Nửa thế kỷ vì dòng điện sáng trên quê lúa Thái Bình

Trong suốt quá trình 50 năm hình thành và phát triển, ngành điện Thái Bình đã qua 4 lần đổi tên, song ở thời kỳ nào thì chức năng, nhiệm vụ cũng không đổi, đặc biệt bước vào giai đoạn đổi mới, hội nhập và phát triển thì “sứ mệnh” đảm bảo cung ứng điện an toàn ổn định phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đời sống dân sinh tỉnh Thái Bình đã đóng góp những thành tựu quan trọng trong phát triển của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, cũng như góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn một tỉnh đồng bằng sông Hồng.


Công ty Điện lực Thái Bình đã tập trung tranh thủ mạnh mẽ các nguồn lực vào đầu tư, phát triển lưới điện

Công ty Điện lực Thái Bình đã tập trung tranh thủ mạnh mẽ các nguồn lực vào đầu tư, phát triển lưới điện

Mở đường điện khí hóa nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình

Với luận điểm khoa học mà Lê Nin đã đề ra là “Chủ nghĩa cộng sản = Chính quyền Xô viết + Điện khí hoá toàn quốc”, thực hiện chiến lược “Điện phải đi trước một bước”, Tỉnh uỷ - Uỷ ban hành chính tỉnh Thái Bình đã có chủ trương thành lập ngành điện lực tỉnh Thái Bình trong năm 1966 với chức năng nhiệm vụ là cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về lĩnh vực điện lực, quản lý vận hành lưới điện phục vụ sản xuất, đời sống ở địa phương.

Trong những ngày đầu thành lập, Công ty chỉ có 7 CBCNV thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là quy hoạch, xây dựng cơ sở vật chất phát triển lưới điện, đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ công nhân viên cho trước mắt và lâu dài. Tại buổi lễ ra mắt, lãnh đạo tỉnh đã động viên, căn dặn giao nhiệm vụ và nhận định rất sáng suốt: “Lúc này, Mỹ có thể đánh hỏng 1 trạm điện, 1 cột điện, chứ không thể đánh hỏng được toàn bộ lưới điện. Trong khi nhiều nơi không làm điện mà ta làm là ta thuận lợi và ta đi trước”. Chính từ quan điểm ban đầu đúng đắn đó đã mở ra sự nghiệp Điện khí hoá ở Thái Bình.

Với đặc thù là tỉnh nông nghiệp nên ngay từ ngày đầu Tỉnh chủ trương xây dựng các công trình điện để phục vụ bơm nước tưới tiêu, phục vụ các cụm cơ khí nhỏ và cho trại chăn nuôi, nhằm tăng năng xuất lao động làm ra nhiều lúa gạo phục vụ củng cố hậu phương và chi viện cho chiến trường để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Công trình đầu tiên do Công ty Điện Lực Thái Bình thiết kế thi công là công trình đường dây - TBA bơm Tân Phong - Vũ Thư. Với tinh thần quyết thắng ngay từ trận đầu, CBCNV Công ty đã không kể ngày đêm, bất chấp bom đạn vượt qua thiếu thốn chỉ sau 1 tháng công trình với 2,01 km đường dây và 01 trạm biến áp 100kVA-10/0,4kV đã được đóng điện an toàn.

Với những bước đi chập chững, đầy những khó khăn thiếu thốn nhưng ngành điện Thái Bình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quê hương Thái Bình, đặc biệt là đã đưa năng lượng điện phục vụ sản xuất, với tốc độ tăng trưởng rất nhanh với sản lượng 4,5 triệu kWh năm 1966, đến năm 1975 đạt 13,8 triệu kWh, trong đó nổi bật là phục vụ sản xuất nông nghiệp, làm tăng năng xuất lúa, một nhân tố chính giúp tỉnh Thái Bình trở thành lá cờ đầu về thâm canh tăng năng xuất lúa, đạt 5 tấn/ha đầu tiên ở miền Bắc.

Sau ngày Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất (30/4/1975) cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới: Vừa khắc phục hậu quả chiến tranh vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy nhu cầu về điện ngày càng tăng để phục vụ phát triển đất nước. Thái Bình tập trung xây dựng phát triển kinh tế, đặc biệt kinh tế nông nghiệp đưa tiến bộ khoa học, cơ giới hoá vào sản xuất vì vậy điện năng càng đỏi hỏi cao. Trong giai đoạn này mô hình tổ chức ngành điện có nhiều thay đổi nhằm đáp ứng nhiệm vụ mới.

