Hiệp hội, ngành hàng đánh giá về hoạt động hải quan

Đánh giá về những cải cách trong lĩnh vực Hải quan, cộng đồng DN cho rằng, Hải quan Việt Nam đã đạt được kết quả đáng kể trong cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cộng đồng kinh tế ASEAN cùng các hiệp định thương mại tự do đã và đang tác động đến cộng đồng DN, vì vậy DN càng mong chờ ngành Hải quan triển khai nhiều giải pháp cải cách hành chính hơn nữa, thực hiện quản lý hải quan hiện đại tạo thuận lợi cho thương mại, hỗ trợ DN phát triển.

Ông YAMAMOTO Kenichi, Phó Trưởng Đại diện, Văn phòng JICA Việt Nam: Giúp cải thiện môi trường quốc tế ở Việt Nam

Hiệp hội, ngành hàng đánh giá về hoạt động hải quan - 1

Trong hơn một thập kỷ qua, JICA đã hỗ trợ Tổng cục Hải quan thực hiện nhiều chương trình nhằm hiện đại hóa ngành Hải quan và rất vui mừng với những thành tựu mà Hải quan Việt Nam đã đạt được tính đến thời điểm hiện tại, bao gồm cả việc triển khai thành công Hệ thống VNACCS/VCIS.

Theo quan điểm của JICA, những thành tựu đó đã được hiện thực hóa nhờ cam kết mạnh mẽ của Hải quan Việt Nam trong công tác cải cách hành chính. Điển hình là sự kiện vào tháng 1- 2008 khi Việt Nam trở thành nước ASEAN đầu tiên chấp thuận Công ước Kyoto sửa đổi của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), vốn được coi là một bản kế hoạch tổng thể nhằm thực hiện các thủ tục hải quan hiện đại và hiệu quả trong thế kỷ 21, Hải quan Việt Nam thực tế đã là một cơ quan có định hướng cải cách mạnh mẽ trước khi dự án VNACCS/VCIS được bắt đầu. Điều này đã góp phần thiết lập một nền tảng vững chắc, giúp ngành vượt qua nhiều khó khăn gặp phải trong quá trình xây dựng và triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS.

Giờ đây, nhờ Hệ thống VNACCS/VCIS, thời gian thông quan hàng hóa XNK đã được rút ngắn lại, khả năng dự báo của chuỗi cung ứng quốc tế cũng đã được cải thiện. JICA cũng biết được rằng, Luật Hải quan 2014 cùng với các nghị định, thông tư hướng dẫn triển khai đã không chỉ đưa ra một số chính sách thân thiện với DN, ví dụ như quy định DN ưu tiên và quy tắc xác định trước về mã số hàng hóa, trị giá hải quan và xuất xứ của hàng hóa XK, NK mà còn xóa bỏ được nhiều thủ tục rườm rà, đặc biệt là những thủ tục liên quan đến DN sản xuất gia công hàng XK. Nhìn một cách tổng thể, môi trường thương mại quốc tế ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.

Do vậy, theo JICA, để có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong thời gian tới, Hải quan Việt Nam cần tập trung vào nội dung nào để có thể mang lại những hỗ trợ thuận lợi nhất cho DN và cũng để đạt được kết quả tốt nhất trong tiến trình hiện đại hóa công tác hải quan tại Việt Nam. Trong đó, Hải quan Việt Nam cần duy trì sự vận hành ổn định của Hệ thống VNACCS/VCIS để hoạt động XNK không bị ảnh hưởng. Do các DN tham gia thương mại quốc tế mặc định rằng thủ tục thông quan hàng hóa XNK có thể được thực hiện vào mọi thời điểm nên bất kỳ trục trặc nào của Hệ thống VNACCS/VCIS, kể cả trong một thời gian ngắn, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh doanh của DN. Về vấn đề này, JICA rất vui mừng khi Hải quan Việt Nam sẽ nhận được các hỗ trợ phù hợp từ các chuyên gia về CNTT thông qua các buổi làm việc chính thức.

