Vào HTX Khiết Tâm, làm lúa “ngon ăn” hơn hẳn
Vụ đông xuân và hè thu năm 2017 vừa qua, xã viên HTX Khiết Tâm, xã Thạnh Lợi (huyện Vĩnh Thạnh – TP.Cần Thơ) vô cùng phấn khởi vì lại tiếp tục được mùa cả lúa giống và lúa hàng hoá. Bà con cho biết, từ ngày vào HTX, việc làm ăn thuận lợi hơn hẳn vì đã có HTX lo từ kỹ thuật sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tới bao tiêu…
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Huấn – Chủ tịch HĐQT đồng thời là Giám đốc HTX cho biết, HTX được thành lập từ Tổ hợp tác trồng lúa Khiết Tâm, đến nay HTX đã có tổng cộng 40 xã viên, diện tích đất sản xuất 340ha. Hiện bà con xã viên đang tích cực làm đất, gieo sạ đồng loạt vụ lúa đông xuân 2017 – 2018, bao gồm lúa hàng hóa và khoảng 100ha lúa giống. Đây cũng là 2 mảng hoạt động chính của HTX, ngoài ra đơn vị còn tổ chức dịch vụ sau thu hoạch, cung ứng phân bón cho xã viên, sản xuất nấm rơm và bao tiêu lúa hàng hóa cho bà con xã viên.
“Vụ đông xuân và hè thu năm 2017 vừa qua, việc sản xuất lúa của xã viên chúng tôi rất thuận lợi, theo đó năng suất lúa đông xuân đạt bình quân từ 7,5 – 8 tấn/ha; vụ hè thu đạt trung bình 5 tấn/ha. Đối với lúa hàng hóa, HTX tập trung gieo sạ 2 giống lúa chủ lực là Jasmine và OM5451. Do nhu cầu phục vụ xuất khẩu tăng cao nên năm vừa qua, 2 vụ lúa của bà con đều được giá, bình quân 5.300 đồng/kg nên bà con có thu nhập khá” – ông Huấn chia sẻ.
Đặc biệt là từ đầu năm 2016, HTX đã xây dựng cánh đồng mẫu lớn áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global GAP) cho toàn bộ diện tích sản xuất lúa. Theo đó, HTX phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL phổ biến quy trình kỹ thuật đến xã viên, canh tác chủ yếu giống lúa đặc sản Jasmine 85 và áp dụng đầy đủ các giải pháp kỹ thuật và cơ giới hóa, đặc biệt là giải pháp "1 phải 5 giảm" (phải dùng giống lúa được xác nhận - giảm lượng nước vừa đủ, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm lượng giống gieo sạ, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón).
Bên cạnh đó, bà con xã viên còn áp dụng thêm 1 giải pháp nhằm giảm khí thải nhà kính để vừa tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, vừa cải thiện tốt môi trường đồng ruộng. Tổng kết vụ thu hoạch năm đó, ông Huấn cho biết xã viên rất phấn khởi, bởi cũng nhờ tham gia vào HTX mà bà con được nâng cao trình độ canh tác, nhất là giá bán lúa cao hơn bên ngoài do không bị thương lái ép giá.
Cũng theo ông Huấn, tham gia quy trình này, mọi người phải thực hiện trên 100 tiêu chí, trong đó có những tiêu chí liên quan đến sinh hoạt, sức khỏe của người tham gia sản xuất như: kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón phải sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, đúng lượng, đúng loại… Sản phẩm phải đảm bảo độ an toàn cho người sử dụng về hàm lượng thuốc BVTV, natri, các kim loại nặng… thì mới được chứng nhận đạt tiêu chuẩn.
“Những người tham gia vào quy trình sản xuất này đều phải có sổ ghi chép lại công việc hàng ngày để các nhà kiểm tra dễ dàng truy lại nguồn gốc các loại vật tư đã sử dụng trong quá trình canh tác. Vì vậy, việc lựa chọn thuốc BVTV, phân bón của HTX hoàn toàn bảo đảm cho sức khỏe và môi trường. Đó cũng là lí do nhiều năm nay, bà con xã viên chủ yếu dùng phân đạm hạt đục của Công ty Đạm Cà Mau để bón cho cả lúa giống và lúa hàng hóa” – ông Huấn thông tin.
Để lúa cho năng suất và chất lượng cao, đồng thời tiết kiệm chi phí, kinh nghiệm của ông Huấn là bón phân theo từng thời kì của cây lúa và bón theo bảng phân màu lá lúa, không bón quá nhiều, cũng không bón quá ít để đảm bảo cây lúa hấp thụ chất dinh dưỡng một cách tốt nhất.
“Hầu hết chúng tôi sử dụng phân đạm hạt đục Cà Mau là bởi loại phân này hạt to, dễ bón, ngoài ra phân đạm hạt đục nhanh tan nên cây lúa dễ hấp thụ, nhất là trong giai đoạn đầu khi lúa đang phát triển mạnh. Trung bình mỗi vụ, xã viên bón khoảng 3 tạ/ha, tương đương gần 1 tấn/ha/năm. Hiện HTX đang liên kết với đại lí để cung ứng cho xã viên khoảng 340 tấn phân đạm Cà Mau mỗi năm, tuy nhiên thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm giải pháp liên kết trực tiếp với Công ty Đạm Cà Mau để được giảm giá mua phân bón” – ông Huấn chia sẻ.
Cũng nhờ cách làm ăn hiệu quả, khoa học, đến nay, HTX Khiết Tâm đã đủ điều kiện để sản xuất lúa giống cung cấp cho Công ty CP Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình với sản lượng 400 tấn/năm, sản xuất giống phục vụ cho nhu cầu tại chỗ với sản lượng khoảng 90 tấn/năm, cung cấp dịch vụ làm đất, thu hoạch, sấy lúa theo hợp đồng bao tiêu lúa gạo xuất khẩu với một số doanh nghiệp…
Mới đây, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát triển hợp tác xã gắn với sơ kết 01 năm thực hiện đề án thí điểm về củng cố và phát triển hợp tác xã kiểu mới vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2016 – 2020” tại Khách sạn Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Chương trình có sự đồng hành của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau).
Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2016 – 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21/3/2016, với mục tiêu xây dựng 300 HTX nông nghiệp kiểu mới, gắn kết với doanh nghiệp đầu vào, đầu ra có thế mạnh về tiêu thụ nông sản.