Năm 1976 thực hiện chuyển giao CN Điện thuộc Sở Điện 3 (Hà Nam Ninh) về Công ty Điện Lực tỉnh Thái Bình và đến Năm 1982 Công ty Điện Lực tỉnh Thái Bình được đổi tên thành Sở Điện Lực Thái Bình trực thuộc Công ty Điện Lực I; Hai năm sau (năm 1984) sáp nhập nhà máy điện tua bin khí Tiền Hải về Sở Điện Lực Thái Bình. Từ đây chức năng – nhiệm vụ của ngành Điện Thái Bình đa dạng hơn, quan trọng hơn và cũng khó khăn hơn, đó là: Vừa làm chức năng quản lý Nhà nước về điện, như: tham mưu cho tỉnh về qui hoạch phát triển Điện lực, lập kế hoạch cung ứng và sử dụng điện phục vụ sản xuất - sinh hoạt trong tỉnh có hiệu quả, quản lý vận hành lưới điện, phát điện, kinh doanh phân phối điện và xây dựng cơ sở vật chất lưới điện.

Đặc biệt thời kỳ này, cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp toàn bộ nền kinh tế cực kỳ khó khăn. Một lần nữa bằng những kinh nghiệm đã tích luỹ được và với tình cảm, trách nhiệm đối với quê hương thân yêu, những người thợ điện Thái Bình lại bền bỉ lao động sáng tạo, vượt qua khó khăn - gian khổ, tranh thủ sự lãnh đạo của tỉnh và Công ty Điện lực I (tiền thân của Tổng công ty Điện lực miền Bắc), Công ty đã tiếp tục củng cố nâng cao năng lực quản lý, trình độ kỹ thuật, củng cố đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đáp ứng năng lượng điện phục vụ phát triển KT-XH của địa phương.

Vì dòng điện sáng vươn xa

Trong suốt quá trình 50 năm hình thành và phát triển, Công ty Điện lực Thái Bình đã đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân trong tỉnh.

Sản lượng điện thương phẩm cung cấp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2001-2015 là 34,42%/năm. Với việc nhu cầu năng lượng điện được đảm bảo ổn định, đã tạo điều kiện quan trọng để thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong tỉnh, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề...đã được quy hoạch, xây dựng phát triển, các trung tâm đô thị - thương mại dịch vụ lớn đã đi vào hoạt động và tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, nâng cao khả năng, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó ngành điện đóng vai trò quan trọng như việc giảm thời gian tiếp cận điện năng, đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định...

Công ty Điện lực Thái Bình đã tập trung tranh thủ mạnh mẽ các nguồn lực vào đầu tư, phát triển lưới điện theo các quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia và quy hoạch điện lực của tỉnh, hệ thống nguồn và lưới điện liên tục được đầu tư mở rộng phạm vi, quy mô và khả năng cung ứng. Đến nay, hệ thống điện trên phạm vi tỉnh Thái Bình có đầy đủ từ nguồn phát, truyền tải đến lưới điện phân phối tiêu thụ.

Nói về những đóng góp trong quá trình tham gia thực hiện cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới”, ông Nguyễn Văn Tuynh – Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 28/4/2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình về việc xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân nông thôn, đến nay, tất cả các xã có nhu cầu dịch chuyển lưới điện đều được Điện lực các Huyện, Thành phố phối kết hợp thực hiện đảm bảo tiêu chí về điện trong việc xây dựng nông thôn mới. Công ty đã tranh thủ nguồn vốn Tổng công ty Điện lực miền Bắc để đầu tư nâng cấp cải tạo lưới điện, đặc biệt là lưới điện hạ áp nông thôn. Đến nay 100% các hộ trong tỉnh đều được sử dụng lưới điện quốc gia; 100% các xã đã đạt tiêu chí số 4 (về điện) theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới do Chính phủ ban hành, nâng cao được chất lượng điện năng phục vụ ngày một tốt hơn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, góp phần hoàn thành mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới của Tỉnh.

Cùng với việc phát triển hệ thống lưới điện đảm bảo khả năng và nâng cao độ ổn định, tin cậy cung cấp điện, là một đơn vị thành viên của Tổng công ty Điên lực miền Bắc, Công ty Điện lực Thái Bình đã từng bước hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý và kinh doanh, tiến hành các giải pháp cải tiến quản lý, triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chiến lược BSC/KPIs trong Công ty, cải thiện nâng cao các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, thực hiện tối ưu hóa không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, vượt chỉ tiêu được giao năm 2016 là 2,304 triệu kWh/lao động, chất lượng công tác dịch vụ khách hàng đạt trên 7,5 điểm.

Cán bộ công nhân ngành điện Thái Bình luôn cố gắng đổi mới trong nhận thức, xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp, tận tụy thân thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu về điện của khách hàng, phấn đấu đưa ngành điện trở thành ngành cung ứng các dịch vụ cao cấp, đáng tin cậy của nhân dân và xã hội.

Từ các phong trào thi đua lao động sản xuất, nhiều tập thể, cá nhân đã trở thành những tấm gương điển hình xuất sắc được Đảng và Nhà nước ghi nhận, thành tích đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng và được khen tặng nhiều phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước 03 huân chương lao động: Hạng Nhất- Hạng Nhì - Hạng Ba và 02 Huân chương Độc lập, Bằng khen của Chính phủ, của các Bộ ngành, Tập đoàn cũng như Tổng công ty, các danh hiệu thi đua của tỉnh./.

Mai Phương