Một vấn đề quan trọng nữa đối với Hải quan Việt Nam là tiếp tục nỗ lực nhằm đơn giản hóa và hiện đại hóa các thủ tục/quy trình hải quan phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế để tiếp tục hiện thực hóa những tác động về tạo thuận lợi thương mại của Hệ thống VNACCS/VCIS. Cụ thể là cần phải áp dụng tốt hơn nữa các biện pháp quản lý rủi ro và triển khai đúng đắn công tác kiểm tra sau thông quan (PCA). JICA luôn sẵn sàng hỗ trợ Hải quan Việt Nam trong những lĩnh vực này thông qua một dự án hỗ trợ kỹ thuật mới vừa được bắt đầu vào tháng 8-2015.

Bên cạnh các biện pháp quản lý rủi ro và kiểm tra sau thông quan, có nhiều biện pháp khác cần được thực thi theo quy định tại Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong các biện pháp đó, công bố và cung cấp thông tin (Điều 1) và phán quyết trước (Điều 3) cần được đẩy mạnh do những biện pháp này giúp DN tăng cường khả năng dự báo, một nội dung cốt yếu trong lập kế hoạch DN. Những biện pháp đó cũng giúp cải thiện mức độ tuân thủ của DN.

JICA cho rằng, sự thống nhất là điều kiện tiên quyết, đảm bảo hoạt động trơn tru của các thủ tục hải quan trên toàn thế giới. Việc thiếu thống nhất không chỉ làm giảm sút niềm tin của người dân vào ngành Hải quan mà còn tác động xấu đến các hoạt động thương mại. Mặc dù Hải quan Việt Nam đã và đang nỗ lực giải quyết vấn đề này trong thời gian vừa qua nhưng những nỗ lực của ngành vẫn rất cần thiết trong thời gian tới.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Góp phần tăng sức cạnh tranh của DN

Hiệp hội, ngành hàng đánh giá về hoạt động hải quan - 2

Chặng đường 70 năm của Hải quan Việt Nam là một chặng đường dài mà trên đó, Hải quan Việt Nam đã không ngừng đổi mới và hiện đại để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và tạo thuận lợi cho DN.

Trong những năm qua, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) luôn được Tổng cục Hải quan xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tổng cục Hải quan đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị toàn Ngành tập trung thực hiện công tác cải cách TTHC. Ngành Hải quan đã chủ động và phối hợp với các bộ ngành, Ngân hàng thế giới, Hiệp hội Tư vấn thuế, VCCI, các DN XNK lớn và các đơn vị có liên quan để có các giải pháp đơn giản hóa TTHC hải quan, đặc biệt là giảm thời gian thông quan, qua đó đã giảm số chứng từ DN phải in khi sử dụng hải quan điện tử...

Tổng cục Hải quan đã áp dụng Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS), đảm bảo chất lượng, không gây xáo trộn hay làm gián đoạn quá trình làm thủ tục hải quan của DN. Các DN đã nhanh chóng tiếp cận với hệ thống mới và việc thực hiện thông quan đã đi vào ổn định. Đây được coi là tiền đề quan trọng để triển khai hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và nâng cao trình độ quản lý hải quan của cơ quan Hải quan cũng như tạo thuận lợi cho DN.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành, đã đề nghị 11 bộ, ngành có liên quan phối hợp triển khai rà soát, ban hành quy trình kiểm tra chuyên ngành đảm bảo thống nhất các nội dung về: Hồ sơ, thủ tục và trình tự đăng ký kiểm tra chuyên ngành; mẫu giấy đăng ký kiểm tra, giấy thông báo kết quả kiểm tra; biện pháp xử lý hàng hóa không đạt yêu cầu kiểm tra…, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK.

