Thấy gì qua “Thương vụ Maybank” của ABBank
(Dân trí) - Ngân hàng Maybank (Malaisia) vừa ký với Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) một hiệp định mua 15% cổ phần của ABBank có giá trị hơn 2.000 tỷ đồng Việt Nam để trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài của ABBank.
Không phải ngẫu nhiên mà Maybank - ngân hàng lớn nhất Malaisia và đứng thứ 136 trong số 1.000 ngân hàng lớn nhất thế giới - lại lựa chọn đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam - mà đại diện là đầu tư vào ABBank thời điểm này.
Có thể nói, thị trường tài chính Việt Nam tương đối ổn định, không chịu nhiều tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới . Chính sự ổn định, an toàn này cùng chính sách quản lí vĩ mô của chính phủ đã tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút được những khoản đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, thị trường tài chính Việt Nam còn là miếng bánh hấp dẫn ở dư địa tìm kiếm lợi nhuận và phát triển mở rộng còn rất lớn. Với dân số hơn 85 triệu như hiện tại thì chỉ có từ 5 - 10% có giao dịch ngân hàng.
Với ABBank, sức hấp dẫn ấy còn thể hiện ở chỗ có rất nhiều ngân hàng tham gia tiếp cận đàm phán mua cổ phần. Tuy vậy, sau quá trình tìm hiểu, đàm phán, ngày 29/3/2008, Maybank và ABBank đã ký thỏa thuận hợp tác và mua bán cổ phần dựa trên sự thống nhất trên các điều khoản và quy định của NHNN
Chủ tịch HĐQT ABBank - ông Vũ Văn Tiền khẳng định nguyên nhân hấp dẫn các nhà đầu tư xuất phát từ tiềm lực của ABBank. “Không có gì thuyêt phục hơn thực tế. ABBank đã thu hút đối tác qua những giá trị căn bản của mình trong toàn bộ các hoạt động công khai và minh bạch”.
Theo Thông tư 07 hướng dẫn thi hành Nghị định 69 ngày 20/4/2007 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của NHTMVN: “Muốn bán cổ phẩn cho nước ngoài, ngân hàng phải có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng, kinh doanh có lãi, nợ xấu không lớn hơn 3%, đảm bảo an toàn trong hoạt động…”
Điều đó có nghĩa, chỉ những ngân hàng “mạnh khỏe” mới được phép bán cổ phần cho nước ngoài.
Với số vốn điều lệ hiện lên tới 2.700 tỷ đồng, mạng lưới gần 70 điểm giao dịch tại 28 tỉnh thành trên toàn quốc, tổng tài sản, doanh thu và lợi nhuận của tăng trưởng liên tục hơn 300%, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp và văn hóa doanh nghiệp thân thiện... trong hai năm gần đây, ABBank đang khẳng định những tiềm năng của một ngân hàng hiện đại, phát triển.
Bên cạnh đó, ABBank còn có sự hỗ trợ và ủng hộ từ những cổ đông lớn - bao gồm cả tập đoàn nhà nước (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty xuất nhập khẩu nông sản, Tổng công ty CP tài chính Dầu khí…) và cả tập đoàn tư nhân (Geleximco…)
Để đạt được sự hợp tác thành công đem lại lợi ích cao nhất, các doanh nghiệp đã phải bỏ thời gian để tìm hiểu phân tích cặn kẽ thị trường và chọn lựa đối tác. Bản thân Maybank cũng bỏ ra hơn 1 năm để tìm hiểu cặn kẽ mọi ngóc ngách trong ABBank.
Từ đó, họ thiết lập dữ liệu tổng quan về hoạt động của ngân hàng trong suốt thời gian dài và nhìn nhận đã đầu tư “được” vào một ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao và có chiến lược phát triển dài hạn.
“Chính nhờ phong cách kỹ lưỡng từ phía đối tác, chúng tôi biết điều mà họ cần chính là sự bền chặt lâu dài để đôi bên cùng phát triển. Ngay khi hợp đồng đàm phán được hoàn tất, cả hai bên đều thấy vui lòng” - ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó Chủ tịch HĐQT ABBank bày tỏ.
Cho đến thời điểm này, chưa thể khẳng định mức độ thành công của hoạt động hợp tác giữa ABBank và Maybank có được như kỳ vọng của hai bên, nhưng có thể khẳng định uy tín của ABBank sau “thương vụ Maybank” đã nâng cao đáng kể.
Và thành công trong hoạt động đàm phán của ngân hàng này cũng là một kinh nghiệm đáng để tìm hiểu.
Quốc Long