Phát triển thị trường điện tái tạo Việt Nam, thách thức và cơ hội từ 4.0

(Dân trí) - Là nền kinh tế tăng trưởng nhanh với nhu cầu điện năng lớn song khả năng đa dạng hoá nguồn phát điện hạn chế khiến Việt Nam gặp nhiều thách thức phát triển trong tương lai.

Đa dạng hoá nguồn phát điện là bài toán không khó đối với Việt Nam bởi tiềm năng về điện mặt trời, sức gió và điện sinh khối lớn tuy nhiên thách thức lớn hiện nay chính là kỹ thuật và công nghệ để tận dụng tốt các lợi thế tự nhiên sẵn có.

Cách mạng 4.0 sẽ thay đổi và hỗ trợ khả năng tiếp cận công nghệ điện tái tạo ở Việt Nam một cách tốt hơn
Cách mạng 4.0 sẽ thay đổi và hỗ trợ khả năng tiếp cận công nghệ điện tái tạo ở Việt Nam một cách tốt hơn

Tại Hội thảo Hội thảo Tích hợp nguồn điện năng lượng tái tạo: Thách thức và Công nghệ do Bộ Công Thương và ABB tổ chức mới đây, các chuyên gia trong và ngoài nước về phát triển nguồn điện cho rằng “dù có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời nhờ khí hậu nắng gắt song hiện khả năng khai thác của Việt Nam còn khá hạn chế.”

Tại hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng, thách thức tăng trưởng nguồn phát điện mà Việt Nam gặp phải là phải vừa cung ứng đủ điện cho phát triển vừa tạo nguồn phát điện tương lai, đảm bảo tăng trưởng điện năng bền vững nhưng không ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, đảm bảo môi trường xanh, sạch và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Bên cạnh đó, quy mô và khả năng phát triển điện mặt trời ở Việt Nam vẫn kém trong khu vực trước sự thay đổi nhanh trong việc ứng dụng công nghệ mới, hiệu năng phát điện ở các quốc gia có điều kiện tương tự.

Hiện Việt Nam có đủ tiềm năng và thuận lợi so với các nước trong khu vực để phát triển các nguồn năng lượng từ gió và mặt trời. Với gần 3,400 km bờ biển, Việt Nam có tổng tiềm năng điện gió ước đạt 500GW theo Nikkei (Nhật Bản). Đồng thời, Việt Nam là nước có ngành nông, lâm nghiệp lớn, nguồn rác thải sinh hoạt còn chưa được phân loại và xử lý triệt để... đây là cơ hội lớn cho phát triển điện sinh khối, một nguồn điện quan trọng quy mô vừa và nhỏ mà nhiều nước phát triển đã và đang tận dụng rất tốt.

Ông John Alvin, Phụ trách Kinh tế và Thương mại, Đại sứ quán Thuỵ Điển tại Việt Nam chia sẻ: Năm 2017, Thuỵ Điển đã nhập 2,5 triệu tấn rác từ Nauy để tái chế phục vụ các nhà máy điện sinh khối, cung cấp nguồn năng lượng cho hệ thống điện quốc gia.

"Ở những nước khác, họ nhập rác về sẽ phát sinh gây ô nhiễm nhưng với công nghệ cao, Thuỵ Điển không chỉ biến rác trong nước thành điện năng, mà còn nhập những mặt hàng nước khác không mong muốn sở hữu để tạo thành hàng hoá có giá trị cao", ông John Alvin nói.

Ông Brian Hull, Tổng Giám đốc Tập đoàn ABB (Thuỵ Sỹ) cho rằng: Sẽ có những thách thức trong việc tăng cường mạng lưới truyền tải điện quốc gia để đối phó với sự gián đoạn của năng lượng tái tạo, nhưng với Cách mạng 4.0 và công nghệ kỹ thuật số hiện đại chúng ta sẽ đủ khả năng vượt qua những thách thức này.

Trên thực tế, các nhà máy điện mặt trời, sức gió thường ở những nơi có ánh nắng và sức gió lớn, tại hộ gia đình, trang trại và cả bờ biển... Điều này giúp cho nguồn phát điện đến từ nhiều nơi khách nhau như hộ gia đình, các chủ trang trại, thậm chí là ở các dự án lớn nhỏ ven biển, đại dương...

Tuy nhiên, nhược điểm của điện tái tạo là phụ thuộc vào thiên nhiên (sức gió và sức nóng mặt trời...) do đó để duy trì sự ổn định của dòng điện cần có công nghệ mới, số hoá lưới điện. "Phát điện phân tán cần có lưới điện siêu vi để có thể tích hợp nhiều nguồn, hoạt động độc lập hoặc được có thể được kết nối với lưới điện và để có thể chuyển đổi sử dụng giữa hai nguồn. Sử dụng pin lưu trữ năng lượng giúp lưu trữ điện năng trong lúc cao điểm và phân phối khi cần thiết", Vị chuyên gia Thuỵ Sỹ cho biết.

Đại diện của ABB cũng cho rằng, để giúp cho năng lượng tái tạo trở nên tốt hơn nữa trong tương lai, cần có một sự minh bạch trong trung và dài hạn trong cơ chế định giá mà Chính phủ dự định sử dụng cho năng lượng tái tạo. Ngoài ra cần có phạm vi để tăng cường PPA (Hợp đồng mua bán điện) để khuyến khích nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nguồn phát điện hơn.

Thực tế, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã chủ động phát triển điện cho nhà máy riêng của mình, song chủ yếu là nhiệt điện than gây ô nhiễm. Ở các nước phát triển, nhiều doanh nghiệp cho lắp pin năng lượng mặt trời trên chính nhà máy của mình, để phục vụ phần nào đó nhu cầu điện của nhà máy.

Ông Brian Hull cho rằng, thường các doanh nghiệp sẽ nhìn thấy cơ hội để đầu tư vào việc sản xuất điện cho riêng mình nhằm nâng cao hiệu quả chi phí và quan trọng không kém là để chứng minh với khách hàng của họ rằng họ đang vận hàng một cách bền vững và giúp giảm lượng khí thải các-bon.

"Quyết định có nên đầu tư hay không và chi phí phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ điều kiện địa lý và khí hậu cho đến thiết kế của mái nhà", người đại diện đến từ ABB cho biết.

An Linh

Phát triển thị trường điện tái tạo Việt Nam, thách thức và cơ hội từ 4.0 - 2