Đặc biệt, tôi đánh giá rất cao sự quyết liệt và kịp thời của Tổng cục Hải quan trong thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ ngày 18-3-2014 về những giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Những hoạt động mà Tổng cục Hải quan thực hiện thời gian qua như giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK ngang bằng với các nước ASEAN-4, thực hiện quyết liệt VNACCS/VCIS… thể hiện cách tiếp cận rất thực tiễn và thiết thực, thay vì những mục tiêu chung chung khó định lượng thì rõ ràng đây là những mục tiêu cụ thể, rõ ràng và theo dõi được từ những bộ chuẩn mực chung như chỉ số Doing Business của Ngân hàng thế giới.

Điều đáng chú ý lần này là cải cách đã đặt trong bối cảnh cạnh tranh với khu vực, Việt Nam cần đạt được các tiêu chuẩn thuận lợi và chuyên nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính ở mức trung bình của các nước ASEAN tiên tiến. Như vậy, rõ ràng tiêu chuẩn của thủ tục hành chính, tiêu chuẩn của sự thông thoáng, thuận lợi của môi trường kinh doanh không chỉ so sánh với chính mình trước đây mà cần so sánh với các quốc gia cạnh tranh với Việt Nam.

Các DN sẽ là người được hưởng lợi đầu tiên từ những cải cách rất hữu ích này. Nếu những cải cách này được thực thi nghiêm túc, chi phí thực hiện thủ tục hành chính của DN sẽ giảm. Do vậy, tôi tin chắc rằng những cải cách trong ngành Hải quan sẽ tạo ra những tác động quan trọng góp phần tăng sức cạnh tranh của các DN Việt Nam.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư kí VASEP: Cần tiếp tục có những đột phá

Hiệp hội, ngành hàng đánh giá về hoạt động hải quan - 3

Với khối lượng hàng hóa XNK liên quan đến mặt hàng thủy sản rất lớn, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá cao công tác cải cách thủ tục hành chính của ngành Hải quan đã tạo thuận lợi cho hoạt động của các DN. Đặc biệt là thủ tục XNK và Hải quan điện tử đã đạt được những kết quả quan trọng. Việc rà soát, giải quyết vướng mắc và ban hành mới các quy định hành chính và thủ tục hành chính đảm bảo tính hợp pháp, rõ ràng và dễ thực hiện. Bên cạnh đó, việc công bố, công khai thủ tục hành chính cơ bản đầy đủ, chính xác; việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính góp phần giảm thời gian, đơn giản thủ tục giấy tờ và quy trình thực hiện thủ tục hành chính; việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ngày càng được cải tiến, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và DN, góp phần cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy XNK, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động vận động chính sách, tăng cường chất lượng công tác đối thoại, góp ý và kiến nghị với các cơ quan Nhà nước về công tác cải cách thủ tục hành chính, VASEP đã thiết lập và ra mắt Nhóm vận động chính sách VASEP. Hiện tại đã có hơn 160 cán bộ DN thuộc 2 nhóm “Chất lượng -VSATTP” và “Thuế/Phí - Hải quan”. Hoạt động vận động chính sách đã có được những kết quả nhất định và luôn được hỗ trợ tích cực của các cơ quan, bộ, ngành trong đó phải kể đến thủ tục về hải quan điện tử và thủ tục xuất nhập khẩu. Trong năm 2014 và các tháng đầu năm 2015, các kiến nghị của VASEP liên quan đến các thủ tục về hải quan điện tử và thủ tục XNK đã được Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế  tiếp thu và đã có văn bản giải quyết theo kiến nghị của Hiệp hội. Tuy nhiên, VASEP cũng mong muốn ngành Tài chính nói chung và Tổng cục Hải quan nói riêng tiếp tục có những bước đột phá trong công tác cải cách thủ tục, hiện đại hóa, đồng thời giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc, kiến nghị về hoạt động XNK, thủ tục hải quan điện tử cho DN…

Ông Phạm Hùng Thái, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ford Việt Nam: Đi đầu trong áp dụng CNTT vào công tác quản lý

