150 tấn sứa biển phá hủy nhà máy, công nhân dọn 10 ngày chưa hết mùi thối

Huy Hoàng

(Dân trí) - Hàng triệu con sứa biển đã tấn công và phá hủy một nhà máy điện chạy bằng than ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) khiến các công nhân phải dọn dẹp suốt 10 ngày chưa sạch mùi hôi thối.

10 ngày đêm chiến đấu không ngừng với sự xâm lấn chưa từng có

Ngày 19/11, tờ Sixthtone (Trung Quốc) đưa tin về vụ việc chưa từng có trong lịch sử tồn tại suốt 30 năm của nhà máy điện chạy bằng than lớn nhất miền đông Trung Quốc thuộc tỉnh Chiết Giang.  

Đó là khoảnh khắc các công nhân trong nhà máy suốt 10 ngày đêm chiến đấu với sự tấn công của 150 tấn sứa biển. Hàng triệu con sứa tràn vào hệ thống làm mát của nhà máy, đe dọa sự an toàn khiến mọi hoạt động của nhà máy phải tạm dừng.

Các công nhân ở nhà máy điện Zheneng Jiaxing làm việc theo ca luân phiên, liên tục dọn dẹp khối lượng lớn sứa biển tràn vào. Tuy nhiên, số lượng sứa tấn công nhà máy không có dấu hiệu chậm lại.

150 tấn sứa biển phá hủy nhà máy, công nhân dọn 10 ngày chưa hết mùi thối - 1
Bao tải chứa đầy sứa xếp la liệt dưới sàn nhà máy (Ảnh: News).

Những bao đựng sứa nằm chất đống trên mặt đất, tỏa ra mùi hôi thối nồng nặc. Trong khi đó, người công nhân phải dùng tay loại bỏ từng con ra khỏi lưới lọc khiến công việc trở nên khó khăn hơn.

"Trong lịch sử 30 năm của nhà máy, chúng tôi chưa từng chứng kiến sự việc tương tự", ông Xi Chao, Phó giám đốc bộ phận bảo trì của nhà máy, trao đổi với phóng viên của Đài truyền hình Trung ương CCTV.

Năm nay, số lượng sứa tấn công nhà máy được coi là lớn chưa từng có trong suốt nhiều thập kỷ. Tuy nhiên với nhà máy điện Zheneng Jiaxing, điều này là tin xấu.

Trước đó vào ngày 18/9, một lượng sứa lớn tràn vào trạm bơm tuần hoàn của nhà máy. Khu vực này hút nước biển để làm mát máy phát điện. Những con sứa bám chặt vào bộ lọc đang quay, làm tắc nghẽn đường ống khiến bộ lọc bị quá tải và làm tắt máy phát điện.

Sau đó, kỹ sư nhà máy phải tiến hành sửa chữa khẩn cấp hơn 100 lần, khẩn trương giải quyết các sự cố liên quan tới sứa.

150 tấn sứa biển phá hủy nhà máy, công nhân dọn 10 ngày chưa hết mùi thối - 2
Người công nhân bóc từng con sứa ra khỏi hệ thống máy móc (Ảnh: News).

Tương tự vào tháng 8, 2 nhà máy điện ở Thượng Hải cũng đối diện với tình trạng bị sứa xâm chiếm. Trong suốt 3 thập kỷ qua, những quốc gia ven biển như Nhật Bản, Hàn Quốc và Vương quốc Anh cũng phải vật lộn với tình trạng tương tự.

Các chuyên gia môi trường cho rằng, sự bùng nổ về số lượng sứa là dấu hiệu của việc môi trường toàn cầu bị ảnh hưởng. Nước biển gây ra hiện tượng tảo nở hoa và điều kiện oxy thấp là những điều kiện có lợi cho sứa. Chúng phát triển mạnh và lan rộng, gây ra sự tàn phá trên toàn cầu.

Tại sao không ăn sứa tránh lãng phí thay vì vứt bỏ?

Cuộc khủng hoảng về sứa biển ở nhà máy điện Zheneng Jiaxing nhanh chóng thu hút 41,69 triệu lượt xem trên các nền tảng video ở Weibo đồng thời ghi nhận nhiều phản ứng trái chiều.

"Sao không ăn thịt sứa thay vì vứt bỏ quá lãng phí. Sứa vốn là món ăn được ưa chuộng ở Trung Quốc", nhiều ý kiến lên tiếng.

Nhiều người dùng Weibo phân tích, sứa trở thành món ăn quen thuộc trong bữa cơm ở các gia đình tại Trung Quốc. Về mặt lý thuyết, nếu số lượng 150 tấn sứa thu gom được từ nhà máy phát điện ở Chiết Giang có thể tạo ra ít nhất 300.000 suất ăn. Tuy nhiên toàn bộ đều bị vứt bỏ.

150 tấn sứa biển phá hủy nhà máy, công nhân dọn 10 ngày chưa hết mùi thối - 3
Mùi hôi thối bốc lên khắp nơi khi hàng triệu con sứa tấn công nhà máy (Ảnh: Xinwen).

Tuy nhiên, Phó giám đốc nhà máy, ông Xi giải thích rằng, họ không dám chắc loài sứa gây ra sự tắc nghẽn của hệ thống máy móc có phải loài ăn được hay không.

Ngoài loài sứa biển ăn được, Trung Quốc còn có sứa mặt trăng (Aurelia Aurit) và sứa bờm sư tử (Cyanea). Đây là hai loài sứa không có giá trị ẩm thực, bị coi là loài xâm lấn.

Trong vài thập kỷ gần đây, sự bùng nổ của loài sứa trở thành mối đe dọa với các nhà máy điện trên toàn cầu. Do nhà máy điện thường xây gần vùng nước ven biển để tiếp cận nguồn nước làm mát nên dễ bị sứa xâm nhập. Nếu sứa làm tắc đường ống, các lò phản ứng có thể bị quá nhiệt, dẫn tới những vụ nổ thảm khốc.