“Taxi vẫy” sẽ lại nở rộ?

(Dân trí) - Những công ty công nghệ, cung cấp ứng dụng kết nối dịch vụ như Grab là hình thức kinh doanh mới, không giống với các hình thức kinh doanh đã có trước đây. Do đó, việc áp đặt cơ chế quản lý cũ cho một hình thái kinh doanh mới là không hợp lý...

Trong khi đó, tờ trình Dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP vừa được trình lên Chính phủ lại tiếp tục gây hoang mang khi Bộ Giao thông vận tải đưa ra sự đồng thuận về việc sẽ “quản” xe công nghệ như taxi truyền thống.

“Taxi vẫy” sẽ lại nở rộ? - 1

Điều đáng nói, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP vừa được bộ GTVT trình Chính phủ với quy định về loại hình xe ứng dụng công nghệ như Grab, Fastgo, T.NET … lại thay đổi hoàn toàn so với Tờ trình Chính phủ hồi cuối tháng 8 vừa qua. Và, nếu Dự thảo Nghị định lần này được thông qua, hàng loạt doanh nghiệp công nghệ như Grab, Fastgo hay Go-Viet (có kế hoạch ra mắt dịch vụ GoCar) sẽ hết đất sống.

Đặc biệt, tất cả các xe hợp đồng ứng dụng công nghệ hiện nay sẽ được quy về xe “Taxi”. Đương nhiên, lái xe hợp đồng ứng dụng công nghệ hiện nay sẽ trở thành lái xe taxi, và sẽ chịu tất cả những ràng buộc, quy định như xe taxi truyền thống hiện nay như: xe phải gắn mào, đeo logo, có phù hiệu Taxi, có đồng phục….

Tại Tờ trình lần này, Bộ GTVT cho biết, chỉnh sửa Dự thảo dựa trên đóng góp ý kiến của nhiều đơn vị, ngành chức năng, công ty vận tải liên quan, trong đó có Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Thực tế, trong văn bản gửi Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đóng góp ý kiến về Dự thảo Nghị định 86, VCCI cho rằng, cần nhận diện đúng những Công ty công nghệ như Grab để có quy định về quyết sách cho đúng đắn, tránh triệt tiêu cái mới. Song, theo Tờ trình mới nhất của Bộ GTVT thì sẽ “bóp chết” mô hình dịch vụ mới này.

Tại văn bản góp ý, VCCI đã nhấn mạnh: “Mặc dù có rất nhiều tranh cãi, tất cả đều đồng thuận quan điểm cho rằng những công ty công nghệ, cung cấp ứng dụng kết nối như Grab là hình thức kinh doanh mới, không giống với các hình thức kinh doanh đã có trước đây. Do đó, việc áp đặt cơ chế quản lý cũ cho một hình thái kinh doanh mới là không hợp lý”.

Đại diện VCCI kiến nghị, cần nhận diện dịch vụ kinh doanh kiểu Grab theo đúng bản chất của dịch vụ là môi giới công nghệ trong lĩnh vực vận tải. “Từ góc độ chính sách, việc nhận diện đúng bản chất và xác định cơ chế quản lý tương ứng cho dịch vụ kinh doanh kiểu Grab là rất quan trọng và cần được thực hiện cẩn trọng nhằm bảo đảm sự thống nhất chung trong quản lý của Nhà nước đối với các hình thức kinh doanh tương tự Grab trong các lĩnh vực kinh tế khác”, đại diện VCCI cho hay.

Dù mới chỉ là Dự thảo Nghị định đã có không ít ý kiến lo ngại, bởi khi xem hình thức vận hành xe công nghệ là taxi thì liệu xe công nghệ có mất đi tính ưu việt, và đặc biệt giá cước vận chuyển có tăng?

Không phải ngẫu nhiên mà mới xuất hiện trên thị trường vài năm trở lại đây nhưng mô hình công nghệ kết nối di chuyển như Grab, Uber, Fastgo… đều đã đạt được kết qủa ấn tượng và được người tiêu dùng lựa chọn. Bởi tính minh bạch, tiết kiệm và tiện lợi mà taxi truyền thống không hề có.

Theo đó, người tiêu dùng biết trước mình sẽ bỏ ra bao nhiêu tiền để di chuyển cho quãng đường cần phải đi, dù là biết đường hay không. Đặc biệt, sẽ không phải lao ra đường để “vẫy taxi”, mà thông qua ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh để book xe, theo dõi lộ trình của tài xế, biết được khi nào xe đến nơi…

Đáng nói, do tiết kiệm được những chi phí không cần thiết về việc quản trị hệ thống, nhân lực văn phòng nên giá di chuyển bằng những loại xe công nghệ luôn rẻ hơn taxi truyền thống, và linh hoạt theo khung giờ, khu vực.

Có thể nói, đây chính là lý do chính để xe hợp đồng điện tử, ứng dụng công nghệ chiếm được thiện cảm và là ưu tiên sử dụng của người tiêu dùng. Tính ưu việt này cũng là động lực để thúc đẩy cạnh tranh, tạo ra sự thay đổi tích cực cho nhu cầu di chuyển văn minh. Bởi sau đó, hàng loạt các hãng taxi lớn như Mai Linh, Vinasun… cũng ra đời ứng dụng gọi xe.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, chỉ sau vài năm có mặt nhưng tại các thành phố, mô hình xe công nghệ đều được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Đơn cử như thống kê của Grab cho thấy, với đối tác tài xế toàn thời gian có thu nhập trung bình tính theo tháng cao hơn 100% so với mức trung bình của quốc gia; hiệu suất sử dụng xe GrabCar trên 70% giúp tăng năng suất cho tài xế và tăng hiệu quả giao thông, tỷ lệ xe chạy rỗng thấp…

Tuy nhiên, những ưu việt kể trên sẽ không thể tồn tại, nếu hoạt động của xe công nghệ bị “đồng hoá” với xe truyền thống. Khi ấy, thu nhập của tài xế sẽ giảm sút, thậm chí hàng ngàn lao động (tài xế) bị mất cơ hội việc làm. Không chỉ thế, người tiêu dùng cũng mất đi cơ hội được sử dụng một dịch vụ vận tải văn minh, giá cả hợp lý để quay lại thời “taxi vẫy”. Tóm lại, theo các chuyên gia đánh giá, nếu một số quy định tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 mà Bộ GTVT vừa trình Chính phủ được thông qua thì sẽ kéo lĩnh vực vận tải rơi vào tình trạng đi thụt lùi!

Diễm My