Hiệp hội, ngành hàng đánh giá về hoạt động hải quan - 4

Chúng tôi đánh giá rất cao những thành tựu mà ngành Hải quan đã đạt được. Hải quan là một trong những đơn vị đi đầu trong việc áp dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản lý Nhà nước. Cách đây hàng chục năm về trước, ngành Hải quan đã áp dụng công nghệ thông tin vào khai báo hải quan, thực hiện khai báo hải quan từ xa. Ngày 1-4-2014, ngành Hải quan đã tự động hóa hoàn toàn từ việc quản lý rủi ro để phân luồng đến thông quan trên Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, chủ động phối hợp với các ban ngành xây dựng và vận hành Cơ chế một cửa quốc gia. Những việc này giúp cho các DN nói chung và Ford Việt Nam nói riêng giảm thiểu các chi phí liên quan đến XNK, giảm thiểu thời gian thông quan, minh bạch hóa các quy trình… khiến nguyên liệu, hàng hóa nhanh chóng được đưa vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Lãnh đạo Hải quan là những người chủ động tổ chức các buổi đối thoại với các DN, rất cầu thị và tích cực lắng nghe để tháo gỡ những vướng mắc của các DN, từ đó xây dựng chính sách quản lý tốt hơn, minh bạch hơn. Điều này rất cần thiết để đất nước phát triển mà không phải ngành nào cũng làm được.

Là một trong các DN có cam kết làm ăn lâu dài và đúng pháp luật tại Việt Nam, Công ty Ford Việt Nam mong muốn sự đổi mới tích cực của ngành Hải quan trở thành động lực chung cho sự đổi mới các ngành quản lý khác, để kinh tế Việt Nam thực sự khởi sắc, cộng đồng DN thực sự vững mạnh, phát triển, có vị trí vững chãi trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông George Berczely, Tiểu ban Giao thông vận tải và Logistics (Eurocham), Tổng Giám đốc DHL - VNPT Express Ltd: Hiện đại hóa hải quan đã có những bước tiến dài

Hiệp hội, ngành hàng đánh giá về hoạt động hải quan - 5

Cơ quan Hải quan Việt Nam đã có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam qua những số liệu của hoạt động XNK giữa Việt Nam và các nước thuộc Cộng đồng châu Âu trong 5 năm vừa qua. Bên cạnh đó, trong 2 năm vừa qua, việc hiện đại hóa hải quan đã có những bước tiến dài với tốc độ nhanh hơn và dễ nhận thấy hơn. Đó là những thay đổi về quy định  trong Luật Hải quan 2014, Nghị định 08/2015/NĐ-CP và hàng loạt thông tư liên quan được ban hành với nhiều cải cách đáng kể; Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và trang bị hệ thống camera, máy soi tia X hiện đại để giám sát hải quan đối với hàng hóa XNK và những thay đổi khác về quy trình. Những thay đổi này giúp cho cộng đồng DN rút ngắn và đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu cho 1 lô hàng từ 3-4 giờ trước đây bây giờ chỉ còn vài phút.

Chúng tôi tin tưởng Hải quan Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi việc cải cách hành chính với ưu tiên hàng đầu là việc chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia sao cho có hiệu quả hơn, cũng như xây dựng hệ thống các tiêu chí và quy trình quản lý rủi ro để có thể kiểm soát và phòng chống buôn lậu và những hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật. Cuối cùng, chúng tôi mong muốn Hải quan Việt Nam tiếp tục làm việc gắn kết với cộng đồng DN cũng như các hiệp hội ngành nghề để có thể hiểu được những ảnh hưởng có thể xảy ra khi thực hiện những quy định trong tương lai; cung cấp những thông tin cần thiết cho cộng đồng DN có đủ thời gian chuẩn bị cũng như cho phép cộng đồng doanh nghiệp có thời gian vận hành thử nghiệm những chương trình mới để đảm bảo việc thực hiện được thông suốt.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam: Thủ tục hải quan đã được đơn giản hóa

