Ninh Bình:

10 năm “gồng mình” sống chung với bãi rác khổng lồ

(Dân trí) - Hơn 10 năm nay, người dân bản Sau, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, Ninh Bình phải sống chung với rác thải. Nhất là 2 năm trở lại đây, người dân phải “gồng mình” chống chọi lại mùi hôi thối, xú uế, ruồi nhặng bay khắp nơi từ trong bãi rác rộng hơn 5 ha.


Nằm ngay cạnh rừng quốc gia Cúc Phương, xã Kỳ Phú được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan đẹp thơ mộng, trữ tình. Nhưng ở cái nơi được thiên nhiên ưu ái ấy, ít ai nghĩ rằng người dân đang phải hứng chịu tác động từ một bãi rác rộng 5,1 ha khiến người dân phải khốn khổ chịu đựng.

Với mục đích làm bãi chứa rác thải sinh hoạt của thị trấn Nho Quan, năm 2002 UBND huyện Nho Quan đã phê duyệt quyết định xây dựng bãi rác nằm tại bản Sau, xã Kỳ Phú là bãi rác Thung Trâu. Từ khi được xây dựng và đưa vào sử dụng, bãi rác khiến cuộc sống của người dân gặp bị đảo lộn. Những năm đầu, do rác thải ít, nên người dân cũng không mấy bận tâm. Nhưng lâu dần, bãi rác ngày càng nhiều, rác thải xử lý không kịp, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

Rác thải đổ về ngày càng nhiều, nhưng các quy trình thực hiện xử lý lại không đúng, khiến cho hàng trăm hộ dân ở đây phải khốn đốn. Có mặt tại bãi rác Thung Trâu, theo ghi nhận của PV, rác đổ tại khu vực được quy hoạch này nham nhở, rác nằm la liệt rải rác khắp nơi, ngay cả tuyến đường dành cho xe chở rác cũng bị rác lấp đầy. Ruồi, nhặng bay khắp nơi, đó là còn chưa kể đến tổ hợp các loại rác.

Theo quan sát của PV, ngoài rác thải sinh hoạt, rác thải chăn nuôi, công nghiệp, tại bãi rác này còn có xác chết động vật và còn có cả rác thải y tế… có nơi còn tạo thành dòng nước chảy đen ngòm, đặc quánh, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Hầu hết rác đưa đến hầu hết không được xử lý, chôn cất mà lại đốt nham nhở, rác ngập đến tận chân núi, ngày một chất đống.

 Rác tràn ngập đường, chạy thẳng vào chân núi.
 Rác tràn ngập đường, chạy thẳng vào chân núi.

Hai năm trở lại đây, trung bình mỗi một ngày ngoài 4 xe rác chuyên dụng từ thị trấn Nho Quan chở về đây tập kết, còn kể đến ba xe tải rác từ các nơi khác đổ về. Tính ra mỗi ngày như vậy, bãi rác Thung Trâu tiếp nhận hơn 20 tấn rác từ khắp nơi trong huyện. Không chịu được cảnh “sống chung với rác” người dân bức xúc làm đơn gửi lên chính quyền địa phương, nhưng chỉ được vài hôm máy xúc về ủi rác giải phóng đường đi cho xe chở rác, còn lại vẫn như cũ.

Anh Đinh Văn Tuấn (SN 1970), ở bản Sau, xã Kỳ Phú bức xúc cho biết: “Nơi này là chỗ chăn bò, dê của bà con, trước đây rác ít nhưng hai năm gần đây rác chất đống, mặc dù họ có đào hố nhưng có chôn đâu, toàn đổ bừa bãi ra, mùi xú uế bốc lên, ai mà chịu được. Nhiều lần bò, dê, lợn của bà con chúng tôi còn sa xuống hố chôn rác, chúng tôi phải huy động người đến để kéo lên. Cứ như thế này mãi chúng tôi không chịu được”.

Rác thải ngày càng nhiều, lại chưa được phân loại xử lý triệt để; cơ sở hạ tầng và đường vận chuyển xuống cấp nên dẫn đến tình trạng quá tải. Thực tế, theo quan sát của PV có nhiều ô chôn lấp rác được đào lên, rác cũng có trong nhiều ô nhưng không hề được chôn lấp, chỗ có, chỗ không, còn hầu hết rác nằm phơi nhan nhản trên mặt bằng.

 Rác thải y tế cũng nằm la liệt tại bãi rác Kỳ Phú mà không hề được xử lý.
 Rác thải y tế cũng nằm la liệt tại bãi rác Kỳ Phú mà không hề được xử lý.

Quá bức xúc với tình trạng rác thải ngày một nhiều, quy trình xử lý sơ sài gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, sự việc kéo lên đến đỉnh điểm vào ngày 9/11 thấy xe rác đến người dân đã hô hào nhau tập trung chặn đường không cho xe vào bãi rác để đổ. Đến ngày 12/11, có 2 máy xúc đến để giải phóng bớt rác thải thì người dân vẫn không đồng tình, vì họ cho rằng chỉ xe đến chỉ xúc rác đắp đống lên chứ không phải là chôn hay xử lý.

Anh Nguyễn Văn Lưu (SN 1972) ở Bản Sau cho biết: “Hiện giờ người dân chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý để trả lại môi trường sống cho bà con, chúng tôi sống trong cái cảnh này khổ lắm rồi”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú cho biết: “Chúng tôi đã nhận được phản ánh của bà con nhân dân, chúng tôi cũng đã kiến nghị lên UBND huyện. Nhất là vào hôm bà con chặn xe rác thì đến ngày 15/11, xã đã tổ chức họp ngay tại bản Sau, hôm ấy có đoàn công tác của huyện và có đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện. Đoàn công tác của huyện cũng đã đứng lên nhận thiếu sót trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường và hứa sẽ khắc phục những tồn tại tại bãi rác”.

Quy trình xử lý chỉ là đốt nham nhở.
Quy trình xử lý chỉ là đốt nham nhở.

Ông Lưu cũng cho biết thêm, hầu hết các ô chôn lấp rác thải đều thực hiện một cách sơ sài, lượng rác thải quá lớn nên tràn ra ngoài gây bức xúc cho bà con nhân dân. Hiện nay đoàn công tác cũng đang lên kế hoạch xử lý, sắp tới sẽ tiến hành tiêu độc, khử trùng xung quanh khu vực bà con sinh sống, đồng thời phun hóa chất xử lý tại bãi rác thải Thung Trâu.

Nếu cứ tình trạng này diễn ra, rác thải ngày một nhiều, cách xử lý chỉ là chôn lấp sơ sài, ngoài ra còn chưa kể rác thải y tế cần phải tiêu hủy đúng cách, tại bãi rác vẫn còn nham nhở đủ thứ, liệu cuộc sống của người dân xã Kỳ Phú có được yên ổn?.

Đức Văn