Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam gắn với nâng cao giá trị gia tăng
Triển khai Nghị quyết của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, và những nhiệm vụ, giải pháp điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, ngày 20/4 tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh BCSI tổ chức Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2017 với chủ đề “Nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho xuất khẩu của Việt Nam”.
Tham dự tại diễn đàn, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển xuất khẩu là rất cần thiết với phát triển xuất khẩu. Ông cũng đề ra những giải pháp có thể nâng cao giá trị gia tăng cho những sản phẩm xuất khẩu: đầu tư khoa học – công nghệ; marketing, nâng cao thương hiệu; sản xuất nông nghiệp theo chuỗi; phát triển công nghiệp hỗ trợ; nâng cao chuỗi cung ứng;…
Tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2017, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS. Võ Trí Thành cũng đề xuất một số phương pháp tiếp cận để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu: cách tiếp cận theo “lợi thế so sánh”; cách tiếp cận theo mạng sản xuất và chuỗi cung ứng và cách tiếp cận theo sản phẩm (tạo giá trị cao hơn).
Theo Báo cáo của Cục Xúc tiến Thương mại, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 176,6 tỷ USD, tăng 9% so với năm trước. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Cả nước có 24 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó nhóm hàng nông sản, thủy sản đạt 22,2 tỷ USD, tăng 78% so với năm trước. Tỉ lệ nội địa hóa một số ngành được nâng cao như điện thoại di động, dệt may...
Kết quả là xuất khẩu tương đối khả quan so với các năm trước tuy nhiên, giá trị gia tăng nhiều nhóm ngành hàng như nông sản, thủy sản, điện tử gia dụng, điện tử công nghệ cao... vẫn còn thấp.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh: Hoạt động xúc tiến xuất khẩu cần phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, cả vĩ mô lẫn vi mô, đồng thời là hoạt động đòi hỏi chuyên môn cao, có nhiều sáng tạo, bám sát thực tiễn sản xuất và thị trường hàng hóa.
Cũng theo ông, xúc tiến thương mại là hoạt động tối cần thiết của doanh nghiệp, của các tập đoàn kinh tế, của các hiệp hội ngành hàng, của các bộ ngành quản lý sản xuất như công nghiệp, nông nghiệp. Bởi vậy, Cục Xúc tiến Thương mại - cơ quan đầu mối của quốc gia để điều phối hoạt động xúc tiến thương mại của các bộ, ngành, địa phương và của các doanh nghiệp - cần phải tiếp tục phát huy vai trò định hướng của mình trong tương lai.
Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2017 được tổ chức với sự tham gia đồng hành của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank). Ban tổ chức xin trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Peacelife Việt Nam, Vibiz.vn và Công ty Cổ phần phát triển Giáo dục Hawking.