Hiệp hội, ngành hàng đánh giá về hoạt động hải quan - 6

Những đổi thay, cải cách của ngành Hải quan thời gian qua thể hiện tiến bộ rõ nét, là bước tiến quan trọng của ngành Hải quan so với trước đây, tác động rất tích cực tới hoạt động của DN. Theo phản hồi, các DN khá hài lòng về cải cách khai báo hải quan, giảm chứng từ giấy và đẩy mạnh khai báo điện tử. Ngoài ra, DN cũng đánh giá cao những nỗ lực của ngành nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa. Đặc biệt trong hàng loạt cải cách, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, hướng tới một cửa ASEAN thể hiện tác động nhanh chóng, nổi bật hơn cả. Thay vì việc phải làm việc với nhiều bộ, ngành như trước đây gây mệt mỏi, lãng phí thời gian thì nay DN chỉ cần khai báo tại Cổng thông tin một cửa quốc gia nên rất thuận tiện.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là khâu khai báo hải quan đã đạt nhưng còn nhiều thủ tục liên quan đến bộ, ngành khác như Bộ NN&PTNT, Bộ Giao thông vận tải… lại chưa hẳn đã kịp thời và thông suốt. Nhiều khi hàng đã sẵn sàng, tàu đã thuê, đến lịch giao hàng nhưng thủ tục chưa xong nên đành hoãn lại. Hàng hóa dồn ứ tại cảng biển, trong khi DN phải chấp nhận chịu phạt do lỗi hợp đồng.

Trên thực tế, để có thể nhanh chóng giải phóng hàng, tạo thuận lợi tối đa cho DN, sự cải cách, nỗ lực của riêng ngành Hải quan chưa đủ mà rất cần sự hướng dẫn chi tiết, phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan. Cộng đồng DN mong muốn, thời gian tới, công tác phối hợp này sẽ có chuyển biến tích cực, nhất là tại các cảng xuất hàng.

Ông Trần Tiến Phát, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Datalogic Scanning Việt Nam: Nhiều lợi ích khi thực hiện VNACCS/VCIS

Hiệp hội, ngành hàng đánh giá về hoạt động hải quan - 7

Hệ thống VNACCS/VCIS đi vào hoạt động đã làm thay đổi hoàn toàn phương thức thực hiện thủ tục hải quan, từ thủ công truyền thống, bán điện tử sang thực hiện thông quan điện tử; đặc biệt, việc triển khai, vận hành Cơ chế một cửa quốc gia có ý nghĩa rất lớn đối với các DN, là một bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính của ngành Hải quan. DN khi tham gia thực hiện trên hệ thống thông quan tự động có rất nhiều lợi ích, giúp thông tin giữa hệ thống của Hải quan và DN được quản lý đồng bộ trên máy tính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, tìm kiếm thông tin, giúp DN giảm thời gian, chi phí làm thủ tục hải quan do DN có thể chủ động trong quá trình khai báo Hải quan và sắp xếp thời gian nhận hàng và xuất hàng.

Datalogic Việt Nam là DN ưu tiên nên được ưu tiên đăng ký định mức nguyên liệu, vật tư để sản xuất sản phẩm XK đối với các nguyên liệu quản lý theo định mức, rút ngắn đáng kể thời gian thông quan đối với lô hàng XK, NK, giảm chi phí do được miễn kiểm tra hồ sơ, hàng hóa, đặc biệt là giúp nâng cao uy tín thương hiệu của Công ty…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hệ thống Hải quan điện tử, phần mềm hỗ trợ cho DN chưa thể hiện được những nâng cấp và đồng bộ cần thiết so với hệ thống tại Tổng cục Hải quan. Ví dụ biểu mẫu xác nhận hàng hóa đã qua khu vực giám sát (mẫu 30/DSHH/GSQL) in từ VNACCS vẫn còn sự khác biệt so với biểu mẫu in từ website của Tổng cục Hải quan. Do đó, cơ quan Hải quan cần tập trung vào việc đồng nhất cơ sở dữ liệu, giúp DN tự tin hơn trong việc chứng minh mình đang thực hiện các hoạt động XNK đúng theo các yêu cầu của pháp luật, giúp công chức Hải quan các cấp dễ dàng hơn trong việc kiểm tra, giám sát sự tuân thủ của DN.

Theo Báo Hải quan