hết là do sự chủ quan, lơ đễnh của bố mẹ. Nhiều cha mẹ có thói quen đeo cho con những trang sức đắt tiền ra đường hoặc thường xuyên khoe hình ảnh của con lên mạng xã hội cũng là nguyên nhân khiến các đối tượng tội phạm để mắt và dễ dàng ra tay.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Mai Hương (Giảng viên ĐH Sư Phạm Hà Nội) cho rằng, để bảo vệ con mình khỏi tệ nạn bắt cóc, cha mẹ cần phải luôn dạy con đề phòng và có những kỹ năng cần thiết ứng phó với những trường hợp cụ thể.
Dưới đây là 6 kỹ năng tự bảo vệ mình mà cha mẹ nên trang bị cho trẻ:
Dạy trẻ nói "không" với các món đồ của người lạ
Người lạ ở đây là những người trẻ chưa từng gặp mặt, chưa từng được cha mẹ giới thiệu trước đó. Cha mẹ cần dạy trẻ nói “không” với những món quà của người lạ như: đồ chơi, bánh kẹo, quần áo…
Trong cuộc sống hàng ngày nên rèn cho con thói quen lấy đồ hoặc nhận của ai món quà gì cũng phải xin phép ngay cả khi đó là người quen trong gia đình. Điều này sẽ giúp trẻ hình thành thói quen, nguyên tắc trong cuộc sống. Đồng thời, bạn cũng nên giải thích với con những nguy cơ có thể xảy ra khi con nhận quà của người lạ mà không được sự đồng ý của cha mẹ.
Khi tiếp xúc với người chưa từng gặp gỡ nên dạy trẻ cách giữ khoảng cách. Tuyệt đối không cho người lạ động chạm vào thân thể hoặc đi theo người lạ ngay cả khi họ nói sẽ giúp trẻ tìm đường về nhà.
Dạy trẻ cách ghi nhớ thông tin của người thân
Việc dạy con nhớ số điện thoại, số nhà là vô cùng cần thiết và quan trọng giúp bé có thể tìm đường về nhà hoặc nhờ tới sự giúp đỡ trong những trường hợp khẩn cấp. Để con dễ nhớ, cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện cùng con bảo con đọc to số điện thoại, địa chỉ của gia đình.
Đồng thời, hãy thử đặt ra các tình huống cho con trong trường hợp bé bị đi lạc. Cụ thể, nếu trẻ lạc người thân trong siêu thị có thể nhờ nhân viên bảo vệ gọi điện cho bố mẹ, nếu bị lạc ngoài đường có thể tìm đến đồn cảnh sát để nhờ giúp đỡ…
Ngoài ra, nếu bé đi cùng cha mẹ đến nơi đông người thì cha mẹ có thể viết những thông tin liên hệ để vào túi quần áo của trẻ để phòng khi bé bị lạc thì những người xung quanh cũng dễ dàng liên lạc với gia đình của bé.
Cùng con nhận biết các dấu hiệu lạ
Khi trẻ không được thấu hiểu, quan tâm, chăm sóc sẽ dễ bị dụ dỗ, lôi kéo hơn. Cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện với con, dạy con có thói quen chia sẻ những câu chuyện mà trẻ gặp thường ngày, từ đó phân tích cho con đâu là câu chuyện an toàn, tốt cho bé đâu là những tình huống có thể khiến trẻ bị đau, hoặc gặp nguy hiểm.
Ngoài ra bạn cũng có thể dạy con cách quan sát, nhận biết các dấu hiệu bất thường như: Có người lạ mặt theo dõi hoặc tiếp cận để cho bé đồ chơi… Trong cuộc sống, nên cùng con xem các video dựng tình huống từ đó phân tích cho trẻ các nguy cơ cũng như cách xử trí khi gặp những sự việc cụ thể.
Dạy con cách phản ứng nếu có kẻ xấu muốn bắt cóc
Thay vì dạy con la hét, khóc lóc cha mẹ cần dạy con liên tục hô to: “Đây không phải cha mẹ tôi” để gây sự chú ý của những người xung quanh. Cách làm này cũng sẽ khiến những kẻ bắt cóc bị phân tán, hoảng sợ.
Trường hợp con bị người lạ ôm, có thể phản kháng lại bằng cách dùng cùi trỏ tay đập vào ức, cằm và hạ bộ của đối phương. Ngoài ra, dạy con cách bỏ chạy khi bị người lạ đeo bám hoặc có hành động tấn công.
Khi trẻ tham gia giao thông, cha mẹ cần dạy con cách quan sát và luôn cảnh giác với những chiếc xe của người lạ đeo bám phía sau một cách không bình thường. Trong trường hợp này, trẻ có thể dừng xe lại ở chỗ đông người, nhờ tới sự giúp đỡ của cảnh sát giao thông hoặc những người lớn tuổi có thể tin tưởng thông báo về việc mình bị người lạ đeo bám.
Giới hạn người có thể tin tưởng
Cha mẹ cần lên danh sách những người trẻ có thể tin tưởng. Ngoài những người thân trong gia đình, còn có: Thầy cô giáo, chú công an, bộ đội, các bác bảo vệ… Trong trường hợp cụ thể, trẻ có thể nhờ tới sự giúp đỡ của những nhà dân bên đường, các cụ già hoặc bà mẹ có con nhỏ.
Dạy con không đăng hình ảnh và thông tin cá nhân lên mạng
Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Bạn nên dạy trẻ cách bảo mật thông tin, không nên đăng quá nhiều hình ảnh cá nhân, thông tin lên mạng.
Cụ thể, không tiết lộ địa chỉ nhà, số điện thoại nên profile Facebook. Đây là một việc làm mạo hiểm, bởi có thể khiến cho những người lạ mặt biết được chính xác địa chỉ từ đó lên kế hoạch tiếp cận và có thể gây nguy hiểm cho bản thân.
Ngay cả cha mẹ cũng hạn chế đưa hình ảnh, hoạt động chi tiết của con lên mạng xã hội.
Hà Trang